Không có tiền sử về từ vùng dịch
Ngày 19/8, Bộ Y tế ghi nhận trường hợp nam bệnh nhân 87 tuổi, cư trú tại xã Khải Xuân, Thanh Ba (Phú Thọ) dương tính với Covid-19. Theo tiền sử dịch tễ, trong vòng 1 tháng gần đây, bệnh nhân không đi đâu xa khỏi nơi cư trú. Không ai trong gia đình bệnh nhân đi đến các ổ dịch Covid-19.
Ngày 11/8, bệnh nhân sốt 38 - 39 độ C kèm đau bụng âm ỉ liên tục vùng hạ sườn phải, không ho, không khó thở. Ngày 12/8, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện E và về nhà người thân tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Sau đó, bệnh nhân vào Khoa Gan mật, Bệnh viện E.
Ngày 13/8, kết quả chụp CT ghi nhận bệnh nhân viêm phổi, được điều trị ở Khoa Bệnh nhiệt đới. Ngày 18/8, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 19/8. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, TS Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đây là trường hợp khó. Lý giải về điều này, ông Tấn cho hay, bệnh nhân không có tiền sử đi từ vùng dịch về, không liên quan đến các ổ dịch, cũng như không tiếp xúc với những người mắc hay có nguy cơ nhiễm Covid-19. Do đó, các cơ quan chức năng đã khẩn trương tiến hành những biện pháp phòng chống dịch ngay trong đêm 19/8.
Rút khỏi danh sách bệnh nhân Covid-19
Hiện, cả nước có 123 phòng xét nghiệm thực hiện phương pháp RealTime-PCR với công suất tối đa hơn 46 nghìn mẫu/ngày. Trong đó, có 71 phòng xét nghiệm khẳng định. Công suất của các phòng này là hơn 36 nghìn mẫu/ngày.
Trong đêm 19/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã lấy mẫu bệnh phẩm của tất cả những người tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần của bệnh nhân tại Bệnh viện E. Tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân chuyển sang từ Bệnh viện E vào tối 19/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Sáng ngày 20/8, bệnh viện tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm lần 2 để xét nghiệm khẳng định. Mẫu bệnh phẩm đồng thời được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm bằng các kỹ thuật khác. Tất cả xét nghiệm của 2 đơn vị đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Do đó, Bộ Y tế thông báo rút trường hợp bệnh nhân này ra khỏi danh sách những người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Trước bối cảnh này, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, đây là một trong những trường hợp đáng lưu ý đối với các bệnh viện. Khi bệnh nhân đến khám có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cơ sở y tế cần thực hiện các biện pháp kiểm soát như một ca nghi nhiễm Covid-19.
Xét nghiệm không thể chính xác 100%
Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long, bệnh nhân tại Bệnh viện E có kết quả xét nghiệm chưa thật rõ ràng, tín hiệu dương tính yếu với virus SARS-CoV-2. Đây là một trong những mẫu bệnh phẩm tương đối khó và phức tạp. Do đó, dù kết quả là dương tính yếu, nhưng ngành y tế đã coi đây là một bệnh nhân mắc Covid-19. Nhờ đó, triển khai các biện pháp xử lý, khoanh vùng dập dịch. Đồng thời, tiếp tục làm xét nghiệm để bảo đảm chính xác hơn.
Phát biểu về trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: “Trong quá trình thực hiện xét nghiệm, sẽ không thể bảo đảm tính chính xác 100%. Có nhiều lý do khiến kết quả bị sai lệch”.
Cụ thể, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân có thể thay đổi phụ thuộc vào người lấy mẫu, kỹ thuật lấy hoặc vị trí lấy mẫu. Ngoài ra, các yếu tố tác động trong quá trình vận chuyển mẫu tới nơi xét nghiệm cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả.
PGS Nga phân tích, cũng có khả năng khi lấy mẫu đã bắt được vi khuẩn nằm trong đường hô hấp trên có trình tự gen tương đồng với SARS-CoV-2. Khi đó, kết quả cho ra là dương tính.
“Không phải xét nghiệm nào cũng sẽ cho kết quả chính xác 100%. Chính vì vậy, những trường hợp có kết quả lúc dương tính, khi âm tính cần được kiểm tra lại nhiều lần. Việc kiểm tra có thể từ 3 - 4 lần, hoặc thậm chí là nhiều hơn nếu người xét nghiệm cảm thấy nghi ngờ. Tuy nhiên, việc bệnh nhân có kết quả dương tính sau đó âm tính là điều không hề bất thường”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.