Vì sao Tết âm luôn đến chậm hơn so với Tết dương?

Thạc sỹ Trần Tiến Bình- một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch cho biết, một trong những quy tắc mà chúng ta dựa vào để tính ngày tháng năm theo âm lịch là tiết Đông chí.

Vì sao Tết âm luôn đến chậm hơn so với Tết dương?
Thạc sỹ Trần Tiến Bình
Thạc sỹ Trần Tiến Bình
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, PV Báo Điện tử Chính phủ đã trao đổi với Thạc sỹ Trần Tiến Bình- nguyên cán bộ Phòng Nghiên cứu lịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về cách tính âm lịch và dương lịch.

Thưa ông vì sao Tết âm luôn đến chậm hơn so với Tết dương?

Thạc sỹ Trần Tiến Bình: Một trong những quy tắc mà chúng ta dựa vào đó để tính âm lịch là tiết Đông chí mà Đông chí luôn rơi vào tháng 11 âm lịch (các cụ gọi là tháng Một).

Tiết Đông chí dao động xung quanh ngày 21/12 dương lịch hàng năm. Từ thời điểm này đến ngày mùng 1 Tết dương lịch chỉ còn 10 ngày. Trong khi đó, từ tiết Đông chí đến Tết Nguyên đán còn tới hơn 1 tháng (khoảng 10 ngày của tháng 11 âm lịch và cả tháng 12 âm lịch, khoảng 29-30 ngày, tổng cộng khoảng 40 ngày).

Do đó, Tết Nguyên đán đến sớm nhất cũng vào quãng 20 ngày sau ngày 1/1 dương lịch và chậm nhất là khoảng 50 ngày tùy thuộc vào thời điểm mà tiết Đông chí rơi vào đầu hay cuối tháng 11 âm.

Chẳng hạn năm 2011, tiết Đông chí (22/12/2011) rơi vào 28/11 âm nên Tết Nhâm Thìn năm đó vào ngày 23/1/2012; còn năm 2014 tiết Đông chí cũng vào ngày 22/12 nhưng lại nhằm ngày 1/11 âm lịch nên ngày mồng 1 Tết Nguyên đán Ất Mùi sẽ là ngày 19/2/2015 (gần hơn 40 ngày).

Quỹ đạo mà Mặt trời chuyển động biểu kiến trên bầu trời giữa các vì sao trong 1 năm gọi là Hoàng đạo (gọi là chuyển động biểu kiến vì thực tế Trái đất quay xung quanh Mặt trời nhưng nhìn từ Trái đất ta thấy ngược lại, khi tính toán ta nói là sử dụng hệ tọa độ Địa tâm).

24 tiết khí hay còn gọi là 24 khí (bao gồm 12 trung khí và 12 tiết khí xen kẽ nhau) tương ứng với 24 điểm chia đều trên Hoàng đạo, mỗi cung 15 độ, xuất phát từ Xuân phân 0 độ, Thanh minh 15 độ, Cốc vũ 30 độ.... đến Kinh trập 345 độ. Điểm Đông chí ứng với góc 270 độ là thời điểm mà ở Bắc bán cầu Mặt trời xuống thấp nhất, nên ngày ngắn nhất và đêm dài nhất. Thời điểm Hạ chí (ứng với góc 90 độ) thì ngược lại (với Nam bán cầu thì lệch 6 tháng).

Sở dĩ có hiện tượng này là do trục Trái đất nghiêng với quỹ đạo chuyển động một góc hơn 23 độ. Đông chí không hề trùng với thời điểm mà khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời ngắn nhất, chẳng hạn năm nay Đông chí rơi vào 22/12 trong khi điểm Cận nhật (Perihelion) vào ngày 4/1, do gắn với chuyển động của Trái đất quanh quỹ đạo nên lịch 24 tiết khí (mà tục gọi là Lịch Nhà nông) thực tế lại là một loại dương lịch chứ không phải âm lịch như nhiều người lầm tưởng.

Thưa ông, mấy tháng trước, có tin đồn năm 2014 bỏ nhuận 2 tháng 9 âm lịch, làm dấy lên chủ đề nóng là có hay không nhuận tháng 9 (âm lịch) trong năm 2014 Giáp Ngọ. Vậy nhuận tháng 9 có phải là điều gì bất thường, thưa ông?

Thạc sỹ Trần Tiến Bình: Tôi cũng không rõ tại sao có dư luận "nóng" này. Thoạt đầu nghĩ là do mọi người xem nhầm lịch Trung Quốc, nhưng kiểm tra lại thì năm nay lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc giống nhau. Có thể mọi người ít thấy tháng 9 cũng như các tháng cuối năm là tháng nhuận.

Thực tế trong cả thế kỷ XX và XXI thì chỉ có năm 2014 có tháng 9 nhuận. Tuy nhiên, việc nhuận các tháng cuối năm cũng không phải là hiếm. Thí dụ ở lịch Trung Quốc, năm 1984 có tháng 10 nhuận (năm này lịch Việt Nam không nhuận). Còn từ nay đến cuối thế kỷ XXI có tháng 11 nhuận (năm 2033, cả ở lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc) và một số năm khác có tháng 8 nhuận.

Vậy cách tính năm nhuận trong dương lịch và âm lịch khác nhau thế nào, có thể nhẩm tính được không, thưa ông?

Thạc sỹ Trần Tiến Bình: Với dương lịch có thể nhẩm tìm năm nhuận như sau: Những năm chia hết cho 4 là năm nhuận. Nhưng riêng các năm mà tận cùng là 2 số 0 thì phải chia hết cho 400 mới là năm nhuận. Thí dụ năm 2012 là năm nhuận, nhưng năm 1900 hay 2100 không phải là năm nhuận, vì tuy chia hết cho 4 nhưng không chia hết cho 400. Trái lại năm 2000 là năm nhuận vì chia hết cho 4 và 400.

Năm thường có 365 ngày, năm nhuận 366 ngày, 1 ngày dư ra cho vào tháng 2 thành 29 ngày. Cách tính năm nhuận như thế làm cho độ dài trung bình năm dương lịch bằng 365,2425 ngày (có 97 năm nhuận trong vòng 400 năm).

Xin cảm ơn ông về những thông tin thú vị này!

Theo Cổng TT Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.