Vì sao phim Người phán xử lại sốt?

Phim Người phán xử có lẽ là bộ phim hình sự hấp dẫn nhất so với một số phim cùng thể loại phát sóng gần đây.

Vì sao phim Người phán xử lại sốt?

Ngay từ phân cảnh đầu tiên, bộ (dài 46 tập, ĐD - NSƯT Nguyễn Mai Hiền, Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng, đang phát sóng vào lúc 21g30 trên kênh VTV3 các ngày thứ Tư, Năm hàng tuần) đã gay cấn đến mức người xem khó mà bỏ qua các tình tiết tiếp theo. Cứ thế mà dõi theo các tập phim sau như một sức hút khó cưỡng.

Đây có lẽ là bộ phim hình sự hấp dẫn nhất so với một số phim cùng thể loại phát sóng gần đây. Cũng là bộ phim không dễ tìm thấy “sạn”, mọi thứ gần như được chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết.

Vi sao phim Nguoi phan xu lai sot? - Anh 1

Phim Người phán xử - cơn sốt của màn ảnh nhỏ hiện tại

Kịch bản phim Người phán xử được Việt hóa từ Israel, vai chính thuộc về tuyến nhân vật phản diện - ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng). “Người phán xử” là tổng giám đốc tập đoàn Phan Thị - một tổ chức tội phạm có quy mô lớn - cũng là “bố già” trong giới giang hồ.

NSND Hoàng Dũng đã mang đến một hình ảnh ông trùm ấn tượng, từ ánh mắt đến cử chỉ, thần thái đến uy lực. Đứng đầu tổ chức tội phạm nhưng khiêm cung từ tốn, biết đối nhân xử thế, là người tốt đáng nể phục và có vị trí trong xã hội. Nhân vật ở tuyến phản diện nhưng lại gây cảm tình với khán giả - đây là điều không hề dễ dàng cho biên kịch và diễn viên khi khai thác, thể hiện nhân vật.

Phim có cách mở đầu kịch tính bằng một cuộc trả thù đầy sát khí giữa hai nhóm giang hồ. Cuộc truy đuổi đầu tiên mở ra nhiều chuỗi mâu thuẫn, mắt xích xung đột xung quanh các nhân vật Phan Hải (Việt Anh), Trần Tú (Quốc Đam)…

Vi sao phim Nguoi phan xu lai sot? - Anh 2

Một Hoàng Dũng khác biệt trong phim Người phán xử

Một thế giới ngầm phức tạp nhưng được kể thông qua câu chuyện gia đình, với đầy đủ những giá trị về tình yêu thương, cách đối nhân xử thế. Phim Người phán xử tuân theo nguyên tắc của phim hành động - hình sự, cứ 5-7 phút là lại có cảnh hành động, kịch tính. Đan xen vào đó là những mâu thuẫn trong mối quan hệ tình cảm được tái hiện song song giữa các tuyến nhân vật.

Phim chỉ mới phát sóng những tập đầu nhưng đã mở ra một chuỗi những mối quan hệ, hoàn cảnh, tính cách của mỗi nhân vật trên phim một cách thuyết phục. ĐD Khải Anh từng nói, Người phán xử là phim mà các diễn viên đều có cơ hội thể hiện rất khác những hình ảnh trước đây của họ. Quả đúng như vậy.

Việt Anh đầy bất ngờ với Phan Hải ngoại hình xăm trổ và vẻ mặt xấc xược, đanh rắn của một tay giang hồ đa tính cách. Phan Hải là vai diễn được đánh giá cao trong lần trở lại màn ảnh nhỏ của diễn viên Việt Anh. Anh cũng chia sẻ rằng đã phải cố gắng đến 200% cho nhân vật với độ thử thách không kém vai diễn làm nên tên tuổi anh nhiều năm trước - Cao Thanh Lâm trong phim Chạy án.

Ngược lại, Hồng Đăng với diện mạo một chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình nhưng trong lòng đầy niềm riêng về chính chuyện gia đình, tình cảm không thể giải quyết của cá nhân, xung đột giữa hiện tại và quá khứ.

Vi sao phim Nguoi phan xu lai sot? - Anh 3

Trong phim Người phán xử, cả Hoàng Dũng, Việt Anh và Hồng Đăng đều gây bất ngờ

Đan Lê trở thành luật sư, con dâu nhà tập đoàn Phan Thị nhưng vướng vào bi kịch hôn nhân. NSƯT Trung Anh vào vai Lương Bổng - cánh tay trái của ông trùm - trung thành, thông minh nhưng lạnh lùng, khó đoán…

Một trong những điểm thu hút, thuyết phục của phim chính là lời thoại. Lúc đanh thép, sắc sảo lúc nhẹ nhàng tình cảm. Những cuộc đối thoại giữa các nhân vật bao giờ cũng ít nhiều những câu nói thấm thía, xác đáng từ chuyện gia đình, tình cảm đến cách đối nhân xử thế, thế thái nhân tình. Đây là điểm cộng lớn nhất - so với nhiều bộ phim truyền hình luôn bị mất điểm ở phần thoại khô khan, sáo rỗng.

Bối cảnh phim không trải rộng ở nhiều không gian, chủ yếu tập trung ở “chỗ làm ăn” của tập đoàn Phan Thị: biệt thự, quán cà phê, bar, vũ trường, cơ quan hành chính, hồ bơi, đường phố… Nhưng hầu hết bối cảnh được khai thác ở những góc máy đẹp, lạ, ánh sáng được đầu tư kỹ, đạo cụ chăm chút. Xem và thấy được một sự “sang trọng nguy hiểm” trên tổng thể nội dung của bộ phim.

Kịch bản Việt hóa từ nguyên bản Israel này đã mang đến một “khuôn mặt mới” cho thể loại hình sự Việt. Rất nhiều phim đề tài hình sự trước đây đều khởi từ những vụ án truy bắt tội phạm của công an, cảnh sát hình sự. Nhân vật “bố già” nếu được chọn khai thác cũng chỉ là một phần trong tuyến nhân vật phản diện song song với cuộc chiến truy bắt tội phạm của tuyến chính diện.

Vi sao phim Nguoi phan xu lai sot? - Anh 4

Với phim Người phán xử, Việt Anh đã thoát khỏi cái bóng của Cao Thanh Lâm

Phim Người phán xử đi ngược lại với mọi thói quen thường thấy của kịch bản Việt. “Bố già” trở thành người nắm giữ công lý ở thế giới ngầm. Ở những tập đã được phát sóng, khán giả được đưa vào không gian của “xã hội đen” với những luật giang hồ, những cuộc thanh trừng, những lần ám sát bí mật… của các phe phái, mà chưa thấy có công an vào cuộc.

Không có một giới hạn tội ác hay công lý nào làm “chuẩn quy chiếu” trong giới giang hồ. Những cuộc truy sát, rượt đuổi khốc liệt, những cuộc đối đầu không khoan nhượng… Mọi thứ đều đang mở ra những cánh cửa lạ lẫm đầy sức dẫn dụ người xem vào đường đi của các nhân vật.

Người phán xử còn một chặng đường dài trên sóng truyền hình. Cũng giống như một cuốn sách, hay dở đều đã thấy rõ ở những trang đầu tiên. Bộ phim đã có một khởi đầu đầy thu hút, liên tục hấp dẫn và gây tò mò, hứa hẹn sẽ “hồi hộp đến phút cuối” như kỳ vọng ban đầu NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC đã trao cho khán giả.

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ