Vì sao ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa được bồi thường?

Việc bắt người bị hại phải chứng minh thiệt hại là một vấn đề mà các cơ quan Nhà nước cần phải nghiên cứu, xem xét

Vì sao ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa được bồi thường?

Tại buổi họp báo công tác tư pháp quý 1/2015 tổ chức chiều nay (17/4), tại Hà Nội, phóng viên nêu câu hỏi cho rằng, thời gian vừa qua có rất nhiều trường hợp bị oan sai và đã có kết luận của cơ quan chức năng. Nhưng sau đó quá trình bồi thường oan sai thường rất chậm, điển hình là vụ án Lương Ngọc Phi ở Thái Bình. Ông bị tuyên án tù 20 năm. Ngồi tù 3 năm mới được minh oan. 

Và đến bây giờ, đã hơn 10 năm sau khi cơ quan chức năng kết luận oan sai, nhưng việc bồi thường cũng chưa xong. Mới đây nhất là vụ án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, khi đưa ra việc bồi thường, cơ quan chức năng cho rằng phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh cho việc bồi thường. Đây là một việc làm “đánh đố” người bị oan sai.

Ông Nguyễn Thanh Chấn trong một lần lên làm việc với tòa phúc thẩm TAND Tối cao (ảnh: Việt Đức)

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Văn Bốn, quyền Cục trưởng Cục bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết, bồi thường Nhà nước là một vấn đề rất khó và mới ở Việt Nam. Các cơ quan trong quá trình thực thi triển khai luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Cùng với đó, bản thân luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang quy định theo mô hình phân tán. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý trong 2 lĩnh vực bồi thường Nhà nước trong quản lý hành chính và thi hành án dân sự, còn Tòa án hay các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm quản lý giải quyết bồi thường trong lĩnh vực tố tụng, Bộ Tư pháp chỉ là cơ quan phối hợp. 

“Trong thời gian vừa qua với trách nhiệm là cơ quan phối hợp, chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Bộ phối hợp với các cơ quan tố tụng xử lý dứt điểm các vụ việc báo chí đã nêu, đặc biệt là vụ ông Phi ở Thái Bình và vụ ông Chấn ở Bắc Giang”.

Theo ông Bốn, với mô hình phân tán như vậy, và thực tế hiện nay là quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về những vấn đề thiệt hại, mặc dù cũng đã có những văn bản hướng dẫn liên tịch giữa Viện Kiểm sát, Tòa án, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính và các Bộ liên quan đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng việc bắt người bị hại phải chứng minh thiệt hại là một vấn đề mà về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước cũng phải nghiên cứu. 

“Để họ nếu được bồi thường thì phải giải quyết nhanh nhất. Nhiều khi việc bồi thường sẽ vi phạm về thời hạn nhưng nếu không làm đúng pháp luật thì cũng không thể lấy được tiền bồi thường cho đương sự”.

Theo ông Bốn, từ thực tiễn, Cục cũng đã đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tổng kết 5 năm thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. “Chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch nếu không có gì thay đổi thì cuối tháng 9/2015 sẽ có tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. 

Trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ và Chính phủ sẽ đề xuất với Quốc hội sửa đổi cơ bản luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên cơ sở đánh giá trúng, đúng và những bất cập hiện tại, để luật đáp ứng yêu cầu của Nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu của dân được giải quyết một cách sớm nhất”.

Theo vov

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.