Ảnh minh họa |
Như một sự khiêm tốn cần phải có về sự hiểu biết khi bàn luận một vấn đề về xã hội, bởi người ta càng nhiều tuổi thì thế giới quan mới sung túc được. Thế giới quan của tôi mới chỉ là của một cậu trai 24 tuổi, chỉ mới tốt nghiệp Đại học được hơn 1 năm. Vậy thì tôi có thể nói về vấn đề chồng Tây vợ Việt được không?
Khi không cùng phông văn hóa và trình độ thì rất khó nói chuyện, nhưng một nguyên tắc của làm việc nhóm là tôn trọng hệ quy chiếu của người đối diện. Vì vậy tôi luôn tôn trọng quan điểm của các tác giả trong những bài viết trước đây về chủ đề “chồng Tây vợ Việt”, nhưng vì thế giới quan còn hẹp cũng như phông văn hóa chưa cao nên nếu tôi có nói sai thì mong mọi người hãy góp ý cho tôi.
Trong các bài viết trước, nhiều chị em buông lời chán nản “Đàn ông Việt” và kéo theo đó là cái hệ quả khen ngợi “Đàn ông Tây”. Đây là một quy luật, khi anh chê ai đó nghĩa là anh đang có một thứ so sánh để khen ngợi. Cũng có nhiều chị em tâm sự về cuộc sống không hạnh phúc về việc lấy chồng Tây, rồi khuyên ngược lại những chị em khác hãy thận trọng.
Đây cũng là điều tất yếu, khi ai đó đang phán về những điều tương tự mà cuộc sống họ đang trải qua, họ sẽ có những phản ứng với tư cách là người trong cuộc. Cũng có một số chàng trai lên tiếng phản ứng rằng người Tây có người này người nọ, vì họ cũng đang sống ở xứ trời Tây. Như thế, đây là điều tất yếu giống như trên.
Tổng hợp những điều này, chúng ta gọi đó là những quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề. Như thế suy rộng, một vấn đề đang gây tranh cãi thì không thể trở thành chân lý cho tất cả. Cái nguyên tắc nào cũng có cái ngoại lệ, nhưng điều đáng buồn là cái ngoại lệ ấy lại trở thành đại diện cho cái nguyên tắc, bởi người ta gom hơn tất tần tật từ cha, ông, ông cố, ông sơ và hơn một nửa dân số Việt Nam thuộc giới tính Nam vào một chữ “Đàn ông Việt”.
Nói ngược lại vấn đề cũng tương tự như thế đối với “Đàn ông Tây”, một người đàn ông ở xứ sở Tây nào đó đang bạo hành gia đình nhưng vẫn được một số chị em khen ngợi chỉ vì họ là “Đàn ông Tây”...
Một trong những sai lầm của những nghiên cứu về mảng xã hội, đó là không tìm được cách chọn mẫu đúng, không chọn được mẫu thích hợp, không đưa ra được hệ quy chiếu có tính thu hẹp hoặc xác định rõ phạm vi... tất tần tật những điều này dẫn đến một hệ quả là cơ sở và kết quả nghiên cứu bị quy về Zê rô.
Mặt khác, đây là một mảng đề tài rất nóng, nó liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, liên quan đến yếu tố văn hóa, tính hội nhập, thậm chí là sự phản ứng tiêu cực của một đại bộ phận lớn trong xã hội.
Câu hỏi đặt ra, “Đàn ông Việt” do đâu mà có? Là do “Phụ nữ Việt” sinh ra, nhưng do cả vợ chồng cùng giáo dục. Nếu trong một gia đình, người đàn ông đi làm về vẫn còn vắt vẻo lên ghế Sa – lông mặc cho người vợ của mình quần quật làm việc nhà... thì làm gì có những người con (thế hệ trẻ) biết tôn trọng phụ nữ.
Nếu như vẫn còn những người Mẹ coi con trai mình là “ông trời con”, chăm bẵm từng li từng tí, còn nhỏ thì coi con hàng xóm bằng nửa con mắt, lớn lên thì coi con dâu không bằng vạt áo của con trai mình... thì làm gì có những người con (thế hệ trẻ) biết tôn trọng phụ nữ.
Nếu có sự ngoại lệ xảy ra, thì tức là những người con ấy đã vượt qua được giới hạn của giáo dục để tiếp thu những điều tích cực của xã hội. Những người con ấy có cả trai lẫn gái, nếu vậy muốn trách thì trước hết phải trách cái sự giáo dục chứ đừng trách những người thụ hưởng giáo dục.
Tuy nhiên khi đến một độ tuổi nhất định mà bạn buộc phải chọn cho mình sự giáo dục tốt nhất mà vẫn không tiếp thu được tính tích cực, hay nói rõ hơn là một số người đàn ông vẫn thiếu tính tôn trọng phụ nữ thì đừng nên phản ứng trước sự trách giận của phụ nữ, bởi các chị em nói đúng chứ không có sai.
Tiếp theo, châm ngôn có câu: “Nếu cho một người phụ nữ 23 tuổi chọn một người đàn ông cho đời mình, thì đây là một sự lựa chọn quá khó”, nhưng khi người phụ nữ 30 tuổi thì gặp anh nào thì cũng: “Anh nhá, tôi biết tỏng con người anh như thế nào rồi, v.v..”, thì khổ lắm lúc ấy lại chẳng có anh nào chọn.
Như vậy, sự lựa chọn nào cũng có tính tương đối, chọn như thế nào là một người chồng cho mình thì đó là sự lựa chọn của các chị em, không ai ép các chị em cả. Nhưng nếu đã chọn rồi thì phải biết lựa chọn điểm tốt để duy trì và xây dựng mối quan hệ vợ chồng.
Ví dụ, chọn một anh chồng Tây ga lăng và biết tôn trọng phụ nữ, đó chính là điểm tốt của anh ấy thì hãy nhìn điểm tốt của anh ấy mà mình đã lựa chọn ban đầu để sống một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc cho riêng mình.
Giả sử, anh chồng này quan hệ tình dục với chính em gái mình, bạn thân của mình... thì làm ơn đừng lên mặt báo lôi anh chồng của mình rồi gán cái mác “chồng Tây” mà chê bai đàn ông Tây thế này thế nọ. Bởi họ có phụ bạc bạn đâu, họ đáp ứng được yêu cầu đầu tiên và cốt yếu mà bạn chọn anh ấy làm chồng ấy chứ.
Ngược lại, nếu bạn chọn một anh chồng người Việt Nam làm chồng chỉ vì anh ấy có nhà mặt phố, bố làm quan, có điều kiện kinh tế để bạn đỡ khổ và phụ giúp được cho gian đình bạn. Nhưng nếu người đàn ông này nói một, bạn chỉ mới nói một nửa mà đã giáng cho bạn một bạt tai... thì cũng đừng lôi anh chồng này lên mặt báo để rồi gán cho họ cái mác “Đàn ông Việt”.
Bởi cho đến tận lúc này, anh chồng ấy vẫn là nhà mặt phố, bố làm quan, cái lựa chọn ban đầu của bạn có bị thay đổi đâu. Vậy tại sao bạn không chọn những người có nhiều nhân phẩm hoặc điều kiện khác tốt hơn.
Cơ bản, lựa chọn không phải đến từ một chiều chính bạn mà còn đến từ chính họ nữa, họ cũng sẽ lựa chọn ở bạn những điểm đối với họ là quan trọng để làm vợ. Do đó, hôn nhân là sự dung hòa giữa những cái xấu, mà khi lựa chọn ban đầu người ta cố tình gạt qua một bên để chấp nhận. B
ố tôi là người đàn ông ít khi làm việc nhà, mẹ tôi có nói: “Bố con chưa bao giờ dạy mẹ được 1 điều gì cả”. Nhưng chưa bao giờ mẹ muốn ly hôn với bố mặc dù nhiều lúc sóng gió đến đã khiến cho bố mẹ tôi nghiêng ngả, ly hôn đã là chuyện được 2 người nói tới nhưng bố cũng như mẹ không bao giờ muốn ly hôn.
Tôi hỏi mẹ thì mẹ tôi kể về những ngày tháng bố mẹ mới lấy nhau, khi mới sanh tôi được 4 tháng, lúc đó trúng ngay mùa nước lũ, trong nhà không có một hạt gạo, bố tôi phải chống xuồng đi giữa đêm mưa gió vay mấy lon gạo từ ông giám đốc nông trường về cho hai mẹ con nấu miếng cháo ăn.
Rồi có bận xuồng hư, bố tôi một mình bơi giữa dòng nước về tới nhà để mang cho 2 mẹ con bánh mật ong... Bố tôi là người cộc tính, nhưng mẹ tôi lại không muốn ly hôn, hóa ra mẹ tôi nói sự chịu thương chịu khó và bản lĩnh đàn ông của bố là sự lựa chọn duy nhất và cho đến tận bây giờ của mẹ.
Hóa ra có ai mà không có những điểm xấu, chỉ là người ta không chọn điểm xấu để tô điểm cho hôn nhân của mình thôi, còn người chọn điểm xấu để tô điểm cho hôn nhân của mình thì làm sao bằng lòng với cuộc hôn nhân của mình được. Nhưng phụ nữ vẫn là phái yếu nên cần được tôn trọng và chăm sóc, các anh chàng chúng ta đang nâng niu và trân trọng Mẹ của con mình đấy, vậy nên có gì đâu mà không làm được.
Sao không đặt mình vào đứa con khi thấy Mẹ nó phải nước mắt lưng tròng trước chén cơm, hoặc tiếng nấc nghẹn của Mẹ nó trên giường bệnh khi Bố nó quay đi vì không chịu được cái mùi nồng nặc của bệnh viện, v.v...
Cuối cùng, trong một xã hội cởi mở như hiện nay, bạn có thể chọn chồng Tây mà không chọn chồng Việt cũng như người khác chọn vợ Tây mà không chọn vợ Việt. Bởi lẽ ở mỗi người có một đức tính mà trong cuộc sống của bạn thì bạn rất cần đức tính đó. Vậy thì hãy chọn thật kỹ và hãy nhớ rằng sự lựa chọn nào cũng có tính tương đối, quá rạch ròi và sòng phẳng thì không còn cái gọi là tình yêu và hôn nhân nữa.
Tây hay Việt, đều có cái để bạn khen và chê cả, bởi chúng ta không phải đến từ thiên đường!
Theo Vietnamnet
TIN LIÊN QUAN |
---|