Vì sao lãi suất huy động giảm mạnh?

Vì sao lãi suất huy động giảm mạnh?

Đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi

Cụ thể, ngân hàng Agribank điều chỉnh giảm lãi suất tất cả các kỳ hạn trong khoảng từ 0,1 - 0,45%/năm. Biểu lãi suất tiết kiệm ngân hàng Agribank nằm trong khoảng từ 4% đến 6,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.

Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 đến 0,45%/năm so với tháng 5/2020. Chẳng hạn, kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm. Từ 6 tháng trở lên đến 9 tháng giảm về mức 4,9%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng chỉ còn 5,1%/năm.

Ngân hàng Vietcombank điều chỉnh giảm 0,25%/năm cho lãi suất kỳ hạn 3 tháng, giảm 0,1%/năm cho lãi suất kỳ hạn 1 tháng và kỳ hạn 2 tháng giảm xuống 4%/năm. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn khác giữ nguyên.

Tương tự, BIDV chỉ giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 9 tháng ở mức 5,1%/năm, các kỳ hạn còn lại điều chỉnh giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm so với tháng trước. Các khoản tiền gửi có kì hạn 1 tháng và 2 tháng được áp dụng cùng mức lãi suất là 4%/năm, giảm 0,3% so với thời điểm đầu tháng 5/2020. Lãi suất kì hạn 3 tháng và 5 tháng được điều chỉnh giảm khá sâu so với các kì hạn khác xuống còn 4,25%/năm, tức giảm tới 0,45% so với biểu lãi suất đầu tháng 5.

Lãi suất kì hạn 6 tháng giảm nhẹ 0,2% so với đầu tháng 5 xuống còn 4,9%/năm. Riêng tiền gửi kì hạn 9 tháng được ngân hàng BIDV giữ nguyên mức lãi suất áp dụng là 5,1%/năm. Đối với các khoản tiền gửi có kì hạn dài từ 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng được ngân hàng BIDV ấn định chung mức lãi suất là 6,5%/năm.

Các ngân hàng thương mại cũng giảm lãi suất huy động lần này như Techcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng 0,1%/năm, còn 5,2%/năm nhưng lại tăng 0,1 - 0,4% ở các kỳ hạn khác. Chẳng hạn, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 3,4%/năm, 6 tháng 5,4%/năm, 24 tháng lên 5,3%/năm…

Lãi suất huy động tiền đồng của Ngân hàng TMCP Bản Việt giảm nhẹ 0,05 - 0,1%/năm, các kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,2%/năm, 6 tháng còn 6,9%/năm, 12 tháng 7,3%/năm… Mặc dù vẫn giữ mức lãi suất cao nhất 8,4%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, Eximbank đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng còn 5,6%/năm, 12 tháng còn 7,2%/năm.

Nhờ nguồn tiền từ Ngân hàng nhà nước

Theo nhận định của các Công ty cổ phần chứng khoán, lãi suất huy động của các ngân hàng giảm là do gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh tay bơm thêm tiền ra thị trường, làm cho thanh khoản của các ngân hàng thương mại dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.

Tuy chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng nhỏ với nhóm lớn hiện lên tới 1 - 1,8% nhưng do ngân hàng nhỏ bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế và có thể các ngân hàng này sẽ giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới. Thanh khoản dồi dào cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm ngân hàng có thể tiếp tục thực hiện cắt giảm lãi suất trong tháng 5.

Thực tế, ngay trong tuần cuối cùng của tháng 5, 11.000 tỉ đồng được bơm ròng trực tiếp vào thị trường thông qua lượng tín phiếu đáo hạn. Ngay trong tuần đầu của tháng 6, quy mô lượng tín phiếu đáo hạn sẽ ở mức lớn hơn tuần trước với 25.000 tỉ đồng và theo đó giảm tổng lượng tín phiếu đang lưu hành xuống còn 27.000 tỉ đồng.

Theo BVSC đánh giá, nếu NHNN tiếp tục không thực hiện phát hành mới tín phiếu thì 25.000 tỉ đồng này sẽ tiếp tục được bơm ròng ra thị trường giúp duy trì trạng thái dồi dào thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong những tháng tới, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ đi ngang. 

Từ nay cho tới cuối năm ít có khả năng có thêm các đợt giảm lãi suất điều hành hay trần lãi suất huy động. Thêm vào đó, lạm phát có xu hướng tăng trở lại do giá dầu thế giới hồi phục và giá thịt lợn duy trì ở mức cao cũng là cản trở đối với định hướng giảm thêm lãi suất của NHNN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ