Vì sao không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong?

GD&TĐ - Mật ong có thể chứa vi khuẩn clostridium botulinum. Khi vi khuẩn sinh bào tử, chúng sẽ tiết độc tố, vượt qua thành ruột và gây nguy hiểm cho trẻ dưới 1 tuổi.

Bào tử của clostridium botulinum sẽ tiết độc tố. Ảnh minh họa.
Bào tử của clostridium botulinum sẽ tiết độc tố. Ảnh minh họa.

Nguy hiểm tính mạng

Thời gian qua, Việt Nam ghi nhận hàng loạt trường hợp ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum. Loại vi khuẩn này được xác định có trong pate Minh Chay - sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.

Nhiều bệnh nhân nhiễm độc phải thở máy do yếu liệt cơ, rơi vào tình trạng nguy kịch.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum ít khi xảy ra. Yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác, nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn.

TS Nguyên cho biết, vi khuẩn này tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong các loại nguyên liệu thực phẩm. Lúc này, vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường (gọi là bào tử).

Vi khuẩn có đặc điểm kỵ khí (chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí), không phát triển được trong môi trường chua (pH<4,6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).

Do đó, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn (quy trình sản xuất không bảo đảm sạch), sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín như chai, lọ, hộp, lon, túi, nhưng không đủ độ chua, độ mặn... sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.

Clostridium botulinum có trong mật ong

Clostridium botulinum từng được các nhà nghiên cứu phát hiện cách đây khoảng 100 năm. Đặc biệt, vi khuẩn này được tìm thấy có trong mật ong. Thông thường, mật ong được biết đến bởi tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho trẻ bị tưa lưỡi hoặc ho.

Tuy nhiên, thực tế, mật ong có thể gây nguy hiểm cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu chứa bào tử clostridium botulinum - thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm đến tính mạng.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết: “Vi khuẩn clostridium botulinum sinh ra bào tử tồn tại lâu dài trong môi trường bẩn, thực phẩm đóng hộp bị nhiễm khuẩn... Ngoài ra, bào tử của vi khuẩn này còn được tìm thấy trong mật ong. Tuy nhiên, không phải tất cả loại mật ong đều có bào tử vi khuẩn này”.

Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Trung tâm phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) và nhiều tổ chức y khoa khác đều khuyến cáo, không sử dụng mật ong với trẻ em dưới 1 tuổi, dù ở bất cứ dạng nào. Đã có nhiều báo cáo trên thế giới về việc ngộ độc bởi vi khuẩn clostridium botulinum do dùng mật ong ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là dưới 6 tháng.

Theo bác sĩ Công, hấp lá húng chanh với mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi ăn là một trong những bài thuốc dân gian nhiều người sử dụng, trong trường hợp trẻ bị ho nhẹ. Tuy nhiên, hành động này có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

“Điều tôi nói đến là việc sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi. Nhiều người hỏi tôi rằng, có dùng được phương pháp này không? Tôi nói dùng được, nhưng khỏi hay không thì tôi không biết. Thực tế, tôi cũng không biết tác dụng của các bài thuốc đó đến đâu. Tuy nhiên, nếu ho một chút trong viêm mũi họng của virus, thì để nguyên bệnh cũng tự hết”, chuyên gia chia sẻ.

Tổ ong mật trong rừng tràm.
Tổ ong mật trong rừng tràm.

Độc tố vượt qua thành ruột của trẻ

Theo đó, khi sử dụng mật ong sai cách, hệ quả nặng nề là nhiễm độc. Đây là hiện tượng do vi khuẩn clostridium botulinum hoặc bào tử của nó tiết độc tố gây ra.

Bác sĩ nhấn mạnh, clostridium botulinum là một vi khuẩn có thể tiết độc tố nguy hiểm khi ở tình trạng thiếu oxy. Độc tố của clostridium botulinum gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới hệ thống thần kinh tự động, đặc biệt là hệ hô hấp, gây tê liệt các cơ hô hấp làm trẻ thở yếu đi, thậm chí là không thở được.

“Vì vậy, sử dụng mật ong sai cách có thể khiến trẻ bị tím ngắt, mồm nhiều đờm. Trẻ dưới 1 tuổi bị ngộ độc nặng thường xuất hiện triệu chứng sau khi dùng mật ong từ 12 - 36 giờ. Mặc dù ít gặp, nhưng đây không phải trường hợp ngoại lệ”, bác sĩ Công cảnh báo.

Bên cạnh đó, độc tố do vi khuẩn clostridium botulinum gây ra cũng khiến các cơ khác bị liệt, như cơ ở ruột, gây táo bón kéo dài, chán ăn, mệt mỏi… Các triệu chứng ngộ độc nhẹ thường xuất hiện muộn hơn, khoảng từ 3 - 30 ngày. Do tình trạng này có thể kéo dài một tháng, nên nhiều người thường mất cảnh giác.

“Về cơ chế, vi khuẩn clostridium botulinum không trực tiếp tiết độc tố. Thay vào đó, vi khuẩn này sẽ sinh bào tử. Bào tử tồn tại ở mật ong, khi trẻ nuốt mật ong là nuốt bào tử vi khuẩn. Do hệ thống miễn dịch ở ruột trẻ em còn rất yếu, nên bào tử này tiết độc tố, vượt qua thành ruột và gây nguy hiểm. Ở trẻ trên 1 tuổi hoặc người lớn, hệ thống miễn dịch ở ruột đã tốt nên không bị ảnh hưởng bởi độc tố do bào tử này”, bác sĩ Phí Văn Công lý giải.

Độc tố của vi khuẩn clostridium botilinum bị tiêu diệt ở nhiệt độ 80 độ C trong 5 phút. Tuy nhiên, bào tử của clostridium botulinum cần được đun trong 3 phút ở 131 độ C để có thể bị phá hủy. Vì vậy, chuyên gia này nhận định, việc hấp thu mật ong có thể sẽ không đạt được nhiệt độ cao như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.