Vì sao học sinh Pháp “sợ” trả lời miệng?

GD&TĐ - Học sinh tiểu học Pháp e ngại giơ tay trả lời giáo viên hơn so với bạn đồng lứa châu Âu – theo một nghiên cứu mới đây. Nguyên nhân do đâu?

Vì sao học sinh Pháp “sợ” trả lời miệng?

Sự tự tin đang bị phá hỏng

Hội đồng Kiểm định trường học quốc gia Pháp (Cnesco) công bố khảo sát mới đây cho thấy, có những vấn đề đáng lo về hệ thống giáo dục Pháp.

Trước tiên, nghiên cứu chỉ ra hạn chế là học sinh đang thụt lùi về kĩ năng viết tiếng Pháp và có nhiều lỗi ngữ pháp hơn so với học sinh của 20 năm trước.

Cnesco cũng nhấn mạnh rằng “học sinh Pháp hầu như ngại trả lời câu hỏi trong các tiết học”, đặc biệt nếu giáo viên đưa ra một câu hỏi đòi hỏi câu trả lời dài.

Nghiên cứu tập trung vào nhóm học sinh 9 tuổi (lớp 4), cho thấy khoảng 15% học sinh không trả lời giáo viên tại Pháp so với tỉ lệ trung bình 9% ở châu Âu. Sự chênh lệch tỉ lệ trên rộng hơn với những câu hỏi đòi hỏi câu trả lời dài.

Chuyên gia giáo dục Peter Gumbel đưa ra lí giải cho sự miễn cưỡng trả lời câu hỏi của học sinh Pháp. “Trẻ em Pháp thường không đưa ra câu trả lời nếu không chắc chắn câu trả lời đó đúng” – Gumbel nói.

“Có nguy cơ chúng sẽ bị phạt nếu câu trả lời sai. Thậm chí câu trả lời sai có thể dẫn tới bị trừ điểm, hoặc tệ hơn là bị châm chọc và chê cười trước lớp nếu câu trả lời miệng không đúng” – Gumbel phân tích – “Điều đáng lo ở chỗ đây là vấn đề mang tính gốc rễ trong văn hoá dạy học Pháp. Nó đi ngược với mọi điều chúng ta biết ngày nay về cách thức giáo dục hiệu quả bởi nó phá hỏng sự tự tin của trẻ”.

Gumbel nhấn mạnh rằng chính phủ mới đang cố thay đổi tư duy này nhưng văn hoá lớp học Pháp đã ăn sâu khiến cho sự thay đổi sẽ rất khó khăn.

“Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer hiểu rõ điều này và đang tìm cách thay đổi. Nhưng ông ấy có hơn một thập kỉ giáo dục truyền thống lỗi thời chống lại” – Gumbel nói.

Nền giáo dục có bề dày lịch sử

Nền giáo dục hiện đại của Pháp bắt đầu từ thế kỷ 19. Jules Ferry, một luật sư thời ấy, đã giữ chức Bộ trưởng Giáo dục trong thập niên 1880 và được cho là cha đẻ của nền giáo dục Pháp hiện đại.

Ông đã bắt buộc các trẻ em từ 6 - 12 tuổi không kể gái hay trai, đều phải đi học. Ông cũng ban hành những biện pháp để biến giáo dục công trở thành định chế của đất nước, miễn phí và không mang tính chất thần quyền.

Với những cải cách này và do những bộ luật mới vốn được gọi là những luật Jules Ferry và những điều luật khác, nền Đệ Tam Cộng hòa Pháp đã loại bỏ phần lớn những luật Falloux của 1850 - 1851, vốn cho giới tu sĩ rất nhiều quyền hạn.

Tất cả các chương trình giáo dục ở Pháp đều do Bộ Giáo dục quốc gia điều động và quản lý. Đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, một trong những bộ trưởng hàng cao cấp nhất trong nội các. Giáo viên và giáo sư trong hệ thống giáo dục Pháp là những công chức. Ngay cả giáo sư đại học và những nhà nghiên cứu cũng thuộc biên chế nhà nước.

Nền giáo dục hiện đại Pháp có bề dày hàng trăm năm – một mặt tạo ra nền tảng riêng vững chắc nhưng một mặt cũng tạo nên sức ỳ, khó đổi mới.

Peter Gumbel cũng là tác giả cuốn sách có tiêu đề “10 cách sửa lỗi hệ thống giáo dục Pháp” chỉ ra một trong những vấn đề quan trọng nhất mà trường học Pháp cần nhận rõ là giáo viên đang trở nên “khiếp đảm với trẻ em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ