Khi ai đó tự tử, chúng ta thường lập tức hỏi vì sao. Họ cũng có bố mẹ, bạn bè, con cái, vợ/chồng, vì sao lại hành động như vậy? Kể cả khi những người này để lại thư tiết lộ lý do tự tử, chúng ta vẫn sẽ thắc mắc điều gì khiến họ tuyệt vọng đến mức tự lấy đi mạng sống.
Theo Psychology Today, có 6 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tự tử.
Trầm cảm
Trầm cảm là lý do hàng đầu dẫn đến tự sát. Trầm cảm nặng luôn đi kèm cảm giác bất lực tin rằng bản thân không thể thoát ra khỏi nỗi đau khổ vô tận.
Các bệnh nhân bị dày vò bởi suy nghĩ "thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi", cuộc sống của họ trở nên không thể chịu đựng nổi. Thông thường người bị trầm cảm chịu đựng âm thầm rồi lên kế hoạch tự sát mà không để cho ai biết.
Tâm thần phân liệt
Tỷ lệ người bị tâm thần phân liệt chỉ chiếm 1% dân số thế giới song thường rơi vào những cá nhân vốn khỏe mạnh, đạt thành tích cao.
Căn bệnh này khó che giấu hơn trầm cảm nhưng gây ra hậu quả nặng nề không kém. Bệnh nhân bị thôi thúc bởi tiếng nói trong đầu sẽ tự kết liễu hoặc làm hại ai khác.
Phụ thuộc vào chất kích thích
Người nghiện thuốc phiện và rượu rất dễ tự sát. Họ trở nên bốc đồng dưới tác dụng của chất kích thích rồi xấu hổ, mặc cảm khi tỉnh táo trở lại.
Sự ăn năn dần dần khiến họ chán ghét cuộc sống. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân nghiện thường không được chỉ định nhập viện khiến việc theo dõi gặp khó khăn.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), thuốc chống trầm cảm có khả năng dẫn đến tự tử, đặc biệt vào sau hai tháng đầu sử dụng.
Không tìm được sự giúp đỡ
Một số cá nhân cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp một cách vô vọng. Họ vốn không muốn chết nhưng lại thất bại trong việc cảnh báo cộng đồng xung quanh.
Những người này thường chọn các phương pháp mà họ cho là không gây hại để thu hút sự chú ý nhưng rồi dẫn đến những hậu quả thương tâm.
Ví dụ, một thiếu nữ Mỹ tử vong do uống thuốc ho sau khi bất đồng với bố mẹ và người yêu. Cô bé vốn chỉ muốn hù dọa người thân mà không biết quá nhiều thuốc này sẽ dẫn đến suy gan.
Một lý tưởng triết học
Hành vi tự sát có thể đến từ suy nghĩ muốn làm chủ số phận. Những người ra đi vì lý do này không bị trầm cảm, tâm thần phân liệt hay bất lực tìm kiếm sự giúp đỡ.
Quyết định của họ thường nảy ra trong hoàn cảnh mắc một chứng bệnh nan y mà không có hy vọng sống sót. Họ suy nghĩ cẩn thận và muốn chứng tỏ mình có thể kiểm soát, chấm dứt nỗi đau.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ tự tử bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị rối loạn tâm thần, lạm dụng thuốc hoặc từng tự tử.
- Bạo lực gia đình, bị lạm dụng về thể xác hoặc tinh thần.
- Trữ vũ khí trong nhà.
- Bị giam cầm, cô lập.
- Tiếp xúc với hành vi tự tử của người khác hoặc từng tự tử nhưng không thành.
- Trải qua một sự kiện gây sốc.
Cách hiệu quả nhất để bảo vệ người thân của bạn khỏi hành vi tự sát là chủ động nói chuyện, đề cập vấn đề một cách nghiêm túc khi phát hiện những biểu hiện bất thường. Trong mọi trường hợp, không nên đùa cợt, xem nhẹ hoặc phán xét.
Tự tử là hành động của một người cố ý gây ra cái chết cho chính mình.Theo Tổ chức Y thế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng một triệu người chết do tự tử. |