Vì sao cha mẹ phải “uốn lưỡi bảy lần” trước khi dạy con?

Nhà tâm lý học gia đình người Nga Svetlana Merkulova vừa nêu nhiều lý do khiến các bậc cha mẹ phải thận trọng khi dùng lời lẽ dạy dỗ con cái.

Vì sao cha mẹ phải “uốn lưỡi bảy lần” trước khi dạy con?
Cha mẹ nên thận trọng với cách sử dụng ngôn ngữ khi dạy con (Nguồn: Shapemindsouls.com)

Nhà tâm lý học gia đình người Nga Svetlana Merkulova tin rằng ngay cả một cụm từ bất cẩn trong lời nói của cha mẹ cũng có thể “ghi dấu” vào não và tác động tiêu cực lên hành vi của một đứa trẻ.

Đó là lý do vì sao, cha mẹ nên “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói chuyện hay dạy dỗ con cái.

Yêu thương còn chẳng hết, hà cớ gì tổn thương con!

Nhà tâm lý học gia đình người Nga Svetlana Merkulova tin rằng ngay cả một cụm từ bất cẩn trong lời nói của cha mẹ cũng có thể “ghi dấu” vào não và tác động tiêu cực lên hành vi của một đứa trẻ.

Đó là lý do vì sao, cha mẹ cũng nên “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói chuyện hay dạy dỗ con cái.

Và nếu muốn con lớn lên trong môi trường lành mạnh và tích cực, Svetlana Merkulova khuyên các bậc phụ huynh đừng nên nói với con những lời kiểu như:

“Hồi bằng tuổi con, ba/mẹ đã làm hơn con”

Thi thoảng đến nhà anh chị tôi, tôi vẫn nghe chị dâu bảo với đứa cháu gái chín tuổi của tôi rằng, hồi mẹ bằng tuổi con, mẹ đã phải làm đủ mọi việc nhà, thậm chí còn nai lưng ra làm ruộng, nấu cơm...

Có vô vàn phương thức nói với trẻ để chúng vâng lời và chịu làm việc nhà thay vì so sánh với chính “cái bóng” của bố mẹ chúng ngày xưa. Vì sao ư?

Mọi sự so sánh đều vô hình tạo áp lực lên một đứa trẻ đang trong độ tuổi “ăn, ngủ và lớn.”

Chúng sẽ phải cố gắng để làm vừa lòng bố mẹ. Tất nhiên, sự cố gắng trong mọi trường hợp là điều tốt.

Thế nhưng, một đứa trẻ sẽ mặc cảm và cảm thấy mình luôn kém cỏi trong gia đình toàn người vượt trội hơn chúng.

“Con chó con yêu quý của mẹ/bố”

Hầu hết những bà mẹ Việt đều gọi con bằng những nickname thật dễ thương, so sánh con với thú nuôi, món ăn, hoa, củ, quả...

Bạn có thể làm điều đó, và những tên gọi đó thật dễ thương nếu bé dưới năm tuổi. Còn khi bé lớn hơn, hãy gọi tên thật của con thay vì những kiểu gọi đó.

Vì sao ư? Nhà tâm lý học gia đình người Nga cho rằng, khi bị so sánh như vậy sẽ khiến bé bị tổn thương và cho rằng mình giống khía cạnh nào đó của con vật mà bạn gọi.

Đến tuổi đi học, có thể bé sẽ xấu hổ nếu biệt danh ngày bé của mình bị gọi ở trường lớp, thậm chí sẽ bị tụi bạn đem ra trêu đùa, diễu cợt.

Hãy nhìn “con nhà người ta”!

Ồ, chẳng ai muốn mình bị so sánh. Nhất là thời đại “cái tôi” được coi trọng. Bạn sẽ khó chịu thế nào nếu mình bị so sánh với một người nào đó, dù bằng hay không bằng... ai mà chẳng muốn sống cuộc đời của mình và là chính mình, chứ không là ai khác.

Vậy vì lẽ gì bạn lại suốt ngày bắt con của mình phải giống “con nhà người ta”?

Đó là chưa kể mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra đều tiềm ẩn một năng khiếu riêng và không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Có bé sẽ phát triển tốt kỹ năng vận động, có trẻ sẽ giỏi toán học, tư duy logic... hơn.

Vì thế, nếu con bạn không bằng “con nhà người ta” hoặc không thể phát triển được năng khiếu riêng của mình, đó hoàn toàn do bố mẹ, do cách dạy dỗ của bố mẹ. Vì thế, hãy ngưng so sánh tài năng của con bạn với hàng xóm đi nhé!

“Nếu con lặp lại sai lầm, bố mẹ sẽ không yêu con nữa!”

Câu nói này mới là sai lầm nặng hơn bất kỳ sai lầm nào mà con bạn mắc phải. Vì sao ư?

Điều này sẽ mang đến cho con bạn một tâm lý bất an, lo lắng khi làm bất kỳ một điều gì.

Bởi đơn giản, con sợ sẽ mắc sai lầm, mà nếu sai lầm, con sẽ không được bố mẹ yêu thương như trước nữa.

Một khi sự căng thẳng và lo lắng choán hết đầu óc của trẻ, thử hỏi còn tâm trí đâu mà trẻ tập trung vào tư duy sáng tạo hay vui chơi chạy nhảy. Chúng lúc nào cũng sợ sai lầm và sợ bị la mắng.

Ô kìa! Hay không, “thất bại là mẹ của thành công,” sao lại vì thất bại của con mà tước đi tình yêu gia đình, cái mà chính bạn cũng đang rất mực nâng niu và coi trọng!

“Đừng làm bố mẹ xấu hổ”

Lại một sai lầm nữa mà các bậc phụ huynh thường mắc phải. Luôn miệng nói với con “đừng làm ba mẹ xấu hổ” cũng là một cách gia tăng áp lực cho con cái.

Tôi đã từng theo dõi nhiều bộ phim tâm lý hành động và đọc cả những câu chuyện trinh thám ly kỳ dựa trên những câu chuyện có thật trong cuộc sống, có khá nhiều nhân vật đã làm những hành động sai trái, thậm chí gây nên án mạng chỉ vì áp lực phải là “con ngoan, trò giỏi” trong mắt gia đình và họ hàng.

Thật bất ngờ khi hung thủ của hầu hết những vụ án giết người hàng loạt gần đây lại là những “con ngoan, trò giỏi” trong mắt gia đình, hàng xóm.

Rất nhiều vụ tự tử vì áp lực học hành, thi cử. Đến đây, bạn đừng thắc mắc vì sao, những đứa trẻ ấy lại suy nghĩ nông cạn như vậy!

Là bởi vì, áp lực trở nên hoàn hảo trong mắt mọi người “kể từ nhà ra ngõ” đã dồn nén không thể giải tỏa và bùng phát thành những hành động tiêu cực không thể ngờ tới.

“Nếu con không ăn, con sẽ yếu đuối”

Câu nói này vô tình tước đi niềm vui trong ăn uống của con bạn. Trẻ biếng ăn đa phần vì bị ép ăn quá nhiều hoặc bị dọa nạt.

Thế nên, mỗi khi nghĩ đến ăn uống, trẻ sẽ cảm thấy ám ảnh nhiều hơn là vui thú.

“Bố/mẹ sẽ trừng phạt con”

Bố mẹ nên là những người bạn của con thay vì là “quan tòa” của con. Cách dọa nạt đại loại như “bố/mẹ sẽ trừng phạt con” sẽ khiến cho bé có cảm giác bố mẹ có quyền quyết định tất cả cuộc sống của con, chi phối mọi điều đúng sai. Mọi cảm xúc và quan điểm của con dường như vô giá trị.

“Con thật vô dụng, đáng ra con không nên có mặt trên thế giới này!”

Còn lời nói nào tổn thương hơn thế! Bất kỳ ai cũng cảm thấy tổn thương sâu sắc và vô dụng khi nghe được câu nói này.

Dù có thể nó được thốt ra khi cơn giận của bạn đã lên đến đỉnh điểm. Đừng bao giờ suy nghĩ trong đầu sẽ nói câu này với con bạn hay bất kỳ ai.

Có một câu ngạn ngữ nói rằng: “Dù con bị cả thế giới quay lưng thì vẫn còn ba mẹ bên cạnh.”

Bởi có ai yêu thương con hơn bố, mẹ. Thượng đế tạo ra con người và mang con người đến với thế giới chẳng phải đều là duyên lành hay sao.

Bố mẹ yêu thương con chẳng hết, hà cớ gì làm tổn thương con! Vì thế, khi giận con, hãy kìm lòng để đừng bao giờ thốt lên những lời cay đắng nhé!

Theo vietnamplus.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.