Vi phạm tại Khu Công nghiệp đồng văn 2: Hà Nam cần kiên quyết xử lý

GD&TĐ - Ngày 30/6, các hộ dân có vướng mắc pháp lý sau khi giao dịch nhận chuyển nhượng đất tại Khu Công nghiệp (KCN) Đồng Văn 2 đã đồng loạt chăng biểu ngữ đòi quyền lợi… 

TNR Holding Star bị tố lừa dối khách hàng
TNR Holding Star bị tố lừa dối khách hàng

Sự tiếp tay của cán bộ?

Trước đó, báo chí đã phản ánh nhiều về việc UBND tỉnh hà Nam ra quyết định hành chính khi Tòa án đang thụ lý vụ kiện tranh chấp quyền lợi của các doanh nghiệp thực hiện Dự án KCN Đồng Văn. Sau quyết định này, đến nay sự việc ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Cụ thể, Công ty Cổ phần tập đoàn ATA ( gọi tắt là Công ty ATA) là chủ đầu tư Dự án KCN Đồng Văn và Dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở phục vụ KCN này đã chuyển nhượng cổ phần cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam của ông Trần Anh Tuấn.

Năm 2014, giữa hai bên xảy ra tranh chấp trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nên đã kiện nhau ra tòa. Quá trình theo đuổi vụ kiện tranh chấp mua bán chuyển nhượng cổ phần, ông Phạm Văn Ảnh đại diện cho tập thể cổ đông Công ty ATA và nguyên là cổ đông sáng lập tại Công ty Cổ phần phát triển Hà Nam (gọi tắt là Công ty phát triển Hà Nam) đã phát hiện Phòng đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT Hà Nam làm sai quy định trong quá trình thay đổi đăng ký kinh doanh (thay đổi lần 4) của Công ty phát triển Hà Nam, có dấu hiệu kê khai giả mạo, trái pháp luật.

Sự việc sẽ không có gì đáng nói và vụ án cũng không xảy ra, nếu sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng dự án, ông Trần Anh Tuấn thực hiện đúng cam kết trả lại tài sản để ông Phạm Văn Ảnh - Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Tập đoàn ATA trả lại cho các nhà đầu tư đã ký 31 hợp đồng với Bên A vào các năm 2005, 2006 và đầu năm 2007.

Nội dung hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/ HĐCNCP thể hiện việc ông Tuấn cam kết tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà Bên chuyển nhượng đã ký. Trên tinh thần đó, toàn bộ 31 hợp đồng mà Công ty phát triển Hà Nam đã ký với các nhà đầu tư đều được ông Tuấn cam kết thực hiện.

Người dân căng băng rôn đề nghị TNR Holding trả sổ đỏ.
Người dân căng băng rôn đề nghị TNR Holding trả sổ đỏ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng, ông Tuấn đã làm ngược với nội dung cam kết. Nhiều tài sản mà ông Phạm Văn Ảnh đã bàn giao cho ông Trần Anh Tuấn vào ngày 18/6/2007 bị ông Tuấn chuyển nhượng cho người khác “diện tích đất mà Bên A đã ký 31 hợp đồng với các nhà đầu tư từ những năm 2005, 2006 và đầu năm 2007, trong đó có tài sản tại các Hợp đồng thuê lại đất số 25, 26, 27 và số 31 là thuộc sở hữu của Bên A”.

Vì lý do đó, nhiều năm qua, dự án này thuộc vào diện  tranh chấp, kiện tụng kéo dài. Ngày 4/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Sở KH-ĐT tỉnh Hà Nam.

Cố tình vi phạm?

Về nguyên tắc, trong khi vụ việc tranh chấp đang được TAND và Công an tỉnh Hà Nam thụ lý thì phải được giữ nguyên hiện trạng, nhưng ngày 1/10, ông Trương Minh Hiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam lại ký ban hành Quyết định 1753/QĐ-UBND quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn, tại thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên.

Theo ông Phạm Văn Ảnh, quyết định này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các cổ đông Công ty ATA. Bởi từ năm 2017, Ban Quản lý đô thị mới thuộc UBND tỉnh Hà Nam có công văn do Giám đốc Trần Văn Chiều ký yêu cầu Công ty phát triển Hà Nam không được thực hiện việc kinh doanh sản phẩm của Dự án Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn tại thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên) với lý do chưa đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm:

Dự án này chưa làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, quảng cáo quy hoạch không đúng nội dung được phê duyệt. Mặc dù được đôn đốc nhiều lần nhưng tiến độ dự án chậm khoảng 3 năm. Chưa đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm; chưa xử lý dứt điểm mâu thuẫn giữa các cổ đông. Đặc biệt, Dự án của Công ty phát triển Hà Nam đang thuộc diện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND tỉnh Hà Nam…  

Người dân phản đối hành vi lừa đảo của TNR Holding
Người dân phản đối hành vi lừa đảo của TNR Holding

Quyết định 1753/QĐ-UBND ban hành sẽ được dân chúng tiếp nhận là một văn bản pháp lý để thúc đẩy quá trình thực hiện dự án, Công ty phát triển Hà Nam có thể dựa vào văn bản này để quảng bá, bán đất dự án, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thuộc sở hữu của cá nhân và các cổ đông khác.

Trong năm 2017 và 2018,  có nhiều lô đất thương phẩm đang tranh chấp tại dự án này đã được bán. Những lô đất này còn chồng lấn lên 69 lô đất ở Bản án số 01/2016/KDTM-PT đang thi hành án, gây thiệt hại cho  nhiều nhà đầu tư khác nhau và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Chính vì vậy, ngày 30/6/2019,  các hộ dân bất bình vì có vướng mắc pháp lý sau khi giao dịch nhận chuyển nhượng đất tại KCN Đồng Văn 2 đã đồng loạt chăng biểu ngữ đòi quyền lợi, nhiều hộ dân còn tập kết vật liệu xây dựng vào KCN đòi xây trên đất dự án đã bán khi chưa có quy hoạch và giấy phép xây dựng, gây mất trật tự trị an trên địa bàn tỉnh.

Ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?

Ngày 2/7/2019, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Ngô Văn Liên – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, cho biết: “Trách nhiệm để xảy ra tranh chấp, mất trật tự trên địa bàn thuộc về Công ty phát triển Hà Nam. Bởi lẽ, từ năm 2017, khi biết doanh nghiệp này đang thực hiện việc chuyển nhượng đất dưới dạng "Hợp đồng đặt cọc giữ chỗ" thì UBND huyện Duy Tiên đã ra thông báo yêu cầu đình chỉ hoạt động này vì doanh nghiệp chưa đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm”.

Mặc dù UBND huyện ra văn bản cấm, nhưng PCT tỉnh lại “bật đèn xanh” nên phía Công  ty phát triển Hà Nam vẫn liên tục rao bán, lừa dối nhiều khách hàng bỏ tiền đầu tư vào dự án đang tranh chấp pháp lý. Vì vậy, số nạn nhân của Công ty phát triển Hà Nam ngày càng đông.

Cũng theo ông Liên, tháng 12 năm 2018, chủ đầu tư có tổ chức Hội nghị khách hàng và “hứa”  đến ngày 30/6/2019 sẽ  lo xong thủ tục sổ đỏ cho các hộ. Đây cũng là lý do mà các nhà đầu tư đồng loạt đấu tranh vào ngày 30/6.  “Về giải pháp, UBND huyện đã yêu cầu Công ty phát triển Hà Nam phải có trách nhiệm đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người đầu tư. Vậy nhưng, thẩm quyền của UBND huyện có hạn nên không thể giải quyết triệt để” – ông Liên nói.

Trên thực tế, vướng mắc pháp lý giữa Công ty phát triển Hà Nam với các nhà đầu tư nhỏ lẻ thực chất chỉ là tình huống pháp lý phát sinh. Bản chất của vấn đề là ở chỗ Công ty phát triển Hà Nam vẫn chưa thanh lý dứt điểm Hợp đồng chuyển nhượng với Công ty ATA nên dự án vẫn đang tranh chấp - cũng vì thế nên không đủ điều kiện để kinh doanh sản phẩm.

Hơn nữa, việc này còn có liên quan đến vụ án hình sự nên để giải quyết tận gốc mọi tranh chấp thì UBND tỉnh Hà Nam cần chỉ đạo Công an tỉnh xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi. Đồng thời, buộc các bên phải thanh lý hợp đồng như đã kí kết để đảm bảo môi trường đầu tư được trong sạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ