Vi phạm đất đai tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Dân bất bình với kết luận thanh tra

GD&TĐ - Mới đây, TP Hà Nội công bố Kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Tuy nhiên, nhiều người dân sống tại thôn Minh Tân (xã Minh Trí) cho rằng, họ không đồng ý với một số nội dung của kết luận này…

Lãnh đạo và người dân Minh Tân bức xúc chia sẻ với phóng viên Báo GD&TĐ sau kết luận của thanh tra
Lãnh đạo và người dân Minh Tân bức xúc chia sẻ với phóng viên Báo GD&TĐ sau kết luận của thanh tra

Nhiều bất cập?

Có mặt tại thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) - nơi được coi là vùng “nóng” về sai phạm đất đai, sau gần 1 tháng kết luận của Thanh tra TP Hà Nội được công bố, người dân nơi đây vẫn không khỏi lo lắng, thậm chí là bức xúc bởi theo họ kết luận của thanh tra đã cố tình “bỏ quên” nguồn gốc đất mà họ đã phải “khai sơn, phá thạch” trong suốt hơn 34 năm qua.

Ông Nguyễn Đình Cường - Trưởng thôn Minh Tân - cho biết, ngay sau khi có kết luận của thanh tra TP Hà Nội, ông đã cùng bà con trong thôn Minh Tân gửi kiến nghị lên các cấp lãnh đạo (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn - PV) về những nội dung mà kết luận thanh tra chưa đề cập tới, thậm chí “bỏ quên” công sức hàng chục năm khai hoang, trồng rừng của bà con Khu kinh tế Đồng Đò – nay là thôn Minh Tân.

Theo ông Cường, năm 1985, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng vùng kinh tế mới, hàng trăm hộ dân với gần 500 nhân khẩu ở các xã Xuân Thu, Bắc Phú, Tân Hưng, Kim Lũ, Minh Trí (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã chuyển đến Đồng Đò dựng xây cuộc sống mới.

“Trước những lo lắng của bà con trong thôn, xã đã tổ chức họp thông báo rộng rãi kết luận của thanh tra. Đồng thời, quán triệt tới Đảng ủy, Chi bộ, các đảng viên trong xã, lãnh đạo thôn, với những kiến nghị chính đáng, xã sẽ cùng với bà con kiến nghị lên cấp trên để giải quyết. Mọi kiến nghị, phải đúng với quy định của pháp luật chứ không làm nóng tình hình của địa phương…”, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, ông Dương Văn Nhuận nhấn mạnh. 

“Từ đó, thôn Minh Tân là một đơn vị hành chính thuộc xã Minh Trí có đầy đủ hệ thống chính trị tại cơ sở như: Chi bộ, trưởng thôn, các đoàn thể… Để phát triển kinh tế, thôn được trang bị hệ thống trạm điện, trường học, y tế… Nhân dân trong thôn thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước như: Thuế đất ở, nghĩa vụ quân sự, nhân dân có ý thức bảo vệ rừng PCCC, được huyện và TP Hà Nội nhiều lần khen thưởng. Khu kinh tế Đồng Đò người dân có trước, rừng có sau, vậy mà kết luận thanh tra lại kết luận chung chung là 9 xã có rừng và 7 hồ ở Sóc Sơn có vi phạm đất rừng là không hợp lý, chưa đi sâu đi sát thực tế địa phương...”, ông Nguyễn Đình Cường nói.

Trưởng thôn Minh Tân cũng cho biết, kết luận thanh tra TP Hà Nội cho rằng: Toàn bộ các công trình xây dựng tại thôn Minh Tân là vi phạm trật tự xây dựng, xây trên đất rừng phòng hộ theo bản đồ quy hoạch năm 2008 là chưa chính xác. Ngày 22/10/2010, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp đường Bắc Sơn - Minh Trí (Quyết định số 5230/ QĐ – UBND) trong đó có đoạn qua thôn Minh Tân đã thi công 1,8km, khi giải phóng mặt bằng có đền bù đất ở, đất vườn cho nhân dân trong khuôn viên theo quy định. Trước đó, khi lấy đất của dân thực hiện các dự án lớn đi qua thôn Minh Tân như: Dự án đường Thắng Trí, Lập Trí, Đồng Đò, đường Bắc Sơn, Minh Trí, đường điện cao thế... thì đều đền bù cho người dân theo giá đất ở và đất vườn liền kề, không phải đất rừng. Điều này là hoàn toàn mâu thuẫn với quy hoạch rừng năm 2008.

Dân có trước, rừng có sau?

Là những người đầu tiên khai hoang, phát triển kinh tế mới Đồng Đò nay là thôn Minh Tân, bà Đào Thị Nghiêm, 70 tuổi, cho biết, hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, nhà chật lại dột nát, sau khi con lập gia đình bà đã phải đi vay mượn khắp nơi để cất một căn nhà mới. Thế nhưng mới đây, gia đình bất ngờ nhận được thông báo của cơ quan chức năng là đình chỉ xây dựng. Nguyên nhân được xác định là đất của gia đình xây lấn chiếm trên đất rừng phòng hộ. Theo bà Nghiêm, gia đình bà đã lên đây khai hoang từ những năm 1985 theo chính sách của TP Hà Nội và nhiều năm nay đều nộp thuế nhà đất đầy đủ.

Lớn lên và đi học từ những ngày đầu tại thôn Minh Tân, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Bí thư Chi bộ thôn Minh Tân, hiện là Phó Trưởng Công an xã Minh Trí cho biết, nếu chiếu theo kết luận thanh tra thì tất cả các công trình, nhà ở tại thôn Minh Tân là vi phạm trên đất của rừng phòng hộ và đứng theo bản đồ quy hoạch năm 2008 thì thôn Minh Tân là vi phạm. Bởi vậy, bản đồ quy hoạch rừng năm 2008 đưa ra thực tế còn nhiều bất cập, bởi dân có trước rừng có sau…

Nhiều giấy tờ người dân thôn Minh Tân cung cấp cho phóng viên về quá trình sinh sống và làm việc tại thôn
 Nhiều giấy tờ người dân thôn Minh Tân cung cấp cho phóng viên về quá trình sinh sống và làm việc tại thôn

Ông Chiến cũng như nhiều người dân nơi đây cho biết, họ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, làm rõ việc quy hoạch rừng năm 2008 chồng lấn lên đất ở và khu dân cư thôn Minh Tân. Công nhận nhân dân thôn Minh Tân đã sinh sống, xây dựng hợp pháp trên mảnh đất mà mồ hôi công sức 34 năm của nhân dân tạo lên. Đồng thời, bóc tách đất rừng chồng lấn ra khỏi khu dân cư thôn Minh Tân và công nhận diện tích, thửa đất ở và vườn hiện tại của dân…

Trước những kiến nghị trên, trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 8/4, ông Dương Văn Nhuận - Chủ tịch UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết, những bức xúc của nhân dân thôn Minh Tân, UBND xã Minh Trí đã nắm được và tập hợp tài liệu báo cáo lên cấp trên. “Dân có trước, rừng có sau điều này là đương nhiên. Xã Minh Trí nhiều lần có văn bản báo cáo, qua đợt này xã cũng đang báo cáo huyện Sóc Sơn, huyện đã nắm được để báo cáo TP Hà Nội. Do thời gian ngắn, thanh tra thành phố Hà Nội làm chưa được kỹ…”, ông Nhuận thông tin.

Chủ tịch UBND xã Minh Trí cũng cho biết cái khó hiện nay ở chỗ, quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008 đã đưa toàn bộ thôn Minh Tân nằm trọn trong khu vực đất rừng. Trong khi người dân lên đây khai hoang từ những năm 1985 theo chủ trương phát triển kinh tế mới của TP Hà Nội. Khi phát hiện ra nhầm lẫn, xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan cấp trên để tách đất ở của dân ra khỏi đất rừng phòng hộ, nhưng đến nay vẫn không có kết quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.