(GD&TĐ) - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong khẳng định: "Không có cơ sở để nói Việt Nam thiếu gạo".
Trong cuộc họp báo do Bộ Công thương tổ chức về tình hình xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo chiều ngày 10/8 tại Hà Nội, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết: giá lúa gạo tại các tỉnh phía Nam trong hai ngày qua có biến động bất thường chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước tin đồn thất thiệt trên thị trường.
|
VFA: lượng gạo vẫn đảm bảo cho xuất khẩu và bình ổn thị trường. Ảnh, internet |
Trong mấy ngày qua, giá lúa gạo tại ĐBSCL có biến động tăng nhanh, hiện giá lúa loại thấp cấp ở mức 4.100-4.200 đồng/kg; loại tốt từ 4.500-4.800 đồng/kg; lúa chất lượng cao từ 5.200-5.500 đồng/kg.
Trước tình hình trên VFA đã chỉ đạo các công ty lương thực bên cạnh việc bán gạo với số lượng không hạn chế, mức giá không thay đổi so với trước đây còn phải đảm bảo lượng gạo dự trữ để bình ổn thị trường, không để biến động giá, nhất là tại các đô thị lớn.
Hiện lượng gạo trong kho của hai Tổng công ty Lương thực và các doanh nghiệp thành viên là gần 1,4 triệu tấn, trong khi sản lượng lúa cả năm dự kiến tương đương, thậm chí vượt năm ngoái nên sẽ không có đột biến ở thị trường trong nước.
Ông Phong khẳng định: đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp tính đến hết năm chỉ còn gần 2 triệu tấn trên tổng số 6 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu cả năm; và với sản lượng lương thực mà Bộ NN&PTNT dự báo là trên 39 triệu tấn trong năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch xuất khẩu mà không để lại biến động gì lớn về giá của thị trường tiêu thụ lúa gạo trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: việc Trung Quốc nhập khẩu gạo qua tiểu ngạch không có gì bất ngờ và nằm trong kiểm soát của Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo. Tuy nhiên có thời điểm có nhiều thương lái Việt Nam tập hợp mua gạo bán cho thương nhân Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên có phần tác động tâm lý trên thị trường. Còn qua đường chính ngạch không có sự tăng đột biến, không phải yếu tố đẩy giá lương thực lên cao như thời gian vừa qua.
Giang Đông