Cái không khí ấy náo nhiệt bao nhiêu thì nó lại tương phản với nỗi lòng đau khổ của Kiều bấy nhiêu. Đối với nàng, ngày tháng chỉ là nỗi đau chồng chất, là sự thống khổ kéo dài. Trong khoảng lặng ít ỏi của mình, Kiều luôn đối diện với nỗi bi ai thường trực ấy. Đó là nỗi đau thương xót cho chính bản thân mình: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa/ Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?/Mặt sao dày gió dạn sương/ Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?/ Mặc người mưa Sở mây Tần/ Riêng mình nào biết có xuân là gì?”.
Nguyễn Du đã sử dụng hai chữ “giật mình” rất đắt giá, nó chính là cái phần hồn cốt của con người khi đối diện với chính mình trong dâu bể đổi thay quá lớn. Ba chữ “mình” làm nổi bật tâm trạng nhân vật trên đỉnh của chất ngất cô đơn. Tất cả những con người xung quanh hầu như chỉ biết lợi dụng và ích kỷ, có ai thấu hiểu cho nàng với một hồn đau tan nát? Đó là một chân giá trị của cái đẹp bị đem ra giày xéo, chà đạp đến mức tàn nhẫn. Chẳng qua vì đồng tiền!
Bên cạnh nỗi xót mình là sự ghê tởm chính mình. Một thiếu nữ khuê các “Tường đông ong bướm đi về mặc ai” nhưng giờ lại “Dày gió dạn sương, bướm chán ong chường”. Nàng tự thấy xấu hổ với chính mình, nàng có cảm giác như mình chỉ còn là giá trị của một món hàng, một thứ đồ chơi giải trí, không còn mang giá trị của một con người đích thực nữa. Đó là nỗi đau của sự phủ nhận chính mình.
Bên cạnh hai nỗi đau trên là nỗi đau của sự bẽ bàng, chơi vơi không biết phải bám bíu vào đâu.
Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa
Đó chẳng qua là cảnh vui gượng, nó không mang một ý nghĩa nào trong giá trị cuộc sống. Kiều như một con người bị ném vào cái không gian của nửa vời địa ngục.
Cuối cùng là nỗi đau khổ riêng mình. Tất cả những điều đó – thương xót thân phận, chán chường, khổ sở cô đơn và vui gượng – đã cho thấy Kiều hoàn toàn không phải là một con người phó mặc số phận mà luôn níu giữ cái phẩm giá dù cực độ mong manh. Cái điều dâm tà của chốn lầu xanh không thể xâm nhập vào “chút lòng trinh bạch” của nàng.
Nhưng điểm đặc biệt của tâm hồn Kiều là không phải chỉ đau cho mình mà còn đau cho cả những người thân là cha mẹ mình: “Dặm nghìn nước thẳm non xa/ Nghĩ đâu thân phận con ra thế này”. Ngày nàng ra đi, cha mẹ nàng vẫn hi vọng cho con hạnh phúc, nhưng có ai ngờ nàng lại rơi vào chốn ô nhục! Thử hỏi cha mẹ nào không đau lòng nếu biết được sự tình như thế!
Sau đó là chàng Kim và Thúy Vân “Nhớ lời nguyện ước ba sinh/ Xa xôi ai có thấu tình chăng ai”. Sau rốt là đối với hình bóng quê nhà “Mối tình đòi đoạn vò tơ/ Giấc hương quan luống lần mơ canh dài/ Song sa vò võ phương trời/ Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”. Sự đòi đoạn của nỗi đau tan nát này nổi lên trong lòng Kiều hòa lẫn với cái vị bi đát tha hương. Thời gian như thêm nặng nề, kéo dài trong vô nghĩa.
Kết thúc cho bi cảnh này không phải gì khác mà là một sự đay nghiến. Đó là vẻ cam chịu bề ngoài và sự lên án bên trong: “Đã cho lấy chữ hồng nhan/ Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân/ Đã đày vào kiếp phong trần/ Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”. Chữ “cân” ở đây nghe thật lạ! Con người tài hoa vẹn toàn kia sao lại phải chịu một lần sỉ nhục? Đó chẳng phải là lời lên án sự bất công của tạo hóa hay sao?
Có thể nói nỗi bi cảnh cay đắng của Kiều là tuyệt đỉnh nghệ thuật miêu tả nội tâm của tác giả. Ở đây nhà nghệ sĩ không chỉ làm cái việc đơn thuần là kể hay tả, chất tài hoa của Nguyễn Du thể hiện ở chỗ gợi. Cái gợi mới chính là mạch nguồn tạo rung động thẩm mỹ cho người thưởng thức. Thưởng thức và đồng cảm. Đồng cảm cảnh ngộ, nỗi lòng của con người bạc phận. Đó không những là cái đau của chủ nghĩa nhân văn mà còn lớn hơn nhiều – cái đau chia sẻ của vũ trụ hòa đồng.