Về ngoại thành Hà Nội ăn Tết lại

Về ngoại thành Hà Nội ăn Tết lại

(GD&TĐ) – Những ngày này nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở ngoại thành Hà Nội, có tập tục “ăn Tết lại”. Tùy từng địa phương, tục này thường được bắt đầu từ ngày 04 cho đến ngoài ngày 20 tháng Giêng và chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất.

v
Nhiều người dân thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn Hà Nội bộc bạch "Tết lại còn vui và to hơn Tết chính". (Ảnh: gdtd.vn)

Năm nào cũng vậy, ngày 06 tháng Giêng hằng năm người dân thôn  Kim Thượng, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội lại rộn ràng đón Tết lại. Trong khi nhiều địa phương khác không khí Tết hầu như đã qua thì tại vùng quê này không khí đón Tết  của bà con vẫn còn chộn rộn khắp nơi. Cũng bánh chưng, dưa hành, giò, nồi thịt đông, đào, quất, hoa tươi v.v…nhà nào nhà nấy con cháu lại sum vầy và đầy ắp tiếng cười, những lời chúc tụng đầu xuân năm mới.

Người dân ở đây cho biết, ăn Tết lại còn to hơn là Tết chính. Vào ngày này thường có nhiều trò chơi, giải trí. Có năm thì thôn tổ chức mời đoàn quan họ về hát, hoặc tổ chức văn nghệ quần chúng. Đặc biệt ngày Tết lại còn có ý nghĩa: Nếu ba ngày Tết, con cháu nhà ai vì lý do nào đó không thể về được thì kiểu gì ngày Tết lại cũng về để sum họp cùng gia đình.

Ngày Tết lại còn được gọi là ngày “lệ làng” nên không ai bảo ai, vào ngày này con cháu dù gái hay trai, dâu hay rể đều ý thức về quê ăn Tết.

Đ
Trong ngày Tết lại đường làng lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui. (Ảnh: gdtd.vn)

Cũng như mọi năm, Tết lại năm nay, 16 người con trai, gái, dâu, rể của bà Bùi Thị Nhì lại sum vầy bên mâm cơm Tết lại thật đầm ấm vui tươi và ý nghĩa. Bà cho biết, cả nhà phải chuẩn bị mọi thứ từ hôm trước, nhộn nhịp và vui lắm, cũng tất bật, bận rộn với đủ thứ như ngày 29 Tết. Nhiều gia đình vào ngày Tết lại thường có khách, bạn bè xa gần nên ngoài bánh chưng còn gói them từ hai đến ba thứ bánh khác như: bánh tẻ, bánh gai, đặc biệt là không thể không có bánh gio - một thứ bánh được coi như là đặc sản của quê hương Kim Thượng trong ngày Tết v.v….

Theo các cụ cao niên trong làng, tục ăn Tết lại không biết có từ khi nào. Chỉ nghe các cụ đời trước truyền đời sau là tục này có từ lâu đời dựa trên hiện tượng lịch sử có thật đó là sự kiện vua Quang Trung cho quân tướng của mình ăn Tết Kỷ Dậu (1789) trước khi mở trận đánh giải phóng kinh thành, và sự kiện dân thành Thăng Long tản cư chạy loạn giặc Thanh, sau đó trở lại kinh thành, ổn định cuộc sống, tổ chức ăn mừng kinh đô giải phóng. Đây là một sinh hoạt văn hóa, một hành động tưởng niệm người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, người cho quân ăn Tết Kỷ Dậu trước khi chiến đấu giải phóng kinh đô và “ăn Tết lại” sau ngày đại thắng. Ăn Tết lại đã  trở thành một nét đẹp văn hóa trong những ngày đầu xuân năm mới và để thêm một lần nữa mọi người gửi đến cho nhau được những lời chúc mừng năm mới một cách trọn vẹn.

G
Tết lại cũng là dịp để các gia đình sum vầy bên mâm cơm và gửi cho nhau lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất . (Ảnh: gdtd.vn)
Ở Hà Nội, tục ăn Tết lại hiện nay vẫn còn ở một số vùng quê ngoại thành như: Sóc Sơn, Đông Anh. Đối với Sóc Sơn, địa phương có phong tục ăn Tết lại sớm nhất là thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ được tổ chức vào ngày 04 tháng Giêng và địa phương muộn nhất là thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân ăn Tết lại vào 21 tháng Giêng. Còn đối với huyện Đông Anh, nhiều địa phương tục này thường bắt đầu từ ngày 05 đến hết rằm tháng Giêng.

 Hải Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ