Về miền Tây, mở hộc tủ ngó rắn hổ hèo

Trong mỗi hộc tủ là không gian sinh sống của một con rắn hổ hèo. Với 1.500 con rắn mỗi vụ xuất bán, ông Lèo thu trên dưới 150 triệu đồng.

Tại nhà ông Năm Lèo, mỗi chú rắn nuôi đều có "phòng" riêng là những chiếc hộc tủ này. Đàn rắn của ông Lèo đã lên đến gần 1.500 con cả rắn thương phẩm và rắn giống. Ảnh: Ngọc Trinh.
Tại nhà ông Năm Lèo, mỗi chú rắn nuôi đều có "phòng" riêng là những chiếc hộc tủ này. Đàn rắn của ông Lèo đã lên đến gần 1.500 con cả rắn thương phẩm và rắn giống. Ảnh: Ngọc Trinh.
Ở nhà ông Trần Văn Lèo, khóm 2, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (An Giang), từ trước đến sau đâu đâu cũng có những chiếc tủ lớn nhiều hộc. Có người thắc mắc, không hiểu vì sao gia đình ông lại sử dụng nhiều tủ dùng dùng để lưu giữ hồ sơ ở các cơ quan như vậy. Thực tế, những chiếc tủ này chủ nhân dùng để nuôi rắn hổ hèo.
Ông Năm Lèo thực hiện mô hình nuôi rắn hổ hèo trong hộc tủ từ tháng 7/2010. Lượng rắn nuôi thử ban đầu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng sau một năm phát triển, ông đã có trên 500 con rắn thịt, 300 rắn cái. Mỗi năm, doanh thu từ bán rắn thịt và rắn giống trên dưới nửa tỷ đồng.
Tủ nuôi rắn được ông Lèo dựng sát vách trong căn nhà rộng khoảng 400 m2. Mỗi chiếc tủ có chiều dài từ 2 đến 4 m, mặt sau được đóng kính, mặt trước ông chia ra thành nhiều hộc nhỏ có diện tích bằng nhau, với chiều ngang 30 cm, chiều sâu 50 cm. Hộc tủ có cánh cửa mở, đóng đàng hoàng.
Hiện ông Lèo đã chuẩn bị tới trên 1.000 hộc tủ nhưng chỉ sử dụng 500 hộc để nuôi rắn; số còn lại là “nhà dự bị” cho đàn rắn khi ông vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, để rắn không bị trầy xước khi lột da, ông lót thêm thảm lau chân vào mỗi hộc tủ. Sau 3 - 4 ngày, ông mang tấm thảm đó ra giặt giũ, phơi khô, chờ sử dụng tiếp.
Chia sẻ về cái duyên với nghề nuôi rắn hổ hèo, ông Năm Lèo cho biết, tất cả là nhờ anh con trai. Ông kể, một lần ra Bình Thuận chơi, thấy bạn nuôi rắn trong hộc tủ bằng gỗ nên con ông dẫn cha ra tận nơi để học hỏi. Sau khi tìm hiểu rõ, ông Lèo tận dụng con giống từ việc thu mua rắn của bà con và bắt tay vào nuôi thử.
Ban đầu ông Năm Lèo chỉ nuôi thử nghiệm trên chục con rắn hổ hèo. Khi việc chăm nuôi rắn đã thành thạo, mô hình lại có hiệu quả nên ông đóng thêm 30 cái tủ nữa để nuôi nhân rộng lên 500 con. Thấy việc nuôi đạt và phát triển tốt, ông chuyển sang nuôi với quy mô lớn từ năm 2010 đến giờ.
Sau hơn 8 tháng nuôi, rắn nuôi của ông có cân nặng trung bình từ 800 gam đến 1,5 kg/con. Ngoài ra, ông Lèo còn sở hữu 300 con rắn cái đẻ trứng và ông cũng đang cho ấp 2.000 trứng rắn. Ông Lèo cho biết, khoảng 30 - 50 ngày nữa là ông đã có trên 1.000 rắn con.
Trên thị trường, rắn hổ hèo bán thịt chia thành 3 loại, loại 1 có cân nặng từ 1,2 kg trở lên giá bán 700.000 đồng/kg; loại 2 từ 700 gam đến 1,2 kg giá 600.000 đồng/kg. Loại thấp nhất từ 700 gam trở xuống giá cũng 450.000 đồng/kg. Nếu tính đàn rắn hiện có và giá bán như hiện nay, ông Lèo cho biết, trung bình mỗi vụ ông thu khoảng 150 triệu đồng.
Rắn thương phẩm nuôi 1 năm đạt cân nặng 1,3 kg. Ảnh: Ngọc Trinh.
Rắn thương phẩm nuôi 1 năm đạt cân nặng 1,3 kg. Ảnh: Ngọc Trinh.
Do loài rắn hổ hèo dễ nuôi, mau lớn nên người dân ĐBSCL đã ào ạt nuôi. Điều này khiến cho con giống trở nên đắt đỏ. Tại cơ sở của ông Năm Lèo, giá bán mỗi con rắn hổ hèo giống 3 ngày tuổi là 270.000 đồng/con nhưng khách phải đặt hàng trước.
“Nuôi rắn trong hộc tủ tuy tốn kém hơn cách nuôi trong bể, nhưng tiết kiệm được diện tích và có thể nuôi ngay trong nhà ở của mình. Cái tiện lợi thứ 2 là con nào bỏ ăn (thức ăn của rắn là con nhái còn sống) hay bệnh là mình nhận biết ngay, do mỗi con một hộc tủ, không lẫn lộn với con khác, không lay bệnh. Vì cách nuôi này mà tỷ lệ hao hụt giảm nhiều, người nuôi có lời là chỗ đó", ông Năm Leo nói.
Trứng rắn đang cho ấp. Ảnh: Ngọc Trinh.
Trứng rắn đang cho ấp. Ảnh: Ngọc Trinh.
Ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, cho biết, phong trào nuôi rắn hổ hèo (còn gọi rắn song xưa, ráo trâu) dạng nông hộ, gia đình ở An Giang phát triển rất mạnh qua nhiều năm nay, tập trung chủ yếu ở các huyện như An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Tân Châu.
Riêng cách nuôi rắn trong hộc tủ là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả cao, bởi không tốn diện tích, suất đầu tư thấp, lại rất nhàn so với nuôi con vật khác, và đặc biệt nguồn thức ăn dễ tìm… Rắn hổ hèo còn là vật nuôi ít dịch bệnh, sống khỏe, mau lớn; trong vòng một năm có thể xuất bán, lại có giá trị thương phẩm cao.
Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ