Vẻ đẹp thiên nhiên qua những lớp sóng ngôn từ của Nguyễn Tuân

Vẻ đẹp thiên nhiên qua những lớp sóng ngôn từ của Nguyễn Tuân

Đọc văn Nguyễn Tuân, những “lớp sóng ngôn từ” ào ạt trên trang giấy làm cho người đọc có những cảm nhận sâu sắc, bất ngờ về phong cách của một cây bút tài hoa. 

Thiên nhiên kỳ thú, thơ mộng

Khi sử dụng phép so sánh trong câu văn, đoạn văn của mỗi bài ký hay tùy bút, Nguyễn Tuân “đốt nóng” vế so sánh bằng nhiều cách. 

Ông thêm danh từ, động từ, tính từ vào phép so sánh để khắc họa đặc điểm của sự vật, mang đến cho sự vật một đặc điểm riêng biệt: “Mặt trời nhú lên dần dần, rồi cho kỳ hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn”(Cô Tô). Vùng biển Cô Tô sau trận bão trở nên sáng đẹp, sự vật đầu tiên mà nhà văn quan sát được đó là mặt trời lúc rạng đông với màu hồng tựa như lòng đỏ trứng gà. 

Nguyễn Tuân đã quan sát mặt trời rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ mọi phía, từ hình khối cho đến màu sắc và nhà văn đã cảm nhận được vẻ đẹp tròn đầy phúc hậu của nó. Mặt trời là sự vật đầu tiên xuất hiện ở đảo Cô Tô đã mang đến ánh sáng của một ngày mới, làm thức dậy vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. 

Nguyễn Tuân không chỉ tả cảnh mà còn thưởng thức cảnh bằng mọi giác quan, với tất cả sự say mê hào hứng. Nhà văn như đang sống hết mình với thiên nhiên, thu nhận tất cả vẻ đẹp, sức sống của thiên nhiên.

Trong cảm hứng khám phá vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc, dòng sông Đà còn được Nguyễn Tuân ví như “áng tóc trữ tình”: “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng Hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân” (Người lái đò sông Đà). 

Tác giả đã dùng hình ảnh “áng tóc trữ tình” để nói lên vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông. Phép so sánh độc đáo này đã tôn lên vẻ đẹp mềm mại, thơ mộng và hiền hòa của dòng sông. Dòng sông Đà như một giai nhân tuyệt sắc, duyên dáng, yêu kiều ấy hiền hòa, thơ mộng gợi bao cảm hứng trữ tình, cảm hứng thơ đối với con người. Vẻ đẹp ấy hòa vào sắc xuân với những hình ảnh hoa ban, hoa gạo đang bung nở quyện vào làn khói của nương xuân.

Rung động trước vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, Nguyễn Tuân còn phát hiện ra vẻ đẹp của Cô Tô, màu xanh nước biển Cô Tô qua một phép so sánh phức hợp độc đáo: “Biển xanh như gì nhỉ? Xanh như lá chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? Nước biển đang đổi từ màu xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái vạt áo Kim Trọng trong tiết Thanh minh?... 

Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư Mã nghe đàn tỳ bà trên sông Giang Châu thì có đúng không? Chưa được ư? Hay là nói thế này: Nước biển chiều nay xanh như một trang sử của loài người… Mà nhìn cho kỹ mà xem, nước biển đang xanh cái màu xanh xăng dầu của những người thiếu quê hương…” (Cô Tô).

Màu xanh của nước biển Cô Tô như đang nô giỡn trước sự quan sát của nghệ sĩ ngôn từ Nguyễn Tuân. Màu xanh của nước biển được Nguyễn Tuân so sánh với nhiều màu xanh khác. 

Có thể nói với sự quan sát kỹ lưỡng của nhà văn Nguyễn Tuân, màu xanh của nước biển hiện ra rất phong phú và liên tục biến đổi. Nước biển đã biến đổi từ cụ thể, gần gũi đến kỳ ảo thơ mộng, gợi biết bao liên tưởng về kiến thức văn chương, lịch sử, địa lý, về hạnh phúc và niềm vui. 

Dường như chính sự biến đổi kỳ ảo từ cụ thể đến trừu tượng khiến cho nhà nghệ sĩ ngôn từ khó có thể dung từ ngữ nào để miêu tả cho phù hợp.

Thiên nhiên như có linh hồn, tính cách

Người đọc sẽ có những liên tưởng thú vị khi đọc và tiếp xúc hình ảnh trong mỗi câu văn: “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo” (Người lái đò sông Đà). Câu văn trên miêu tả tiếng nước thác mà khi nhà văn được chứng kiến cận cảnh con sông Đà với tính khí hung bạo và dữ dằn. 

Âm thanh tiếng nước thác sông Đà được nhà văn liên tưởng giống như là lời oán trách, rồi như van xin, rồi như khiêu khích. Ba động từ trên đều miêu tả trạng thái hoạt động dồn dập, rất phù hợp với tiếng nước thác đang đổ mạnh xuống. 

Cái hay là ở chỗ, tất cả các động từ trên đều chỉ thuộc tính của con người, là hoạt động chỉ có ở con người. Ba hoạt động ấy lại ở ba cung bậc khác nhau, điều đó chứng tỏ đây là tiếng thác đa âm trong một bản nhạc thác nước độc đáo.

Đọc văn của Nguyễn Tuân, người đọc bắt gặp nhiều cách nói so sánh mới lạ làm cho câu văn thêm sống động và giàu hình ảnh: “Thế rồi nó (thác nước sông Đà) rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng” (Người lái đò sông Đà). Tiếng nước thác được Nguyễn Tuân liên tưởng tới tiếng của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn. 

Người đọc có cảm giác đứng trước thanh âm phức hợp của thác nước sông Đà như đang chứng kiến đàn trâu mộng rống lên, đang lồng lộn vẫy vùng khủng khiếp giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa với âm thanh vang rội và dữ dằn. 

Câu văn trở nên sống động với hàng loạt động từ như rống, lồng lộn, nổ lửa, phá tuông, gầm thét, cháy bùng bùng. Tác giả thành công khi sử dụng phép so sánh phức hợp, nhiều tầng bậc: Tiếng thác - tiếng trâu mộng - tiếng rừng lửa. 

Cái lạ ở đây không chỉ là cấu trúc phức hợp của phép so sánh mà ở chỗ tác giả đã dùng lửa để diễn tả nước, dùng hình ảnh để diễn tả âm thanh. Hình ảnh so sánh đã góp phần gợi sự liên tưởng rất lạ, bất ngờ về sự hung dữ của thác nước sông Đà.

Những “lớp sóng ngôn từ” trong những trang văn của Nguyễn Tuân đã vẽ nên những bức tranh thiên nhiên sông, biển vô cùng tươi đẹp, hùng vĩ. Điều đó minh chứng cho cảm hứng ca ngợi vẻ đẹp non sông đất nước trong những sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ