(GD&TĐ) - Bỏ lại sau lưng những khiếm khuyết về cơ thể, những mặc cảm bản thân do căn bệnh u tủy mang lại, Trần Thị Hạnh là một trong 10 cô gái lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. Câu chuyện về cuộc đời chị chính là một tấm gương về ý chí, nghị lực sống.
Gạt đi ước mơ trở thành cô giáo
Sinh ra tại Bình Lục – Hà Nam trong một gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp. Tuổi thơ của em cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, là người hoàn toàn khỏe mạnh, được vui đùa và chạy nhảy. Ngoài việc đi học em còn giúp bố mẹ nấu cơm, cắt cỏ chăn bò, thậm chí đi cấy và gặt lúa giúp bố mẹ.
Năm 17, cái tuổi đẹp nhất đời một con người, Hạnh phát hiện ra mình bị u tủy rồi di chứng dẫn đến liệt cả hai chi, em mất hoàn toàn cảm giác và vận động. Mọi sinh hoạt cá nhân em đều phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Hạnh chia sẻ: 5 năm từ sau ngày nhập viện, em nhốt mình trong nhà. “Bệnh đến với em đột ngột quá, em khó chấp nhận mình không thể đi được nữa, em phải gạt đi ước mơ trở thành cô giáo”.
Trần Thị Hạnh |
Những ngày tháng nằm liệt giường, Hạnh sống trong sự tuyệt vọng, buồn chán, nhưng rồi cô nhận ra mình cần phải chấp nhận, chiến đấu với căn bệnh ấy và vươn lên trong cuộc sống.
Hạnh thường viết nhật ký blog. Một người Việt kiều Thụy Sĩ vô tình đọc blog của Hạnh, cảm thông với những nỗi đau em đang phải gánh chịu và biết được mong ước của em là được đi học. Họ muốn giúp đỡ Hạnh thực hiện ước mơ bằng cách hỗ trợ tiền học hàng tháng cho em. Nhưng gia đình không ủng hộ cho em học tiếp vì sức khỏe của em và điều quan trọng, gia đình không yên tâm để em sống không có mẹ bên cạnh. Công việc đồng áng trong gia đình mẹ là người quán xuyến. Ước mơ của Hạnh được đi học không thực hiện được mặc dù người chú ở Thụy Sĩ có gửi tiền về giúp đỡ em.
Để không là gánh nặng gia đình, qua người thân làm ở Thẩm mỹ viện Hoài Anh, Hạnh gọi điện cho Giám đốc xin làm nhân viên tư vấn và chăm sóc khách hàng online. Hiện, Hạnh đang là nhân viên Thẩm mỹ viện Hoài Anh.
Hạnh chia sẻ: “Giờ em không còn chỗ cho nỗi buồn nữa, nỗi buồn chỉ đến khi em thấy mẹ em buồn thôi. Điều quan trọng là phải có niềm tin vào cuộc sống, cuộc sống vẫn luôn có những người tốt”.
Tạo ra niềm vui sống mỗi ngày
"Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” kết thúc, nhưng dư âm để lại dành cho chính những người đang hoàn thiện. Những người may mắn không có thiệt thòi về hình thể nhìn những "vẻ đẹp vầng trăng khuyết” để nhận từ họ bài học về cuộc đời, về niềm tin và tình yêu cuộc sống. Phần thi của Trần Thị Hạnh với ca khúc “Con yêu mẹ” đã khiến cả khán đài lau nước mắt vì những xúc động trong tình yêu của một đứa con "không hoàn thiện” dành cho mẹ. Hạnh muốn gửi một lời tri ân đến người mẹ tần tảo, gian lao cực khổ nuôi Hạnh trưởng thành.
Hiện, Hạnh đang tham gia các hoạt động xã hội cùng Hội khuyết tật tỉnh Hà Nam; thăm hỏi, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn khác; Chia sẻ, động viên họ vượt lên trong cuộc sống.
Hạnh chia sẻ: Các bạn hãy tự tin vào chính bản thân mình, suy nghĩ lạc quan và tích cực, tham gia các hoạt động dành cho người khuyết tật và gặp gỡ bạn bè, cởi mở với chính bản thân và với mọi người xung quanh. Bạn sẽ cảm thấy cuộc sống rất khác. Trước đây em không dám đi đâu mà không có người thân đi cùng nhưng giờ em có thể đi xa 150 km. Em không còn sợ phải đi một mình nữa, ra ngoài mình có thể nhờ người này, người kia giúp đỡ.
Hạnh dự định học thêm về công nghệ thông tin để hiểu biết hơn về cuộc sống, làm tốt công việc hiện tại. Theo Hạnh, cuộc sống không cho ai điều gì và cũng không tước đoạt đi của ai mọi thứ. Đơn giản hóa cuộc sống và tạo ra niềm vui sống mỗi ngày. Cuộc sống là sự nối tiếp của những ngày dài đầy thử thách vì thế hãy học cách yêu thương chính mình.
Đăng Huyền