Vây bắt khỉ tấn công khách du lịch ở Đà Nẵng

Chiều 19/3, ông Lê Văn Nhì - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng - cho biết lực lượng kiểm lâm trong ngày 19/3 vẫn chưa thể nào vây bắt được cá thể khỉ được phản ánh là đã có hành động tấn công khách du lịch thời gian gần đây ...

Cá thể khỉ đuôi lợn bắc xuất hiện và tấn công người ở đỉnh Bàn Cờ (quận Sơn Trà)
Cá thể khỉ đuôi lợn bắc xuất hiện và tấn công người ở đỉnh Bàn Cờ (quận Sơn Trà)

Không phải cá thể khỉ hung dữ

Ông Lê Văn Nhì cho biết: Hiện vẫn chưa bắt được cá thể khỉ được cho là tấn công du khách trong thời gian gần đây. Theo ông Nhì, con khỉ này không phải là loại khỉ hung dữ, nhưng luôn tránh xa người nên không tiếp cận được. 

Cơ quan chức năng hiện chưa có biện pháp để bắt giữ cá thể khỉ này. Vì vậy, sẽ phải có biện pháp bảo vệ du khách, đồng thời cũng là bảo vệ cá thể khỉ tránh bị người dân đánh đập.

"Con khỉ đó nếu bắt được sẽ đưa vào rừng sâu hơn để không tác động đến khách du lịch" - Ông Nhì nói.

Trước đó, khoảng thời gian một tuần trở lại đây, tại khu vực đỉnh Bàn Cờ (Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) xuất hiện một con khỉ tấn công, cắn du khách tham quan. Theo miêu tả của khách du lịch, con khỉ này di chuyển rất nhanh và có bộ lông mượt. 

Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, vào sáng nay 19/3, lực lượng Kiểm lâm Đà Nẵng đã triển khai công tác vây bắt tại khu vực đỉnh Bàn Cờ. Trong buổi sáng, các cán bộ kiểm lâm Đà Nẵng đã tìm các cách tiếp cận nhưng cá thể khỉ này di chuyển liên tục và rất nhanh nên lực lượng vây bắt đành bất lực, mặc dù có lúc đã tiếp cận rất gần.

“Việc tiếp cận và bắt giữ cá thể khỉ rất khó. Chúng tôi đang triển khai nhiều phương án để bắt. Nếu bắt sống không được thì phương án cuối cùng là gây mê để bắt”- Kiểm lâm viên Nguyễn Mạnh Tiến cho biết.

Đến chiều nay, công tác vây bắt cá thể khỉ này vẫn đang tiếp tục nhưng chưa có kết quả.

Ảnh minh họa

Cán bộ kiểm lâm tiến hành vây bắt cá thể khỉ


Chiều 19/3, qua trao đổi, ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (thuộc Liên Hiệp hội khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng), chuyên gia nghiên cứu về loài khỉ cho biết: 
Qua thông tin và hình ảnh báo chí, có thể khẳng định đây là cá thể khỉ thuộc loài “khỉ đuôi lợn bắc” (tên khoa học Macaca leonina-chỉ có ở Việt Nam). 
Các nghiên cứu gần đây không ghi nhận loài khỉ đuôi lợn bắc này tồn tại ở bán đảo Sơn Trà, hiện nay ở bán đảo Sơn Trà phát triển rất mạnh loài khỉ vàng.

Ông Vỹ đánh giá: “Rất có thể cá thể khỉ này xuất hiện là do quá trình thả lại. Vì nó được nuôi nên giờ đã quen người rồi và mất khả năng tự nhiên như khả năng tự tìm kiếm thức ăn. 
Thế nên khi bị thả ra tự nhiên thì theo bản năng sẽ tìm chổ đông người để tìm kiếm thức ăn. Nói là khỉ tấn công thì không đúng, rất có thể du khách đã trêu chọc cá thể khỉ này trước, chứ không phải chủ động tấn công người như báo chí phản ánh. 
Có thể là do bị giam cầm lâu ngày rồi nên khi ra tự nhiên có người trêu, nó sợ và phản ứng tự vệ lại. Qua các video hình ảnh thông tin, có thể thấy cá thể khỉ này đi bình thường chứ không tấn công kiểm lâm. 
Loài này là 1 trong 5 loài khỉ đang tồn tại ở Việt Nam, và nó là loài hiền nhất, vì thế nó sẽ tự vệ khi bị trêu chọc và chỉ cắn người nào yếu nhất, nhỏ nhất, hay với con gái...”

Ông Vỹ cũng đưa ra nhận định: “Việc cá thể khỉ này xuất hiện ở Bàn Cờ là chuyện bình thường, nhưng chắc chắn nó sẽ không đi vào rừng nữa. 
Vì ở Sơn Trà nó không có loài nên nó sẽ không nhập vào được loài nào hết, và vì đã quen với người rồi nên nó sẽ tìm đến chổ gần người. Theo tôi nếu bắt được nên đưa cá thể này về công viên thú hay trung tâm bảo tồn chăm sóc nó tốt hơn.”

Ông Vỹ cũng thông tin thêm, cá thể khỉ đuôi lợn bắc này là loài này thuộc bộ linh trưởng, là 1 trong 5 loài khỉ đang tồn tại ở Việt Nam, đây là loài rất quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam. 
Theo Nghị định 32/2006 của Chính phủ về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, nó thuộc nhóm 2b, cấm tất cả các mục đích phục vụ thương mại, nếu phục vụ nghiên cứu khoa học phải xin phép nhà nước.
Theo vnmedia.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ