Văn học Việt thêm hấp dẫn từ Vlog 1977?

GD&TĐ - Vlog 1977 của ba chàng trai trẻ thuộc thế hệ 9X và 2K1 đang đặc biệt thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng bằng seri video “parody” (chế) các trích đoạn văn học Việt Nam nổi tiếng. Và mới đây, Vlog 1977 này còn được nhận nút vàng của YouTube. 

Ba chàng trai 9X, 2K1 trực tiếp thực hiện Vlog 1977. Ảnh chụp từ màn hình.
Ba chàng trai 9X, 2K1 trực tiếp thực hiện Vlog 1977. Ảnh chụp từ màn hình.

Tươi mới - thời sự

Thực ra, Vlog 1977 nào đã “giàu có” gì khi mới sản xuất được 4 video trong vòng hơn 2 tháng qua. Thế nhưng, cả 4 video này đều lên view vù vù khi đạt đến gần chục triệu lượt xem cùng hàng trăm nghìn bình luận.

Vậy 4 video của Vlog 1977 có gì mà khiến cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm đến thế? Rất đơn giản, ngoài diễn xuất dí dỏm và rất có duyên thì các video luôn khiến nhiều người ngạc nhiên bởi những anh chàng thế hệ 9X, 2K1 đã không chỉ biết cách bắt xu hướng (trend) mà còn mạnh dạn khoác “áo mới” cho văn học Việt Nam khá thông minh và… lợi hại.

Ngay ở video đầu tiên, trong khi dư luận còn bận tranh cãi chuyện tuyển diễn viên “cậu Vàng” là một chú chó giống Shiba Inu (Nhật Bản) thì bất ngờ thay, ba anh chàng vừa là anh em sinh đôi: Trung Anh - Việt Anh (1992) và người anh em họ Nguyễn Văn Tân (2001) đã “tách ra”.

Họ âm thầm bắt tay “triển khai” ý tưởng “đột phá” của Việt Anh: Làm video phản biện về câu chuyện này và chính họ trở thành diễn viên. Chỉ vài ngày sau, Vlog 1977 xuất hiện với video đầu tiên mang tên: “Spoil phim mới “Cậu Vàng” cực mạnh” (Cậu Vàng trong vai chó Shiba).

Rồi tiếp đó là “Hồi ký của một dân chơi – Chí Phèo”, “Vợ chồng A Phủ Parody – Vòng xoáy của bạc”, “Chị Dậu Parody – Kỷ nguyên hắc ám” với nguồn kinh phí chỉ từ 200 – 400 nghìn đồng và mất từ 5 - 7 ngày dàn dựng. Cả 4 video này đều được ba chàng trai “parody” (chế) từ các tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng: “Lão Hạc”, “Chị Dậu”, “Vợ chồng A Phủ” và “Chí Phèo”.

Ở đây, các bạn trẻ vẫn bám sát tình tiết chính của những đoạn trích nổi bật: Chị Dậu bán con, lão Hạc bán cậu Vàng, Mỵ cởi trói cho A Phủ và Chí Phèo đòi nợ Bá Kiến. Trên cái sườn đó, những câu thoại, những tình huống mới được đưa vào tiểu phẩm một cách tự nhiên mà vẫn hài hòa, hợp lý.

Đặc biệt, những Mỵ, A Phủ, A Sử hay anh - chị Dậu, Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc, ông Giáo, cậu Vàng không nói nguyên xi những câu văn trong tác phẩm mà toàn là những ngôn ngữ tươi mới, hài hước của thời @.

Điều đáng nể là câu chữ của các nhân vật không hề sáo rỗng, trái lại rất thâm thúy, sâu cay và thời sự. Hàng loạt vấn đề nóng của xã hội đều được cập nhật như vụ Alibaba, Huấn hoa hồng, vụ việc hành khách ăn trộm trên máy bay, tuyển diễn viên cậu Vàng, tài chính phố Wall… qua những câu thoại vừa hóm hỉnh vừa chơi chữ khiến khán giả phải bật cười: “Huấn râu zì?”, “Em ra Nội Bài, lấy mấy cái áo phao, cả nhà mình bơi qua sông Mê Kông rồi trốn sang Lào…”; “Cần phải biết cần cù bù siêng năng chứ?”…

Không chỉ thế khán giả còn được dịp… ngơ ngác trước cách ba chàng trai này cài khéo trong câu thoại về những kiệt tác văn học nghệ thuật như vở nhạc kịch “Hồ Thiên Nga”, nhạc sĩ Tchaikovsky, nhà văn Tolstoy, Biệt đội siêu anh hùng - Marvel Studios…

Rồi thì cách diễn xuất dù toàn là những tay ngang – người là dân sáng tạo game (Việt Anh), người là biên tập viên (Trung Anh), người là sinh viên (Văn Tân) nhưng ai cũng phải thừa nhận… khỏi phải chê.

Đặc biệt, cách thể hiện lời thoại của các anh chàng này rất đặc sắc và mang phong vị thoại xưa – một phong vị không dễ gì tái hiện được.

Biến tấu thông minh

Trong hàng trăm nghìn bình luận ở mỗi video, cộng đồng mạng đã không tiếc lời khen dành cho các chàng trai tạo nên Vlog 1977 này: Tài năng, rất có duyên và hài hước, giọng thoại quá hay… Thậm chí, nhiều câu thoại của các nhân vật còn được mọi người nhắc lại cùng những lời tấm tắc: Thời sự quá, sâu cay đấy…

Riêng với nick name dinhvietkhoa còn nói lời cảm ơn vì những “nghệ sĩ” này “đã tái hiện các tác phẩm văn học kinh điển của nền văn học Việt Nam qua các thước phim hài hước đồng thời làm sống lại không khí điện ảnh của giai đoạn sau giải phóng và thời kỳ bao cấp.”

Với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ông đã bày tỏ ngay niềm thích thú khi xem những video của Vlog 1977 mà ông mở ngoặc đây là niềm thích thú với tư cách của một người già và của một nhà phê bình văn học.

Theo nhà phê bình này, các bạn trẻ đã có những biến tấu các tác phẩm văn học hợp với tuổi của mình, thời của mình bằng sự am hiểu của các bạn ấy khi đã từng được học về các tác phẩm đó. Họ đã biết cách chuyển tải những câu chuyện cập nhật với thời các bạn đang sống.

Cũng theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, các bạn trẻ đã sử dụng ngôn ngữ rất sinh động cùng giọng điệu và cách nhả chữ phát âm, hóa trang mô phỏng cái xưa nhưng nội dung ngôn từ lại của thời nay. Đây là một phương pháp để diễn tả cái độ vênh và độ vênh ấy đã gây kích thích tò mò.

Bên cạnh đó, Vlog 1977 rất biết cách đánh vào thị hiếu. Khi tin chắc rằng: Với những “cổ mẫu”, “siêu mẫu” văn học như chị Dậu, Chí Phèo, lão Hạc, Mỵ, A Phủ thì ai cũng biết, các bạn trẻ đã “cấp” cho nó một hình thức mới vừa lợi cho việc chuyển tải thông điệp hôm nay mà vẫn trên cơ sở nền tảng văn học cũ. Đấy là những biến tấu thông minh và sáng tạo hay.

“Tôi thích các bạn trẻ của Vlog 1977 đã làm sinh động và mở rộng thêm cách tiếp nhận các tác phẩm văn học. Mà các bạn ấy còn biết cách mượn chuyện xưa để nói nay khi hiển hiện trong đó những nhân vật chị Dậu, Chí Phèo, Mỵ, A Phủ… không phải của ngày xưa mà là của ngày nay.

Và câu chuyện cần nhấn mạnh ở đây là, một tác phẩm văn học ra đời trong một thời đại và hoàn cảnh khác nhau nhưng sự tiếp nhận thì khác nhau và nếu có sự biến đổi theo thời đại hoàn cảnh sống thì cũng phải căn cứ trên văn bản tác phẩm đó. Vlog 1977 đã làm được điều đó” – Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh.

“Chúng tôi đều là những người rất yêu thích điện ảnh, yêu thích phong cách phim truyện nhựa xưa vì nó mang đến sự nhẹ nhàng trong tâm hồn, chân thật trong từng cảnh phim cùng những chất liệu thời nay không tìm thấy được, vậy nên chúng tôi chọn hình thức thể hiện có phần hoài cổ.

Thực sự, ban đầu, chúng tôi không nghĩ mọi người sẽ yêu thích và học thuộc lời thoại từ các video mà chỉ nghĩ làm sao đưa ra được những thông điệp tới cuộc sống. Đó là việc lên án những cái xấu trong xã hội thông qua những câu hài dí dỏm và một chút hack não người xem bắt người xem phải suy nghĩ, phải có kiến thức chung thì mới hiểu được câu thoại.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn chuyển tải đến các bạn trẻ tình yêu văn học, văn học không hề nhàm chán khô khan”.

Trung Anh - thành viên của Vlog 1977

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ