Văn học trinh thám khởi sắc trở lại

GD&TĐ - Gần đây, văn học trinh thám Pháp trở lại với hàng loạt đầu sách mới, bộ truyện mới được ra mắt bởi những cây viết đầy tài hoa. Nhiều tác giả đã thành công, ghi dấu tên tuổi trong dòng văn học trinh thám của thế giới. 

Văn học trinh thám khởi sắc trở lại

Ở Việt Nam, dòng văn học trinh thám cũng đang có những dấu hiệu thay đổi tích cực khi đem tới cho độc giả nhiều tác phẩm hấp dẫn.

Sự thức dậy của văn học trinh thám Pháp

Tiểu thuyết trinh thám Pháp từng có thời gian bị coi là thứ “văn chương rẻ tiền”, loại “tiểu thuyết ba xu”, là những câu chuyện “vứt đi không ai tiếc”, nhưng gần đây, văn học trinh thám đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt, không chỉ ở nước Pháp mà lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Một số nhà văn đã có tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt như Fred Vargas, Pierre Lemaitre, Ian Manook…

Nhiều giải thưởng văn học uy tín cũng đã vinh danh các tác gia trinh thám, nổi bật là nhà văn Fred Vargas, được xem như nữ hoàng truyện trinh thám hiện đại của thế giới. Độc giả Việt Nam cũng đã được tiếp cận với một số tác phẩm tiêu biểu của bà như: Khu vườn vĩnh cửu, Ma sói…

Lý giải cho sự thức giấc của văn học trinh thám Pháp những năm gần đây, dịch giả Lê Hồng Sâm cho rằng, nếu như vào thế kỷ XIX, độc giả của trinh thám chủ yếu là tầng lớp bình dân trong xã hội thì hiện nay dòng văn học này đáp ứng nhu cầu thưởng thức tác phẩm của nhiều đối tượng bạn đọc.

Các tác phẩm đã đáp ứng hai nhu cầu của độc giả là tính giải trí và phản ánh thực tại văn hóa - xã hội, đào sâu vào thế giới riêng tư, đẩy cái tôi lên một bậc mới. Đồng thời tác giả chú ý nhiều đến cường độ cảm xúc hơn là những lập luận logic dễ thấy ở Dan Brown hay Stephen King.

Theo nhà văn Di Li, tiểu thuyết trinh thám Pháp không giống như tiểu thuyết trinh thám Anh, Mỹ hay Nhật Bản, Trung Quốc… Nó có phần nhẩn nha hơn và bớt các tình tiết gay cấn.

Như trong Công lý thảo nguyên của Ian Manook, cuốn sách bắt đầu bằng khung cảnh bao la của thảo nguyên vùng Delgerkhaan. Câu chuyện không dừng lại ở yếu tố trinh thám, mà còn là những xung đột sắc tộc, sự xung đột người Mông Cổ và Trung Quốc, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của người Mông Cổ, được tác giả dẫn dắt theo đúng bản năng của một người viết truyện.

Hướng đi mới cho văn học trẻ

Có thể kể đến sự xuất hiện các cây viết trẻ đang nỗ lực làm tươi mới lại văn học trinh thám Việt, mà nổi bật lên trong số đó là hiện tượng Di Li với Trại hoa đỏ và gần đây là Câu lạc bộ số 7.

Riêng Trại hoa đỏ cũng đã cán mốc 10.000 bản - một con số mơ ước đối với cây bút trinh thám và nhà văn Di Li được coi như người “phá băng” dòng văn học trinh thám Việt sau nhiều thập kỉ “ngủ quên”.

Không nhẹ nhàng như tiểu thuyết trinh thám Pháp, cũng chưa hồi hộp như trinh thám Mỹ, tiểu thuyết trinh thám của Di Li là những hiện thực gần gũi trong đời sống người dân Việt Nam. Tội ác trong trang sách của cô chỉ là những phản ánh từ hiện thực và luôn bám sát vào logic trong cuộc sống.

Theo nhà văn Di Li, truyện trinh thám ở Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cần khỏa lấp, nhưng để có thể tạo ra một tác phẩm hay, các nhà văn phải chấp nhận đánh đổi thời gian, công sức cho các cuộc xâm nhập thực tế, xâm nhập thế giới của nhân vật để có được những cảm xúc thật.

Nhà văn luôn kỳ vọng nền văn chương đương đại Việt Nam sẽ ngày càng có thêm nhiều cây bút trinh thám sắc sảo, đưa loại hình này tới gần hơn với công chúng.

Chưa biết sức bền của những cây viết trinh thám Việt tới đâu nhưng ít nhất, họ đang tạo ra những nét mới, những tác phẩm cuốn hút và có chất lượng, thỏa mãn phần nào nhu cầu bạn đọc về những tác phẩm trinh thám Việt.

Nói như nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì văn học trinh thám vẫn có sức hút rất lớn đối với một bộ phận độc giả trẻ và đây chính là thời điểm thuận lợi hơn cả để khởi động lại một dòng văn học hấp dẫn và giàu tiềm năng.

Ở Việt Nam, văn học trinh thám, kinh dị chịu sự ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây. Nhiều tác phẩm được mô phỏng dưới dạng truyện điều tra giống với nước ngoài đã dần được hình thành và chuyển biến rõ rệt thành một nhánh văn học riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ