Văn học mạng làm thay đổi diện mạo nền văn học?

GD&TĐ - Văn học mạng là một hiện tượng truyền thông của xu hướng hiện đại đã mang đến những tác động không hề nhỏ với nền văn học nước nhà. Nhờ công nghệ thông tin hiện đại mà những chia sẻ của các tác giả tiếp cận nhanh chóng hơn với độc giả. 

Văn học mạng làm thay đổi  diện mạo nền văn học?

Điều này cũng mang lại những thay đổi trong lăng kính bạn đọc.

Những ưu việt của công nghệ hiện đại

Vượt qua những rào cản thông thường về khoảng cách không gian, với những thiết bị công nghệ hiện đại, ngày nay ở bất cứ đâu người ta cũng có thể chia sẻ những điều mình muốn viết với triệu triệu độc giả trong chốc lát. Đây là điều kỳ diệu mà sách giấy không thể làm được. Và khi mà số lượng người dùng Internet tại Việt Nam tăng nhanh, không gian công cộng này trở thành nhà xuất bản lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên không chỉ là lợi thế cho các nhà văn ký thác nguồn cảm hứng của mình, mạng

Internet cũng có những đặc thù riêng. Đó là, với những dòng chảy thông tin luôn liên tục được cập nhật sẽ đồng thời với nguy cơ các tác phẩm không được chú ý, bị từ chối đọc, bị thải loại, rơi vào lãng quên như thể chưa từng tồn tại. Tạo được dấu ấn trên mạng thực sự là điều không dễ. Con đường truyền lưu tác phẩm qua mạng tưởng như thuận lợi hơn con đường truyền miệng của văn học dân gian nhưng hóa ra cũng không ít khó khăn.

Sự ra đời của mạng xã hội đã mang lại cơ hội cho việc tự xuất bản cũng như khẳng định bản ngã của mình. Thuật ngữ “văn học mạng” được sinh ra để gắn liền trào lưu này và mau chóng được độc giả và đặc biệt là các nhà phê bình đón nhận. Một tác phẩm gây được ấn tượng với độc giả tức khắc sẽ được chia sẻ với tốc độ chóng mặt và sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà phê bình.

Nhiều tác giả trẻ được yêu thích và thành danh được công chúng bắt đầu biết đến cũng thông qua các tác phẩm trên mạng xã hội như là Nguyễn Ngọc Thạch, Keng, Gào, Kawi Hồng Phương, Hamlet Trương, Born - Trần Minh Trang… Rõ ràng không ai có thể phủ nhận những ưu việt của Internet trong đời sống hiện nay. Không chỉ văn học mà tất cả mọi hoạt động của con người, văn hóa, lịch sử, chính trị... đều đang diễn ra một cách rất nhanh chóng, phong phú trên mạng.

Góp thêm những diện mạo mới

Tác giả trẻ với bút danh Gào đã từng chia sẻ suy nghĩ của mình: Văn học mạng nói riêng hay mạng nói chung có một thế mạnh rất lớn đó là sự tương tác với độc giả và người viết. Trong nhịp sống hối hả hiện nay, văn học mạng ra đời để phục vụ nhu cầu đọc của hầu hết những con người vẫn xem máy tính là bạn thân, có bên mình mọi nơi mọi lúc. Song, những hạn chế thì cũng không thiếu. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có hai mặt của nó, tích cực và tiêu cực. Dung hòa để mọi thứ trở nên tốt đẹp và hoàn hảo hơn…

Rõ ràng khi một tác phẩm được xuất bản trên mạng xã hội, người đọc cũng có quyền được bày tỏ chính kiến của mình. Về một phương diện nào đó thì sự tương tác trực tuyến đã mang lại những hiệu quả không ngờ cho một tác phẩm. Nó sẽ được tung hô đưa nhà văn đến gần với công chúng hơn nếu như tác phẩm đó chạm tới được những góc khuất trong tâm hồn.

Tại tọa đàm “Văn học mạng trong không gian văn hóa đương đại” mới đây, các nhà văn, nhà phê bình cũng đã chia sẻ những quan điểm của mình xung quanh vấn đề văn hóa mạng với đời sống. Nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu cho rằng: Diện mạo của văn học mạng Việt Nam, ở thời điểm hiện nay, là sự hợp lưu của ba nhánh chính gồm nhánh văn học mạng xuất phát từ blog cá nhân; nhánh văn học mạng xuất phát từ các tạp chí văn chương điện tử tiếng Việt cập nhật đều đặn; văn học dân gian đương đại sáng tác và lưu truyền qua mạng.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng cho rằng, sự có mặt của văn học mạng ở Việt Nam đã đem tới một thách thức đáng kể đối với các nhà sản xuất văn chương chính thống. Ở Việt Nam, bên cạnh thuộc tính của văn học mạng, xã hội cũng chứng kiến một khuynh hướng khi thế giới ảo này tìm cách hòa nhập vào văn chương dòng chính. Đáng chú ý là khuynh hướng này tạo ra một ấn tượng rằng văn học mạng là một nhánh nối dài của văn chương thông thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ