Văn học kết nối trái tim các dân tộc

GD&TĐ - Trong “Diễn đàn văn học Trung Quốc với các nước Asean” diễn ra cuối tháng 7/2019 tại Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), hơn 50 nhà văn đến từ 11 nước đã tích cực bày tỏ ý tưởng của mình trong sáng tác văn học, và ước muốn được mở rộng không gian thưởng thức tác phẩm của nhau. Diễn đàn đã tạo nên một hệ sinh thái văn học tích cực cho các nhà văn trong khu vực.

Ông Trương Đáo (giữa) trong Diễn đàn văn học Trung Quốc với các nước Asean.
Ông Trương Đáo (giữa) trong Diễn đàn văn học Trung Quốc với các nước Asean.

Chúng ta cùng trò chuyện với ông Trương Đáo (Tổng Giám đốc Ban Đối ngoại Hội nhà văn Trung Quốc) về ý nghĩa của hệ sinh thái văn học vừa được tạo ra sau Diễn đàn.

Thưa ông, Hội nhà văn Trung Quốc kỳ vọng nhất ở nội dung nào khi tổ chức Diễn đàn văn học Trung Quốc với các nước Asean 2019?

- Là đơn vị tổ chức Diễn đàn, Hội nhà văn Trung Quốc chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn tạo nên một hệ sinh thái văn học mới trong khu vực 11 quốc gia.

Trong hệ sinh thái này, các nhà văn, tác phẩm của họ sẽ đóng vai trò hữu hiệu nhất, chia sẻ ý tưởng sáng tác, trao đổi tác phẩm, các chuyến đi thực tế, để văn học thực sự vượt qua các biên giới, kết nối trái tim các dân tộc chúng ta, mở rộng không gian sáng tạo, tưởng tượng, tư duy cho nhà văn, nâng cao kỹ năng viết, kích thích năng lực cống hiến, để các tác phẩm được tỏa sáng rực rỡ nhất, đến với lượng bạn đọc đông đảo nhất.

- Với hai chủ đề “Con đường văn chương của tôi”, và “Tâm hồn – số phận – tương lai”, các tham luận của các nhà văn từ 11 quốc gia làm nổi bật điều gì, thưa ông?

- Điều quan trọng là các nhà văn từ 11 đất nước đã được ngồi lại với nhau và cùng bàn về hai chủ đề đó. Họ có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau, rút ra những bài học mới từ cuộc đời, thực tế sáng tác, cũng như những ấp ủ sáng tạo trong tương lai.

Mỗi nhà văn có một con đường, số phận riêng, nhưng khi họ chân thành chia sẻ về trải nghiệm của mình trong sáng tác văn học, thì họ cùng tạo ra một dữ liệu kiến thức nghề nghiệp khổng lồ, rất hữu ích cho nhau, rất có ý nghĩa cho những dự định sáng tác tiếp theo.

Ông Trương Đáo (Tổng Giám đốc Ban Đối ngoại Hội nhà văn Trung Quốc).
Ông Trương Đáo (Tổng Giám đốc Ban Đối ngoại Hội nhà văn Trung Quốc). 

Cá nhân ông đặc biệt ấn tượng về tham luận của nhà văn nào trong Diễn đàn?

- Đó là tham luận của nhà văn Việt Nam Tô Nhuận Vỹ, về việc cần thúc đẩy hơn nữa việc dịch tác phẩm văn học Việt Nam để giới thiệu với bạn đọc Trung Quốc.

Quả thực, nếu coi nền văn học Việt Nam là nền văn học thiểu số thì đó là sai lầm lớn. Văn học Việt Nam có những tác phẩm quan trọng, nhưng việc giới thiệu tới lượng bạn đọc đông đảo của Trung Quốc còn hạn chế.

Thời gian tới đây, Hội Nhà văn Trung Quốc, cũng như Hội Nhà văn Việt Nam và các tổ chức Hữu nghị sẽ cùng hợp tác để đẩy mạnh việc giới thiệu văn học Việt Nam với bạn đọc Trung Quốc. Đó là một giải pháp khả thi mà nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã đề cập trong Diễn đàn.

Ngoài những tác phẩm “Chiếu dời Đô” của Lý Công Uẩn, “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Ông cố vấn” của Hữu Mai, Thơ của Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Tập truyện “Trầm” của 25 tác giả Việt Nam như nhà văn Tô Nhuận Vỹ, đề cập, chúng tôi mong được giới thiệu các tác phẩm xuất sắc khác của văn học Việt Nam.

Chủ tịch hai Hội Nhà văn: Việt Nam và Trung Quốc từng gặp nhau ở Việt Nam và cũng đã bàn bạc về việc dịch tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Trung. Với sự đồng thuận này, chúng ta càng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hai nước.

Bên cạnh đó, tôi cũng ấn tượng với tham luận của nhà văn Indonesia Eka Budianta, khi ông nói về “đường sắt văn chương”. Với ông, đường sắt là hệ thống giao thông lịch sử, rất hữu hiệu trong việc kết nối nhân loại. Văn chương cũng như vậy.

Những chuyến du hành bằng đường sắt trong thực tế cuộc sống, cũng như chuyến du hành trong tâm trí khi đọc tác phẩm văn học, đều đem đến những cảm xúc kỳ diệu. Chính vì thế, Eka từng thề rằng, ông ấy sẽ mua một ngôi nhà gần đường sắt. Những con tàu, những tuyến đường sắt kết nối các vùng miền xa xôi sẽ tạo nên một thế giới mới, cũng như việc Diễn đàn kết nối các nhà văn từ những quốc gia khác nhau, sẽ tạo nên một không gian mới cho sáng tạo.

Diễn đàn này sẽ được tổ chức hàng năm chứ, thưa ông?

- Điều này phụ thuộc vào kinh phí và đất nước đăng cai. Chúng tôi mong rằng lần tới, trong năm 2020, Diễn đàn sẽ được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội của Việt Nam. Chúng tôi sẽ bàn bạc về vấn đề này với Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi hy vọng rằng Diễn đàn sẽ tiếp tục được tổ chức để quan hệ các nhà văn cũng như tình cảm gần gũi hơn.

- Ngôn ngữ có là cản trở đối với các nhà văn trong việc tiếp tục trao đổi, kết nối với nhau sau Diễn đàn? Bởi trong Diễn đàn, có phiên dịch hỗ trợ, còn sau Diễn đàn, các nhà văn phải “tự thân vận động”.

- Hiện nay, các nhà văn hầu hết đều sử dụng khá ngôn ngữ tiếng Anh. Họ đều đi thực tế nhiều hơn xưa nên hiểu rằng phải rành tiếng Anh mới có thể kết nối tốt với đồng nghiệp, cũng như người dân khắp nơi bên ngoài đất nước mình. Các nhà văn chúng ta đã giỏi tiếng Anh hơn và có thể dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai để bày tỏ ý kiến của mình.

Trong Diễn đàn, có các nhà văn sinh vào thập niên 40, nhưng cũng có nhà văn sinh thập niên 80, sự khác nhau về thế hệ này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

- Khi chúng tôi để các thế hệ ngồi lại với nhau trong một Diễn đàn chung, được tự do bày tỏ quan điểm, thì cái được lớn nhất đó là thế hệ trước sẽ lắng nghe và chấp nhận thế hệ sau, chịu hiểu thế hệ sau, trân trọng những hình thái mới trong sáng tạo văn học của lớp trẻ.

Đó là sự chăm sóc và nuôi dưỡng, cũng như ủng hộ cần thiết cho thế hệ trẻ, để họ kế thừa và phát triển tốt kho báu do thế hệ trước tạo nên. Cùng với nhau, chúng ta tạo nên hệ sinh thái văn học để cho bạn đọc Âu – Mỹ thấy được vẻ đẹp văn học các nước Asean và Trung Quốc, cũng như châu Á nói chung.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc dạy trẻ cách cư xử và tương tác với thú cưng là vô cùng cần thiết. (Ảnh: ITN).

Dạy con chơi với thú cưng an toàn

GD&TĐ - Đối với nhiều gia đình, thú cưng cũng là một thành viên quan trọng. Chúng góp phần dạy trẻ nhiều kỹ năng sống, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm.