Việc tổ chức lễ hội sẽ diễn ra như thế nào khi dịch bệnh bùng phát nguy hiểm?

GD&TĐ - Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, căn cứ tình hình thực tế, có thể chủ động chỉ đạo tạm dừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. "Lễ" là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. "Hội" là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.

Lễ hội là hoạt động tập thể và thường có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Con người xưa kia rất tin vào trời đất, thần linh. Các lễ hội cổ truyền phản ảnh hiện tượng đó.

Tuy nhiên, mới đây do tình dịch bệnh bùng phát với những diễn biến bất ngờ khiến nhiều địa phương phải thay đổi kế hoạch tổ chức lễ hội xuân 2021.

Trước đó, ngày 22/1, UBND tỉnh Nam Định ban hành văn bản số 38/UBND-VP7 đồng ý với đề nghị của UBND huyện Vụ Bản (Nam Định) về việc dừng tổ chức phiên chợ Viềng 2021. Nguyên nhân do địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân 2021.

Lễ khai hội xuân Yên Tử dự kiến tổ chức 21/2 (tức Mùng 10 tháng Giêng) thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế tham quan, vãn cảnh chiêm bái Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trên đường hành hương, du khách hòa trong không khí thanh tịnh và hùng vĩ của núi rừng, chiêm nghiệm con đường tu hành và giác ngộ, tìm lại sự thanh bình trong tâm hồn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, một thành viên của Ban Tổ chức cho biết chưa có văn bản cụ thể về dừng lễ hội Yên Tử 2021.

Vào tháng đầu năm, du lịch lễ hội chùa Hương cũng đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, lễ Phật, cầu may mắn, cầu lộc và sức khỏe. Ý nghĩa của lễ hội chùa Hương mang đậm nét văn hóa, giá trị tinh thần của con người và giới thiệu mọi du khách thập phương, du khách quốc tế với thắng cảnh đẹp hùng vĩ, bình yên, trong lành. 

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết vẫn lên đầy đủ phương án chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương 2021 nhưng cả Ban Tổ chức lẫn người dân Mỹ Đức đều mang tâm trạng vừa chuẩn bị vừa nghe ngóng. Mọi năm chùa Hương thời điểm này bắt đầu rục rịch đón khách, nay thì thuyền bè, hàng quán vẫn im ắng chờ đợi chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Mới đây,  tại cuộc họp quán triệt việc tổ chức lễ hội trên địa bàn và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho rằng việc tổ chức lễ hội trên địa bàn chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết; công tác tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và du khách.

Đối với các quận, huyện, thị xã có các lễ hội lớn, yêu cầu xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết tại đơn vị, trong đó, nêu rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. Chủ động, thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý.

Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, căn cứ tình hình thực tế, có thể chủ động chỉ đạo tạm dừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định.

Trả lời trên Báo Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cũng cho biết: “Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, việc tạm ngưng tổ chức lễ hội sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 110 về quản lý và tổ chức lễ hội”.

Hiện đã có hàng loạt tỉnh thành trên toàn quốc thực hiện khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trước nguy cơ lây lan từ các ca nhiễm COVID-19 mới phát hiện ở Hải Dương và Quảng Ninh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ