Tương lai của nghệ thuật truyền thống

GD&TĐ - Một nhóm các nghệ sĩ trẻ có mối quan tâm đặc biệt đến nghệ thuật truyền thống cùng nhau mở dự án nhằm đi tìm đích phát triển các loại hình nghệ thuật cổ truyền.

Vở diễn “Hai nàng Nguyệt Cô” với những cách tân đầy tính ngẫu hứng.
Vở diễn “Hai nàng Nguyệt Cô” với những cách tân đầy tính ngẫu hứng.

“Tương lai của truyền thống” là tên một dự án nghệ thuật đầy gợi mở. Nhưng nó cũng gây ra những tranh luận sôi nổi xung quanh câu hỏi nên để truyền thống đứng yên hay tìm cách phát triển?

Từ vở diễn ngẫu hứng

Các loại hình nghệ thuật và những giá trị truyền thống đang ngày bị mai một trong xã hội hiện đại. Lo ngại trước tình thế này, các nghệ sĩ trẻ đứng ra “mở xưởng” khôi phục các loại hình nghệ thuật cổ truyền đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Thậm chí, họ còn mang hoài bão đưa các loại hình truyền thống này lên bục vinh quang để toả sáng sánh đôi với nghệ thuật hiện đại.

Có thể bắt đầu bằng vở diễn “Hai nàng Nguyệt Cô” được nhạc sĩ, đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn ấp ủ từ năm 2011. Tuy nhiên, phải đến chờ đến năm 2018 khi những ý tưởng của anh gặp gỡ với nhóm các nghệ sĩ trẻ đang ấp ủ dự án thì tác phẩm mới có điều kiện được dàn dựng và công diễn.

Lấy cảm hứng từ nhân vật Hồ Nguyệt Cô quen thuộc trong tích Tuồng Võ Tam Tư. Theo tích cũ, Hồ Nguyệt Cô là một con cáo – sau hàng nghìn năm tu luyện đã có được viên ngọc người, nhờ đó trở thành cô gái có sức mạnh và sắc đẹp.

Nguyệt Cô muốn trải nghiệm tất cả những hoan lạc khi được làm người – mà tình yêu là niềm hoan lạc lớn nhất. Nàng đem lòng si mê Tiết Giao, một viên tướng trẻ tuấn tú, không nghĩ đến việc bị Tiết Giao lừa chiếm đoạt viên ngọc quý. Mất ngọc, Hồ Nguyệt Cô không còn phép thần nữa, phải trở lại nguyên hình loài cáo trong khổ đau.

Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn nói rằng, với tác phẩm này, nghệ sĩ muốn đặt lại câu hỏi có hay không tính ngẫu hứng trong múa truyền thống. Nghệ sĩ muốn có sự đối lập giữa tính ngẫu hứng rất mạnh trong loại hình âm nhạc này đối với những khuôn khổ gò bó, cứng nhắc của múa. Điều đó giúp Xuân Sơn tìm hiểu và khám phá ra “Tuồng Cương” – một thể loại sân khấu cổ trong đó cả nội dung, âm nhạc và vũ điệu đều hoàn toàn ngẫu hứng.

Một vở Tuồng Cương không có kịch bản cố định. Nhạc công và diễn viên sẽ chỉ thống nhất sơ bộ về nội dung câu chuyện, sau đó cùng nhau biểu diễn ngẫu hứng. Khi một diễn viên đưa ra một ý trên sân khấu, diễn viên khác và nhạc công sẽ đối đáp lại. Do đó nhiều khi trong Tuồng Cương, một ý có thể diễn miên man không dứt, khán giả sẽ thấy có sự kết hợp của cả hát bội, cải lương hay chèo.

Với ý tưởng đó, khán giả đã được chứng kiến một màn trình diễn đồng thời trên sân khấu cả hai tính cách, cả hai số phận đối lập của nàng Nguyệt Cô: Một Nguyệt Cô đau khổ trong nguyên bản Tuồng, và một Nguyệt Cô hoang dại hạnh phúc trong Chèo theo cách diễn giải riêng của nghệ sĩ.

Từ vở diễn ngẫu hứng này, các nghệ sĩ đã quyết tâm cùng nhau “mở xưởng” chứ không đứng yên. Tuy nhiên, ròng rã suốt từ năm 2018 đến nay, những tranh luận về việc nên để nghệ thuật truyền thống nằm yên vị trong tiến trình lịch sử hay cải biên, nâng cấp vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Tranh Đông Hồ thêu trên áo dài truyền thống.
Tranh Đông Hồ thêu trên áo dài truyền thống.

Đến nghệ thuật thủ công

Không chỉ là tuồng, chèo, cải lương, ca trù mà ngay cả trong các loại hình nghệ thuật thủ công cũng có sự biến đổi theo mệnh đề “tương lai của truyền thống”. Gốm là một trong những chất liệu đầu tiên có sự biến đổi ngẫu hứng tuỳ thuộc vào cảm xúc chế tác của nghệ nhân.

Công chúng từng biết đến Triệu Minh Hải – một nghệ sĩ bắt tay với gốm từ năm 2003, nhưng rồi bỏ ngang rồi lại tiếp tục quay về. Theo Triệu Minh Hải, việc tạo tác từ truyền thống không dễ, tiếp cận truyền thống để cho ra giao diện đương đại là hành trình gian nan và đầy những thử thách đúng – sai.

Ban đầu muốn vẽ màu xanh ô-xít cô-ban trên tác phẩm gốm cho màu trắng sứ nhưng việc tạo ra gốm màu trắng sứ khá đắt đỏ và không khả thi với những người làm thủ công, số lượng ít. Anh chuyển sang loại đất có màu nhờ nhờ, phải ủ, nhào để kiểm soát độ ẩm, độ dẻo thì mới tạo được phom dáng ưng ý. Chất đất này lại không hợp với màu men theo ý định ban đầu, vậy là nghệ sĩ tự mày mò tìm sắc độ, chế cho ra màu men như ý.

Theo Triệu Minh Hải, những vướng mắc rất khó nhìn ra, thậm chí dẫn tới việc tiếp cận truyền thống một cách dễ dãi. “Cứ nghĩ truyền thống đứng im, chỉ cần tới lấy đặt lên tác phẩm là nó vừa duyên dáng cổ xưa vừa được tiếng đương đại thì dễ quá. Phải làm mới thấy truyền thống không đứng yên”.

Làng tranh Đông Hồ nổi tiếng với dòng tranh dân gian đặc sắc bậc nhất nước ta. Tuy nhiên, càng ngày các giá trị cổ truyền về dòng tranh này càng phai nhạt. Số lượng nghệ nhân trong làng theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, làng tranh sẽ “chết” trong tương lai gần.

Nhưng qua sự đổi mới, đem cái mới hoà trộn trong ý niệm cổ truyền lại mở ra con đường khác của tranh Đông Hồ. Tranh không chỉ “đóng đinh” mình lên tường, tranh còn đi vào thời trang. Và ấn tượng đối với người yêu nét cổ truyền được mãn nhãn khi thấy tranh Đông Hồ thêu lên trang phục áo dài cách tân và đầm.

Ngoài việc mang tranh lên trang phục thì những bạn trẻ còn làm sống lại các giá trị của dòng tranh dân gian này bằng nhiều cách khác nhau. Vẫn loại mực tự nhiên, vẫn trên giấy dó nhưng hình tượng chú bé, con vật trên dòng tranh ấy biến thể bằng những siêu nhân, khủng long…

Bằng cách giữ lại chất liệu và phương pháp cổ truyền, chỉ thay đổi hình thức của sản phẩm văn hoá, đã khiến cho nhiều bạn trẻ không chỉ biết về các giá trị xưa cũ, mà còn hiểu hơn lịch sử nghìn năm cùng những thách thức buộc phải đổi mới của làng nghề, của loại hình nghệ thuật để tồn tại.

“Tương lai của truyền thống” là một nỗ lực đáng ghi nhận của các nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, truyền thống có đứng yên và có nên đứng yên là câu hỏi xuyên suốt được đề ra. Thảo luận bàn tròn vào thứ 5 ngày 21/1 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội) giữa các nghệ sĩ có thể mở ra những cách tiếp cận từ góc độ văn hóa cổ truyền và hiện đại để giải quyết vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ