Tưng bừng Kỷ niệm 25 năm giảng dạy tiếng Nhật tại Trường Đại học Ngoại ngữ

GD&TĐ -Vừa qua, tại hội trường Nguyễn Văn Đạo (ĐHQGHN) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 25 năm giảng dạy tiếng Nhật tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vinh danh các thầy cô đã có nhiều đóng góp cho Khoa NN&VH Nhật Bản
Vinh danh các thầy cô đã có nhiều đóng góp cho Khoa NN&VH Nhật Bản

Đây là dịp để Khoa NN&VH Nhật Bản cũng như Nhà trường ôn lại một chặng đường đã qua, chuẩn bị hành trang cho chặng đường sắp tới và gửi lời tri ân sâu sắc tới các cơ quan, các tổ chức, cá nhân, các bậc tiền bối, những người thầy, người bạn đã sát cánh cùng sự phát triển lớn mạnh của Khoa.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các thế hệ sinh viên về bên mái trường xưa, với thầy cô, bè bạn và bao hoài niệm dấu yêu trong lòng mỗi người. Sự họp mặt đông đủ của bao thế hệ thầy cô – sinh viên về đây tham dự gặp mặt kỷ niệm 25 năm giảng dạy tiếng Nhật mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và tràn đầy niềm xúc động.

Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tiếng Nhật bắt đầu được giảng dạy tại Trường ĐHNN-ĐHQGHN từ năm 1992. Nhà trường tự hào là một trong những cơ sở đào tạo tiếng Nhật hàng đầu Việt Nam, hàng năm cung cấp cho xã hội hàng trăm cử nhân tiếng Nhật có trình độ cao, góp sức vào sự phát triển của tiếng Nhật tại Việt Nam cũng như quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Nhà trường đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ quý báu từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, trường đại học trong và ngoài nước. Nhân dịp này, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh trân trọng bày tỏ lòng cảm ơn chân thành và mong rằng Nhà trường sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự giúp đỡ trong tương lai.

Trong bài phát biểu của mình, TS. Đào Thị Nga My – Trưởng khoa NN&VH Nhật Bản cho biết khoảng thời gian 25 năm phấn đấu để trưởng thành từ một bộ môn nhỏ bé với 2 giáo viên để trở thành một đơn vị đào tạo tiếng Nhật có quy mô bậc nhất cả nước là một quãng thời gian phấn đấu không ngừng nghỉ của thầy và trò Khoa NN&VH Nhật Bản.

Bà chia sẻ Khoa đặt trọng tâm là 3 nhiệm vụ, cũng là sứ mệnh của Nhà trường, đó là Giảng dạy ngoại ngữ, Nghiên cứu khoa học và Cống hiến cho xã hội.

“Trong bối cảnh mối quan hệ Nhật Việt đang ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, thì nhiệm vụ quan trọng là làm thế nào để đào tạo ra những nhân tài có năng lực giao tiếp liên văn hóa, có thể cống hiến và làm chủ xã hội toàn cầu hóa.

Với triết lý “Cùng nhau kiến tạo cơ hội”, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với cá trường đại học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp để có thể triển khai các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và dịch vụ cống hiến xã hội hiệu quả hơn nữa”, TS. Đào Thị Nga My nói.

Các bài phát biểu của những vị khách mời đặc biệt như ông Ando Toshiki – Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nguyễn Phú Bình – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nguyễn Tô Chung – Phó Trưởng BQL ĐANNQG2020, ông Kumata Yasunori – Phó Chủ tịch thường trực Trường ĐH Hosei (Nhật Bản), PGS. TS. Ngô Minh Thủy – Phó Hiệu trưởng Nhà trường/Nguyên Trưởng khoa NN&VH Phương Đông, cô Nguyễn Thị Oanh – Viện Hán Nôm/Nguyên giảng viên thỉnh giảng tại Khoa… đều đánh giá cao nỗ lực phát triển và đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam của Khoa NN&VH Nhật Bản nói riêng và của Trường Đại học Ngoại ngữ nói chung.

Trước đó, cũng nằm trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 25 năm giảng dạy tiếng Nhật tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Khoa NN&VH Nhật Bản đã tổ chức đêm Gala nghệ thuật “25 năm một chặng đường” với sự tham gia của cô trò trong Khoa và các nghệ sĩ đến từ Nhật Bản và hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Nhật và Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam – Những khả năng hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực”.

Bên cạnh đó, các hội trại văn hoá Nhật với nhiều hoạt động quảng bá hấp dẫn trong hai ngày 10-11/11/2017 cũng thu hút sự quan tâm của khách tham quan

Theo Website ĐH QG HN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...