Truyện Kiều lên lịch Tết 2017: Kênh quảng bá văn hóa đặc biệt

GD&TĐ - Trong khuôn khổ triển lãm trưng bày lịch xuân 2017 với chủ đề “Những sắc màu sáng tạo” tại Đường sách TPHCM có một bộ lịch bloc thu hút sự quan tâm của nhiều người là bộ lịch bloc Truyện Kiều của Công ty TNHH An Hảo liên kết với NXB ĐH Sư phạm TPHCM. 

Truyện Kiều lên lịch Tết 2017:  Kênh quảng bá văn hóa đặc biệt

Bộ lịch chuyển tải toàn bộ 3.254 câu Kiều với sự kết hợp của những bức tranh minh họa độc đáo, được dư luận đón nhận như một sáng kiến hay, góp phần quảng bá văn hóa và đưa kiệt tác văn học này tới gần hơn với công chúng.

Ý tưởng độc đáo

TS Quách Thu Nguyệt - Người phụ trách nội dung bộ lịch - cho biết: Đây là lần đầu tiên có một quyển sách lịch Truyện Kiều có đến 365 hình ảnh khác nhau vẽ minh họa Truyện Kiều để in trong 365 tờ lịch của năm 2017.

Nhóm nội dung đã quyết định sử dụng bản “Kiều” của cụ Đào Duy Anh phiên âm, chú giải (NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1993). Điểm nhấn quan trọng nhất của bộ lịch này là mỗi đoạn Kiều ở mỗi trang lịch sẽ được minh họa bằng một bức tranh tương ứng với nội dung được Nguyễn Du miêu tả trong đó. Có thể coi đây là cuốn Truyện Kiều có nhiều tranh minh họa nhất từ trước tới nay (365 tranh).

“Giá trị sử dụng các sản phẩm lịch không chỉ để xem ngày tháng, các nhà sản xuất lịch đã thổi hồn vào đó những câu chuyện văn hóa về việc giữ gìn, phát huy, quảng bá những di sản văn hóa của dân tộc” -TS Quách Thu Nguyệt chia sẻ.

Trải qua hàng trăm năm, Truyện Kiều luôn hiện diện như một phần đời sống văn hóa của người Việt trong các câu hát ru, tục bói Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều…

Ý tưởng độc đáo đưa Truyện Kiều lên lịch với 3.254 câu thơ lục bát cùng các lời chú giải và 365 bức tranh minh họa là kênh quảng bá văn hóa một cách đặc biệt, giúp người Việt có thể hàng ngày tiếp cận những câu thơ hay, những ý thơ phù hợp với cá nhân để từ đó thưởng thức một kiệt tác văn học của dân tộc.

Ông Lê Thanh Hà - Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM - cho rằng ý tưởng làm cuốn lịch về Truyện Kiều là ý tưởng độc đáo và khá hay. Việc đưa tác phẩm văn học trên nền cuốn lịch sẽ đóng góp vào việc gìn giữ hồn cốt của tác phẩm văn học nổi tiếng của nước nhà.

Việc xuất bản Truyện Kiều theo kiểu lịch sẽ được phổ biến khá rộng, bởi nếu xuất bản Truyện Kiều theo sách, mỗi lần xuất bản chỉ xuất bản được khoảng 2.000 - 4.000 bản, còn xuất bản bằng lịch có thể lên đến 20.000 - 30.000 bản cũng sẽ tiêu thụ hết.

Kênh quảng bá văn hóa đặc biệt

Trải qua hàng trăm năm, Truyện Kiều vẫn được xem là một kiệt tác văn chương, di sản văn hóa cốt Việt. Cho đến nay, đã có hàng trăm bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm, Quốc ngữ và tiếng nước ngoài được xuất bản.

Ngày nay, Truyện Kiều còn được giảng dạy trong nhà trường, được nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng, lưu truyền, nghiên cứu dưới nhiều hình thức như vịnh Kiều, bói Kiều, trích dẫn Kiều…

Ông Trương Quang Nghĩa, đại diện Công ty lịch An Hảo cho biết, “Truyện Kiều” là tác phẩm có sức sống mạnh mẽ trong lòng dân chúng và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tầm ảnh hưởng lớn lao của nó khiến chúng tôi tin tưởng khi thực hiện trên lịch Tết, người dân sẽ đón nhận.

Theo ông, lịch không chỉ là phương tiện thể hiện thời gian mà còn giúp chúng ta nhận ra được những giá trị văn hóa qua đó. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng đưa thêm những kiệt tác văn học khác lên lịch để nó được phổ biến hơn nữa trong đời sống nhân dân.

Tiến sỹ Quách Thu Nguyệt chia sẻ: “Hồi còn đi học, tôi chỉ được tiếp nhận Kiều thông qua các trích đoạn chứ không được tiếp cận toàn bộ tác phẩm như lần làm lịch này.

Theo đó, mỗi ngày lật tờ lịch, người đọc có thể ngân nga đọc vài câu Kiều, dần dần nó ngấm vào tâm hồn của mỗi con người. Hy vọng bộ lịch Kiều này sẽ được hiện diện trong mọi gia đình, trong lớp học, nhà trường… để Truyện Kiều ngày càng phổ biến hơn”.

“Thông qua bộ lịch đặc biệt này, chúng tôi hy vọng được góp thêm vào việc quảng bá, phổ biến Truyện Kiều bằng một hình thức thể hiện mới, đồng thời một lần nữa tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du với những đóng góp lớn lao của ông cho nền văn chương Việt Nam và thế giới” - Ông Trương Quang Nghĩa cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...