Truyền hình thực tế “tấn công” trẻ nhỏ

GD&TĐ - Trẻ em ngày nay đang trở thành đối tượng để các chương trình truyền hình khai thác ở mọi khía cạnh. Từ những cuộc thi ca nhạc, tạp kỹ đến những góc máy quay cận cảnh đời thường trở thành mối quan tâm đặc biệt của công chúng. Bên cạnh sự tích cực, các yếu tố tiêu cực, các hệ lụy từ các chương trình này cũng là điều cần bàn luận.

Truyền hình thực tế “tấn công” trẻ nhỏ

Nở rộ gameshow nhí

Kể từ The Voice Kids mùa 1 (năm 2013), số lượng các cuộc thi dành cho trẻ em ngày càng gia tăng như Bước nhảy hoàn vũ nhí trong 2 mùa 2014, 2015, Gương mặt thân quen nhí (2014, 2015), Người hùng tí hon (2015), Siêu nhí tranh tài (2016)... Theo nhiều nguồn tin, Công ty Cát Tiên Sa đang rục rịch tổ chức X Factor Kids, The Remix Kids, BHD sẽ có Vua đầu bếp nhí…

Dù có dấu hiệu bão hòa, nhưng trào lưu nhân bản các chương trình thành công dành cho đối tượng thiếu nhi vẫn tiếp tục nở rộ. Thực tế các cuộc thi vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của các gia đình và con em của họ, lượng người xem (rating) cao. Chính sự hồn nhiên, những câu chuyện cảm động về các tài năng nhí, những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của các em... là yếu tố để “níu chân” khán giả ở nhiều độ tuổi đến với các chương trình này.

Nắm bắt nhu cầu này, các nhà sản xuất bắt tay với nhà đài tận dụng mọi cơ hội để thu nguồn lợi quảng cáo từ các chương trình. Đây là món lợi khổng lồ mà bất cứ nhà sản xuất, nhà đài nào cũng khao khát. Vì thế, họ không ngần ngại bỏ ra số tiền rất lớn để mua bản quyền chương trình gameshow hay truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng nhí.

Không thể phủ nhận rằng những mặt tích cực mà các chương trình đem lại. Qua cuộc thi, các em nhỏ có năng khiếu có cơ hội được bộc lộ tài năng của mình, giúp trẻ tự lập, vững vàng hơn trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bên cạnh sự tích cực, chương trình truyền hình thực tế phiên bản nhí vẫn còn không ít chương trình có quá nhiều hạt “sạn”, những hệ lụy từ các chương trình này cũng là điều cần bàn luận.

Đừng ép trẻ “chín” sớm

Mới đây, Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đưa ra lệnh cấm phát sóng chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế? Cơ quan này cho rằng, việc trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm, được lăng xê tên tuổi, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm là điều phản giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.

Không phải đợi đến khi chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế bị “cấm cửa” tại Trung Quốc, mà trước đó, hàng loạt bài báo của nước ngoài đã đặt những tiêu đề như “Truyền hình thực tế an toàn cho trẻ nhỏ?”, “Truyền hình thực tế đang vắt kiệt trẻ em?”.

Đây chính là những hồi chuông cảnh báo về mặt trái của sự nở rộ của các chương trình thực tế.

Các chuyên gia cho rằng, một chương trình truyền hình thực tế mà ngay khi bước vào trẻ đã bị “nhồi nhét” tâm lý “phải thắng bằng mọi giá” thì không thể tránh được việc trẻ bị sang chấn tâm lý khi không được giải thưởng hoặc khi trẻ bị loại khỏi cuộc chơi từ sớm.

Nhiều chương trình không còn đơn thuần chỉ là sân chơi, nơi các em giao lưu, gặp gỡ nhau mà đòi hỏi các em phải học cách đối mặt với khả năng cạnh tranh gay gắt như tham gia một đấu trường. Bên cạnh đó, có những chương trình, các vị giám khảo không nắm bắt được tâm lý trẻ em, đã có những nhận xét không hay, như khen thì khen quá, chê thì chê quá đà... làm cho các em đôi khi là ảo tưởng về tài năng của mình, hoặc có khi những lời chê thái quá, thậm chí làm thui chột đam mê của các em.

Tạo sân chơi cho trẻ để khơi gợi, phát huy năng lực cá nhân của trẻ là điều cần khuyến khích. Tuy nhiên, đó phải là những sân chơi để trẻ sáng tạo và đam mê, bồi bổ kiến thức, hướng đến những giá trị nhân văn, làm phong phú thêm tâm hồn của các em chứ không phải là những sân chơi khơi gợi những ham muốn bản năng, tính háo thắng, ích kỷ hẹp hòi.

Ông Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, chương trình truyền hình thực tế, nhất là các chương trình do các đài địa phương sản xuất, muốn được cấp phép cần phải có sự vào cuộc của các chuyên gia về bảo vệ trẻ em, chuyên gia về tâm lý, chuyên gia về văn hoá… để đảm bảo rằng trẻ em được bảo vệ, không bị bóc lột, không bị xâm hại, không bị lạm dụng. Và các chuyên gia về văn hóa sẽ có trách nhiệm đảm bảo các phần biểu diễn của các bé là văn hoá, mang tính dân tộc, gần với sự hồn nhiên của lứa tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ