Triển lãm Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn

GD&TĐ - Chiều ngày 25/02, tại Sân Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Sở Văn hóa Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt qua Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới".

Một trong những mộc bản sẽ trưng bày tại triển lãm.
Một trong những mộc bản sẽ trưng bày tại triển lãm.

Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt qua Mộc bản Triều Nguyễn"  sẽ giới thiệu đến công chúng, du khách trong và ngoài nước hơn 32 hình ảnh, tài liệu và 20 phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các Quốc hiệu và Kinh đô của Việt Nam trải qua các thời kỳ lịch sử được khắc ghi trong các Mộc bản.

Ví dụ như: Đại Việt sử ký toàn thư, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục… Trong đó đề cập tới các quốc hiệu: Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương, Văn Lang thời Hùng Vương, Âu Lạc thời An Dương Vương, Vạn Xuân thời Tiền Lý, Đại Cồ Việt thời Đinh-Tiền Lê, Đại Việt thời Lý-Trần-Lê, Đại Ngu thời nhà Hồ, Việt Nam thời Gia Long và Đại Nam thời Minh Mệnh.

Khối di sản này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.

Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới.
Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu  thế giới.

Với mỗi quốc gia, quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ.

Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với quốc hiệu, kinh đô (thủ đô) cũng luôn được các thể chế nhà nước đặc biệt coi trọng.

Từ thời xa xưa, các bậc đế vương nước Việt đã có nhiều lần đặt, thay đổi quốc hiệu hoặc kinh đô cho phù hợp với tình hình đất nước.

Đặc biệt, việc đặt quốc hiệu, xưng đế của các triều vua nước Việt thể hiện lòng tự tôn dân tộc với những quốc hiệu như Đại Cồ Việt hay Đại Việt để ngang hàng với Đại Tống, Đại Minh; Đại Nam để ngang hàng với Đại Thanh… Những lần thay đổi kinh đô cũng thể hiện sự cân nhắc sâu sắc để lựa chọn được nơi thắng địa, chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương.

Theo Ban tổ chức, Triển lãm tái hiện lại phần nào bức tranh sinh động về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt từ xa xưa thông qua những lần đặt, đổi Quốc hiệu và Kinh đô đất nước, thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân.

Triển lãm cũng là sự tiếp tục những nỗ lực không ngừng của Cục Văn thư và Lưu trữ - Bộ Nội vụ trong việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ nói chung và di sản tư liệu thế giới Mộc bản Triều Nguyễn nói riêng, qua đó quảng bá, tôn vinh giá trị của các di sản của Việt Nam đã được thế giới công nhận. Triển lãm sẽ diễn ra trong 30 ngày, từ ngày 25/02/2019 đến hết ngày 25/03/2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ