Trao truyền cho lớp trẻ bảo tồn Bài chòi

GD&TĐ - Sáng 21/11, Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi thành phố Đà Nẵng”.

Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi thành phố Đà Nẵng”
Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi thành phố Đà Nẵng”

Cuộc tọa đàm nhằm mục đích trao đổi, ghi nhận thêm các ý kiến đóng góp từ phía các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ nhân, nghệ sỹ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi tại thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó có định hướng tốt hơn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong thời gian tới.

Cần thiết và cấp bách

Nói về giá trị, ý nghĩa của nghệ thuật Bài chòi, bà Nguyễn Thị Hội An – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng nhấn mạnh: Bài chòi là một loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo, đầy ngẫu hứng, đầy trí tuệ của quần chúng nhân dân Trung Bộ nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc UNESCO công nhận nghệ thuật Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã khẳng định giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.
Đồng thời, đó cũng chính là sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các nghệ sỹ, nghệ nhân, nhạc sư, soạn giả, nhà nghiên cứu... đã và đang cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa này. Đây cũng chính là cơ hội tốt để loại hình di sản văn hóa Bài chòi được phổ quát và phát triển rộng rãi đến các tầng lớp quần chúng nhân dân trong nước cũng như quốc tế.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hội An cũng chỉ rõ, tương tự với một số loại hình nghệ thuật khác, hiện nay, Bài chòi dân gian đang đứng trước những thách thức nhất định, cũng như sự tác động mạnh mẽ của các loại hình giải trí khác, nên Bài chòi đang mất dần khán giả và vị thế vốn có.

Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi, bà Ngô Thị Bích Vân - Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - cho rằng, hiện nay việc bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Bài chòi là việc làm cần thiết và cấp bách đối với các địa phương có di sản Bài chòi. Các địa phương cần xác định rõ mục tiêu, các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi dân gian đúng hướng trong đời sống hôm nay và tương lai. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi cũng cần có những ý kiến đóng góp khoa học từ phía những nhà nghiên cứu, những người nắm giữ và thực hành di sản.

Một buổi biểu diễn nghệ thuật Bài chòi để phục vụ du khách
  • Một buổi biểu diễn nghệ thuật Bài chòi để phục vụ du khách

Bảo tồn và phát huy

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lệ - Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), để tạo động lực cho các nghệ nhân, nghệ sĩ có niềm tin và yên tâm gắn bó chặt chẽ, lâu dài hơn với loại hình nghệ thuật Bài chòi, Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chế độ đãi ngộ, tôn vinh, bảo tồn đối với nghệ nhân dân gian, các CLB Bài chòi và tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo lớp trẻ kế tục.

Mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng hô/hát Bài chòi cho cán bộ văn hóa xã hội xã/phường, cán bộ Đoàn, giáo viên âm nhạc từ thành phố đến cơ sở, những người làm công tác phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Tổ chức “Liên hoan sân khấu dân ca Bài chòi không chuyên tại thành phố Đà Nẵng” để tạo sân chơi cho các CLB Bài chòi trên toàn thành phố tham gia trình diễn…

Đối với các công ty du lịch, cần phải khuyến khích hoặc yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khi đưa ra các tour du lịch thì nên lồng ghép nội dung thưởng thức nghệ thuật Bài chòi tại các điểm tham quan hoặc khuyến khích khách du lịch cùng tham gia vào loại hình nghệ thuật tại các điểm du lịch hiện có. Cùng với đó, các đơn vị chức năng như Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao, lồng ghép nội dung Bài chòi vào trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ hướng dẫn viên thường niên… 

 
ThS Đặng Thị Kim Thoa kiến nghị.

Đồng thời, lồng ghép cuộc thi sáng tác kịch bản theo thể loại dân ca bài chòi, lời mới cho Bài chòi, thông qua đó tuyển chọn những tác phẩm hay, xuất sắc nhằm cung cấp kịch bản, lời Bài chòi cho các Câu lạc bộ dân ca Bài chòi biểu diễn phục vụ nhân dân. Kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp du lịch hỗ trợ cho các điểm biểu diễn để các câu lạc bộ quảng bá và xây dựng sản phẩm Bài chòi phục vụ du lịch; đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập cho các nghệ nhân.

Bàn về vấn đề gắn bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi với hoạt động du lịch nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản tại thành phố Đà Nẵng, ThS Đặng Thị Kim Thoa - Khoa Du lịch (Trường ĐH Đông Á) nhìn nhận: Khi loại hình văn hóa dân gian Bài chòi được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và qua các lễ hội thường niên thì sẽ có tác động đến người dân và khách du lịch khi đến tham quan tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực du lịch cần lồng ghép nội dung loại hình nghệ thuật Bài Chòi vào trong môn học có liên quan đến văn hóa, sản phẩm du lịch, phát triển du lịch bền vững… giảng dạy cho HS, SV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ