Tranh Việt nhiều nỗi ưu phiền

GD&TĐ - Thời gian gần đây giới mĩ thuật Việt đã có sự chuyển động đáng kể song để quay lại thời hưng thịnh thì vẫn quá xa vời. Mới đây, nhiều họa sĩ đã cùng ngồi lại để nêu ra những vấn đề cộm cán nhằm tháo gỡ. Tình trạng xâm phạm bản quyền trở nên nóng hơn khi nhắc tới cùng đó là sự khát khao một thị trường cho tranh Việt.

Tranh Việt nhiều nỗi ưu phiền

Báo động xâm phạm bản quyền

Họa sĩ Thành Chương, một tên tuổi trong làng tranh Việt đã ngán ngẩm nêu ra câu chuyện tranh của ông bị vi phạm bản quyền. Ông đã viết đơn tố cáo khi phát hiện ra một bức tranh của mình bị làm giả và kí tên tác giả khác. Dù có nhân chứng, vật chứng đầy đủ, hội đồng nghệ thuật sau thẩm định cũng kết luận tranh giả và mạo danh song sự việc chỉ dừng lại trong im lặng.

Tình trạng xâm phạm bản quyền, nhái tranh khiến nhiều họa sĩ vô cùng bức xúc. Bởi họ không chỉ mất thời gian, công sức, ảnh hưởng lớn đến tên tuổi mà bản thân những kẻ vi phạm chưa chịu sự trừng phạt đáng kể, thậm chí nhiều trường hợp vi phạm còn không có một lời xin lỗi tác giả đã bị mình vi phạm.

Nhiều họa sĩ chỉ ra, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tranh nhái tranh giả vẫn tồn tại nhan nhản chính từ công chúng - những người chơi tranh. Bên cạnh sự thiếu hiểu biết là sự dung túng với tranh giả khi vẫn tiêu thụ tranh giả và chỉ cần giống tương đối miễn sao giá cả phải chăng.

Và rõ ràng khi còn cầu thì đương nhiên cung sẽ cấp. Số lượng nhiều ít ra sao phụ thuộc vào sức mua của người chơi. Cho dù người bị vi phạm bản quyền, giới mỹ thuật kêu gào về tình trạng tranh giả song người mua người bán thể loại tranh nhá vẫn tồn tại và sống khỏe với nghề.

Nhiều họa sĩ bị vi phạm bản quyền cũng cho biết, việc đòi bản quyền, tố cáo người vi phạm để được trả lại giá trị đích thực cho tranh vẫn gian nan vô cùng. Các họa sĩ đều rất ngại với hàng loạt thủ tục khi đi theo vụ kiện.

Đến giờ phút này thì mong mỏi lớn nhất của các nghệ sĩ trong việc trống lại vi phạm bản quyền vẫn là có một án phạt đủ nghiêm để trừng trị những người cố tình làm giả, người vi phạm. Chỉ khi nào những án phạt đủ nghiêm mình thì khi đó mới đánh thức được nhận thức, ý thức của những kẻ kiếm lời bất chính trên mồ hôi công sức, tài năng của những nghệ sĩ chân chính.

Mặt khác, cần có sự hướng dẫn, giáo dục ý thức, chuyên môn nhất định cho người chơi tranh để họ không trở thành những người thúc đẩy, bảo kê cho tình trạng vi phạm bản quyền, tranh giả tranh nhái trên thị trường và những kẻ bất chính.

Khát khao một thị trường

Theo phân tích của giới chuyên môn thì nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường tranh Việt vẫn dẫm chân tại chỗ.

Để có một thị trường tranh đúng nghĩa thì lượng khách hàng trong nước phải chiếm số đông. Nhưng khác với ở nước ngoài, đa số người Việt hiện nay không có sở thích chơi tranh nghệ thuật. Người có thu nhập cao có thể bỏ ra khoản tiền lớn để mua sắm những món đồ thời thượng, để đi du lịch... nhưng lại ít nghĩ đến việc sở hữu một tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Mặt khác ở Việt Nam nhiều gallery được mở ra mà chủ không hề am hiểu nghệ thuật. Với họ nghệ thuật cũng chỉ như kinh doanh một thứ hàng hóa khác ngoài thị trường. Mục tiêu cuối cùng là kiếm lợi.

Chính vì vậy, tình trạng không có nghề của các chủ gallery đã và đang là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu chuyên nghiệp của thị trường tranh Việt.

Bên cạnh đó không ít hoạ sĩ cũng đang làm việc thiếu chuyên nghiệp. Họ sẵn sàng sao chép lại chính mình, sao chép lại những họa sỹ đang có tranh bán chạy trên thị trường một cách tràn lan. Điều này không chỉ làm mất uy tín của họa sỹ mà còn làm xấu hình ảnh mỹ thuật Việt Nam.

Nếu cả hoạ sĩ và gallery đều dễ dãi, đều chạy theo lợi nhuận trước mắt thì việc cải thiện được thị trường tranh trong nước sáng sủa hơn thật khó khăn.

Vai trò của những người thẩm định tranh - người phát hiện ra tác giả và tác phẩm (Curator) cũng thiếu chuyên nghiệp. Trên thế giới vai trò hoạt động của curators mang ý nghĩa lớn, họ là những người kết nối và thúc đẩy sự vận động của nền nghệ thuật.

Sự đa dạng và tích cực của hoạt động curators cũng mang lại cơ hội cho các nghệ sĩ. Nhờ vào các curators mà các nghệ sĩ tài năng không chịu cảnh tỏa sáng trong bóng tối... Trong khi đó ở Việt Nam, curators vẫn là nghề lạ.

Làm gì để có một thị trường tranh Việt đúng nghĩa? Có lẽ giới mỹ thuật việt và những nhà quản lý phải giải bài toán khó này với nhiều cách khách nhau.

Đến nay đã có một số chính sách, các nghệ sĩ cũng đã vào cuộc để thúc đẩy thị trường tranh Việt. Tuy nhiên còn sự lệch pha, thiếu tính đồng bộ trong quan điểm, hành động trong việc tạo dựng thị trường mỹ thuật.

Hơn lúc nào hết, cần mau chóng giải quyết các hạn chế, tồn đọng đã được chỉ ra nhiều năm qua của mỹ thuật Việt. Chỉ có như vậy việc mở dần cánh cửa cho các điều kiện của thị trường mỹ thuật mới được kết nối thuận lợi.

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng chỉ ra: Cần có các quỹ văn hóa của nhà nước, cách doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, có luật khuyến khích tiêu dùng nghệ thuật: Buôn bán nghệ thuật và đồ cổ, sưu tầm, tài trợ, mở bảo tàng tư nhân, nhà đấu giá, dự các hội chợ…

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình cho rằng, một cách làm xa hơn là phải giáo dục nghệ thuật cho lớp công chúng mới, xây dựng một lối sống mới có chiếm hữu tư nhân về nghệ thuật trong tầng lớp giàu cũng như trách nhiệm văn hóa của các cấp chính quyền và doanh nhân.

Và lời giải mang tính bền vững không kém là nâng chất cho các giám tuyển; marketing quản lý, điều hành gallery, nhà triển lãm; các nhà sưu tập tranh chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường mỹ thuật, sự thay đổi tư duy trong đào tạo vô cùng cần thiết với những mục tiêu và chiến lược cụ thể.

Cuối cùng cần phát huy được vai trò của các đơn vị chức năng, quản lý mỹ thuật trong việc tạo ra các cơ chế chính sách, liên kết các ngành, thúc đẩy sự quan tâm của công chúng, xã hội dành cho mỹ thuật.

Không ít việc cần giải quyết cho thị trường mỹ thuật nhưng chỉ khi nào làm tốt thì khi ấy hình thành một thị trường mĩ thuật mới đúng hướng và đúng nghĩa. 

Để bảo vệ quyền tác giả trong hội họa mỹ thuật, cần thành lập ban chức năng để bảo vệ quyền lợi cho giới họa sĩ, xác lập bản quyền và phân xử quyền lợi khi tranh chấp. Cơ quan này nên thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, các tổ chức chép tranh cần được cơ quan chức năng như Bộ VHTT-DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, các Sở VHTT- DL, Sở VHTT… kiểm soát, kiểm tra tra chặt chẽ. Những dấu hiệu cố tình vi phạm cần có hình thức xử phạt nghiêm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.