Trạm Khí tượng thủy văn Phù Liễn: Biểu tượng lịch sử khí tượng Việt Nam

GD&TĐ - Trạm Khí tượng thủy văn Phù Liễn (Hải Phòng) đến nay đã gần 120 năm tuổi, lưu giữ nhiều dấu ấn phát triển của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam. Chính vì thế, Trạm Phù Liễn đã được Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận là một trong 117 trạm khí tượng quý hiếm trên thế giới.

Đài khí tượng Phù Liễn (Internet).
Đài khí tượng Phù Liễn (Internet).

Trường tồn cùng thời gian

Trạm Khí tượng Phù Liễn tọa lạc tại quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Năm 1899, Hội đồng tối cao Đông Dương đã nhất trí thông qua việc nghiên cứu và lựa chọn Phù Liễn làm nơi đặt trụ sở của Đài Khí tượng Trung ương Đông Dương.

Ngày 25/4/1900 tòa nhà chính của Sở Khí tượng Trung ương Đông Dương đã được xây dựng trên cơ sở thiết kế của kiến trúc sư M.Lichtenfelder cùng sự hướng dẫn và giúp đỡ của ông M.Ferra. Quá trình xây dựng ngày đó kéo dài mất 2 năm mới hoàn thành công trình.

Đến năm 1902, Trạm Khí tượng Phù Liễn mới bắt đầu thực hiện hoạt động quan trắc lấy số liệu về nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, lượng mưa, hướng và tốc độ gió. Chính vì vậy, đây không chỉ là trạm quan trắc lâu đời, mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử phát triển của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam.

Tính đến nay, trạm đã có bề dày lịch sử 117 năm. Đặc biệt, có giai đoạn trạm có trọng trách quan trắc khí tượng cho cả ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Camphuchia).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bắt đầu từ năm 2015, Cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 17 của Tổ chức Khí tượng thế giới đã chính thức kêu gọi các quốc gia thành viên phối hợp với Ban Khí tượng, Ban Thiết bị và phương pháp quan trắc và Ban Hệ thống cơ sở, lựa chọn và tôn vinh các trạm quan trắc khí tượng với lịch sử hoạt động lâu năm – trên 100 năm và có nhiều đóng góp cho hoạt động ngành khí tượng thủy văn của nhân loại.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn thế giới đã có 117 trạm khí tượng được Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận là Trạm khí tượng có lịch sử trên 100 năm.

Với tình cảm trân trọng dành cho những thế hệ tiền bối đã từng bước phát triển mạng lưới quan trắc và các hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai từ nơi đây, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã lựa chọn Trạm Khí tượng Phù Liễn và xây dựng hồ sơ đăng ký “Trạm khí tượng trên 100 năm của Tổ chức Khí tượng thế giới”.

Ngày 28/6/2018, Hội đồng Điều hành Tổ chức Khí tượng thế giới đã bỏ phiếu thông qua và cấp bằng công nhận Trạm Khí tượng Phù Liễn là Trạm Khí tượng 100 năm tuổi trên thế giới.

Để có được bằng công nhận, trạm phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như được xây dựng ít nhất 100 năm, có hoạt động liên tục ít nhất một yếu tố khí tượng tính từ khi bắt đầu hoạt động đến nay và đang hoạt động bình thường tính đến thời điểm đề cử.

Trạm được quan trắc, vận hành theo tiêu chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới, có bộ dữ liệu lịch sử, có toạ độ địa lý thực tế, hoặc có nguồn gốc cụ thể gồm độ cao, thành phần khí tượng được xác định và đơn vị khí tượng, cũng như lịch trình quan trắc.

Ở tuổi 82, nguyên là cán bộ quan trắc của Trạm Khí tượng Phù Liễn, 8 năm với cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, giai đoạn 1991 - 1999, GS Nguyễn Đức Ngữ chia sẻ: “Phù Liễn là trạm khí tượng thủy văn có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam.

Nhiều quan trắc viên đã trưởng thành và chứng kiến 117 năm tồn tại của trạm với nhiều kỷ niệm, trong đó có cá nhân tôi. Trước đây, do hoàn cảnh kinh tế và lịch sử, trạm khí tượng này hoạt động trong điều kiện thiết bị đơn sơ, chỉ có thiết bị quan trắc khí tượng và từ trường, mãi sau này mới có thêm thiết bị quan trắc thiên văn, máy đo địa chấn, trạm đo động đất”.

Các đại biểu tại Lễ gắn biển trên 100 năm cho Trạm Phù Liễn (Internet)
  • Các đại biểu tại Lễ gắn biển trên 100 năm cho Trạm Phù Liễn (Internet)

Bảo tồn giá trị lịch sử

PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Hiện toàn cầu chỉ có khoảng 100 trạm khí tượng trên 100 tuổi, trong đó có Trạm Khí tượng Phù Liễn của Việt Nam. Vì thế, biểu tượng lịch sử này rất cần được bảo tồn, bảo vệ vì những giá trị của chuỗi số liệu trên 100 năm trong đánh giá những thay đổi, biến đổi khí hậu trong hàng thế kỷ tồn tại và phát triển.

Ngày nay còn có trạm rađa thời tiết Phù Liễn đang tiếp tục cùng hệ thống mạng lưới thực hiện các nhiệm vụ quan trắc và giám sát khí tượng thủy văn, phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và điều tra cơ bản, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực Đông Bắc nước ta”.

Ngày 23/3 vừa qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nước ta đã tổ chức Lễ gắn biển công trình Trạm Khí tượng 100 năm lịch sử cho trạm Phù Liễn. Hoạt động ý nghĩa diễn ra đúng ngày Khí tượng thủy văn thế giới, nhằm tôn vinh trạm khí tượng có nhiều đóng góp cho nền khí tượng thủy văn của nhân loại. Đây là niềm vinh dự tự hào không chỉ của gần 3.000 cán bộ, công chức, viên chức Tổng cục Khí tượng Thủy văn quốc gia mà còn đánh dấu sự phát triển của khoa học hiện đại trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nước ta, trước sự hội nhập mang tầm thế giới.

Cả nước ta với hơn 600 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, ra đa thời tiết, định vị sét và gần 800 trạm, điểm đo mưa. Mạng lưới trạm đã và đang từng bước được nâng cấp hiện đại hóa, tự động hóa phục vụ đo đạc, thu thập đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu, phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo và giám sát biến đổi khí hậu.

”Ngành Khí tượng Thủy văn đã và đang áp dụng những thành tựu mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phục vụ truyền tin và áp dụng cho hệ thống tính toán phục vụ dự báo.

Công nghệ dự báo được thực hiện theo hướng mô hình hóa, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và dự báo hải văn với hệ thống mô hình dự báo hiện đại trên thế giới như của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu”, PGS.TS Trần Hồng Thái cho biết.

“Hiện toàn cầu chỉ có khoảng 100 trạm khí tượng trên 100 tuổi, trong đó có Trạm Khí tượng Phù Liễn của Việt Nam. Vì thế, biểu tượng lịch sử này rất cần được bảo tồn, bảo vệ vì những giá trị của chuỗi số liệu trên 100 năm trong đánh giá những thay đổi, biến đổi khí hậu trong hàng thế kỷ tồn tại và phát triển - PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…