Tọa đàm ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Chương trình nghị sự”

GD&TĐ - Chiều 21/2, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra tọa đàm ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Chương trình nghị sự của tác giả của Éric Vuillard. Ông sinh năm 1968 tại Lyon, là nhà văn, đồng thời là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Pháp.  

Bìa bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Chương trình nghị sự”
Bìa bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Chương trình nghị sự”

Tọa đàm do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức; với sự tham gia của các diễn giả: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Tiến sĩ Ngữ văn Mai Anh Tuấn và Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An Nguyễn Thanh Nguyệt.

“Chương trình nghị sự” là một cuốn tiểu thuyết phơi bày sự thật về Đức Quốc xã, đã nhận được Giải thưởng văn chương hàng đầu nước Pháp Prix Goncourt năm 2017.

Các nhà phê bình văn học Pháp và châu Âu đánh giá đây là cuốn sách có quyền năng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên dẫu trong kết cấu hết sức dung dị. Chỉ vỏn vẹn 160 trang (khổ nhỏ), nó đã chứng tỏ “các thảm họa nghiêm trọng nhất được báo hiệu từng bước” như thế nào và “vén lên những bức màn kinh tởm của lịch sử” để kể lại quá trình đi xuống vực của châu Âu qua hai thời khắc.

Tại tọa đàm, các diễn giả cũng chỉ ra những sự thô kệch và bi thảm không ngừng đan xen lẫn nhau trong tác phẩm này, ở đó Vuillard chọn những cảnh trung thực và không được nhìn nhận đúng (như vụ hỏng những chiếc panzer, vốn nổi tiếng là bất khả chiến bại, ngay khi quân Đức vừa vượt qua biên giới Áo, hoặc bữa tối ở London do Thủ tướng Anh Chamberlain mời, tại đó, Joachim von Ribbentrop, vừa trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Quốc xã, đã lợi dụng sự lịch sự của chủ nhà để trì hoãn câu trả lời của nước Anh trước sự kiện Anschluss).

Vuillard chủ trương như vậy để giải cấu trúc các huyền thoại về vẻ bề ngoài cứng rắn, làm sáng tỏ, thông qua lối viết chính xác và mỉa mai, “vẻ dính dáp của những mưu mẹo và những trò bịp bợm vốn tạo nên lịch sử”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ