Tiểu thuyết lịch sử: Dấu ấn từ những cây viết trẻ

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, tiểu thuyết lịch sử đã thực sự trở thành mối quan tâm của nhiều người. Nhiều tiểu thuyết lịch sử của các tác giả trẻ ra mắt độc giả đã để lại dấu ấn đậm nét trong làng văn. Đây là tín hiệu vui của dòng văn học vốn bị coi là khô khan và khó viết nhất trong các thể loại.

Tiểu thuyết lịch sử:  Dấu ấn từ những cây viết trẻ

Cây bút trẻ tạo sinh khí mới

Vừa qua, cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trần Khánh Dư” của nhà văn Lưu Sơn Minh (sinh năm 1974) công bố đã thu hút khá đông những độc giả rất trẻ. Lưu Sơn Minh cho biết, anh đã ấp ủ và viết tiểu thuyết này trong vòng 8 năm, đã nhiều lần anh đến vùng biên ải Đông Bắc của Tổ quốc, lần theo dấu vết các vị tướng tài nhà Trần như Vân Đồn, Quan Lạn (Quảng Ninh), về nơi phát tích nhà Trần đất Nam Định, Thái Bình để có thêm nguồn cảm hứng từ dấu ấn lịch sử lừng lẫy một thời hào khí Đông A.

Trước đó, tiểu thuyết “Sương mù tháng Giêng” của nhà văn Uông Triều tái hiện một giai đoạn đầy sóng gió và vang dội của nhà Trần với sự đan xen giữa giọng điệu hào sảng của sử thi với những trang viết phản ánh nội tâm con người, khắc họa thời kỳ mà con người vẫn chưa hoàn toàn lệ thuộc vào khuôn khổ Nho giáo cứng nhắc, cũng mang lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả.

Có thể nhận thấy, thời gian qua, một số cây bút trẻ bước đầu gây ấn tượng tới đề tài này như Uông Triều, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Lưu Minh Sơn... Điều này đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho tiểu thuyết lịch sử lâu nay chỉ dành cho những cây viết có tuổi đời khá cao. Tuy nhiên, người chọn viết tiểu thuyết lịch sử vẫn không có nhiều.

Nhà văn Lưu Minh Sơn chia sẻ tại buổi ra mắt sách: “Thể loại này đòi hỏi người viết vô vàn kiến thức. Để viết được, tôi phải tìm nhiều nguồn sách vở, sử liệu, thần tích thần phả, địa chí, phong thủy… Viết về một trận đánh, tôi còn cần cả kiến thức quân sự, đặt mình vào vị trí cả người điều binh khiển tướng như Trần Khánh Dư để phân tích tình thế, quyết sách… Điều quan trọng hơn cả là người viết tiểu thuyết lịch sử phải có trách nhiệm với nhân vật”.

Truyền cảm hứng đến người đọc

Trong bối cảnh hiện nay, dư luận đã đặt vấn đề về việc dạy và học môn Lịch sử khô khan cho học sinh, sinh viên đã dẫn đến tình trạng học sinh không đăng ký thi môn Lịch sử, giới trẻ thờ ơ với các sách truyện lịch sử, quay lưng lại với truyền thống... thì việc các nhà văn sáng tác tiểu thuyết lịch sử Việt là điều đáng trân trọng. Hiệu quả từ những cuốn tiểu thuyết lịch sử có thể dẫn đường cho độc giả trẻ tiếp cận lịch sử được dễ dàng hơn.

Theo cô Lê Thu Huyền, giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội): “Những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử không chỉ cho các em những bài học nhân văn mà còn cung cấp một lượng kiến thức về lịch sử rất lớn. Quan trọng hơn hết đó là các em sẽ thấy lịch sử là một cái gì đó hoàn toàn khác không phải là những kiến thức thống kê, những niên biểu… để thế hệ hôm nay có thêm một kênh trở về quá khứ, cảm nhận nỗi niềm cha ông và tự biết tự soi mình qua lịch sử thì thật sự cần có thêm nhiều tác phẩm văn học hay về đề tài này”.

Chọn cách tiếp cận lịch sử từ những nhân vật lịch sử, từ những câu chuyện lịch sử có thật, đã truyền được nguồn cảm hứng đến người đọc và với cả người sáng tác hôm nay. Mỗi nhà văn đã thể hiện cá tính riêng, phong cách riêng.

Qua những diễn giải mới, cách hiểu mới của các nhà văn, các nhân vật lịch sử đã hiện lên sống động hơn, người hơn. Các anh hùng thời đại đã không hiện ra với mô tip đơn điệu nhàm chán mà có xương có thịt, có tính cách, có sự yêu ghét, trăn trở như những người thực ngoài đời. Đọc những tác phẩm đó, không ai có thể cưỡng lại những cảm xúc tự hào và lòng yêu đất nước, yêu những trang sử của ông cha.

“Để viết truyện lịch sử, tác giả không thể không có một vốn văn hóa phong phú, một vốn tri thức thâm hậu để đối thoại với tiền nhân và hậu thế. Cần cả sự từng trải và trường tri thức, tầm kiến thức văn chương uyên bác. Mà muốn có tác phẩm hay, nhà văn - nhất là các cây bút trẻ không thể thờ ơ với quá khứ”, nhà văn Lưu Minh Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ