Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ

GD&TĐ - Đó là tên triển lãm của cố danh hoạ Mai Trung Thứ đang diễn ra tại Bảo tàng Ursuline ở thành phố Macon, miền Trung nước Pháp.

Họa sĩ Mai Trung Thứ.
Họa sĩ Mai Trung Thứ.

Dù diễn ra ở Pháp nhưng triển lãm quy mô lớn, trưng bày 140 tác phẩm của danh họa Mai Trung Thứ vẫn thu hút sự quan tâm của giới nghệ thuật và người yêu hội họa từ Việt Nam. Bởi phần lớn các tác phẩm trưng bày lần này chưa từng được giới thiệu trước công chúng.

Từ nguồn gốc văn hóa Việt

Triển lãm “Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ” sẽ kết thúc vào cuối tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, giới nghệ thuật đã biết đến triển lãm này từ trung tuần tháng 6, khi Bảo tàng Ursuline ở Macon với sự hợp tác của Bảo tàng Cernuschi, cùng sự hỗ trợ và tham gia của bà Mai Lan Phương - con gái của danh họa Mai Trung Thứ ra thông báo.

Theo cơ quan truyền thông Macon, triển lãm “Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ” được Bộ Văn hóa Pháp công nhận có tầm ảnh hưởng quốc gia. Phần lớn tác phẩm được trưng bày lần này chưa từng ra mắt công chúng, gồm: Tranh sơn dầu trên vải, tranh lụa, ảnh và in thạch bản.

Đại diện ban tổ chức triển lãm cho biết, đây là cơ hội khám phá một phong cách cá nhân thấm đẫm chất thơ, với đường nét và màu sắc lấy cảm hứng từ đời sống, văn hóa truyền thống Việt Nam. Sự kiện mỹ thuật này là cơ hội để công chúng thưởng lãm tranh Đông Dương, biết rõ hơn tài năng của danh họa Mai Trung Thứ.

Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ và Lê Thị Lựu là bốn họa sĩ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương và là những học trò xuất sắc nhất của trường đã thành danh tại Pháp. Đó là một hành trình của quá nhiều khó khăn và cay đắng.

Mai Thứ được Lê Phổ coi là người vẽ giỏi nhất khóa I (1925 – 1930). Lê Phổ là học trò “cưng” của Giáo sư Tardieu, thường tháp tùng ông sang Pháp. Vũ Cao Đàm đỗ thủ khoa điêu khắc khóa II (1926 – 1931). Và Lê Thị Lựu, thủ khoa hội họa khóa III (1927 – 1932).

Mỗi người có một cá tính và con đường riêng, nhưng đều giữ được nguồn gốc văn hóa Việt. Cũng là nhờ quan điểm giảng dạy của các giáo sư Trường Mỹ thuật Đông Dương, khác với quan niệm dạy vữ của người Anh ở Ấn Độ: Hoàn toàn hướng học sinh về mỹ thuật Tây phương, chối bỏ nguồn gốc văn minh Ấn Độ.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân - Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự cảm kích. Bà nói rằng, thành phố Macon là nơi tạo nên cảm hứng cho tài năng của cố họa sĩ Mai Trung Thứ tỏa sáng, và đưa những tinh hoa nghệ thuật Á - Âu mà ông đã tạo nên đến với công chúng yêu nghệ thuật. 

Triển lãm “Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ” hội tụ 140 tác phẩm (phần lớn chưa từng công bố).

Triển lãm “Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ” hội tụ 140 tác phẩm (phần lớn chưa từng công bố).

Đến tầm ảnh hưởng quốc tế

Danh họa Mai Trung Thứ quê ở làng Do Nha, xã Tân Tiến (An Dương - Hải Phòng). Năm 1936 – 1937, sau khi tham gia triển lãm tranh tại Paris và đạt nhiều giải thưởng cao, họa sĩ đã ở lại Pháp tu nghiệp.

Ông nội Mai Trung Thứ là Mai Trung Quế - Tri châu Tuần Giáo kiêm nhiệm châu Luân, quyền Tri phủ Điện Biên (Sơn La cũ), được triều đình Huế phong tặng Thái Thường Tự Khanh, gia tặng Đô Sát Viện hữu phó Đô Ngự sử. Cha của danh hoạ là Tổng đốc Bắc Ninh - Mai Trung Cát.

Năm 1925, Mai Trung Thứ thi vào khóa I Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sáu năm sống và làm việc ở kinh đô Huế đã gợi cho ông ký ức sâu đậm, đồng thời tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa. Trong thập niên 1930, cùng với một số hoạ sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới.

Năm 1974, Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương cùng nhiều văn nghệ sĩ khác. Năm 1980, ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi. Năm 2019, sau gần 40 năm qua đời, hài cốt của ông được đưa về Việt Nam an táng tại khu lăng mộ của dòng tộc Mai Trung ở Hải Phòng.

Các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá Mai Trung Thứ có một bút pháp đặc biệt, nét vẽ giản dị đến độ diệu kỳ. Sự mong manh, mềm mại và uyển chuyển trong tranh phụ nữ và sự ngay thơ, hồn nhiên trong tranh trẻ thơ, đều đạt mức tuyệt đỉnh.

Ông thường vẽ tranh trên vải lụa (étoffe de soie), dùng màu nước trộn keo (gouache) rồi lấy nút cùn chấm mực mài, chà, tạo chiều sâu, vẽ chân dung bằng than màu (pastel) hay than chì.

Dù tên tuổi của Mai Trung Thứ đã trở thành một huyền thoại, nhưng người Việt biết đến ông nhiều hơn qua sự kiện của Sotheby’s Hong Kong diễn ra ngày 18/4. Tác phẩm “Chân dung cô Phương” được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD - là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.

Tại Pháp, Mai Trung Thứ không chỉ là một họa sĩ Đông Dương nổi tiếng, ông còn nổi danh trong vai trò là nhà hoạt động nghệ thuật - xã hội mang tầm vóc quốc tế. Chính vì vậy, triển lãm lần này được coi là quy mô nhất với 140 tác phẩm, đủ sức khái quát về sự nghiệp của một danh họa.

Đại diện Bảo tàng Ursuline nhận xét: Nghệ thuật vẽ tranh trên lụa của Mai Trung Thứ rất đặc sắc, ông kết hợp phong cách truyền thống và kiến thức tiếp thu được khi học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng cuối cùng đã tạo ra bản sắc cá nhân và không chịu ảnh hưởng của bất kỳ một họa sĩ Pháp nào.

Với “Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ”, không chỉ Việt kiều mà đông đảo người yêu hội hoạ từ Pháp và khắp thế giới đều rất quan tâm. Đây không chỉ là hoạt động khẳng định trí tuệ và tài năng Việt Nam, mà còn là cơ hội quảng bá văn hoá và tinh thần Việt Nam tới đông đảo công chúng quốc tế.

Bà Mai Lan Phương - con gái duy nhất của họa sĩ Mai Trung Thứ, chia sẻ rằng, rất ấn tượng về quy mô tổ chức triển lãm “Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ”, cũng như cách mà công chúng đón nhận và tôn vinh di sản của danh họa Mai Trung Thứ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ