Thuở vào đời của nghệ sĩ - MC Thanh Bạch: Trứng gà và trống cơm

GD&TĐ - Nghề MC hiện nay đang thịnh hành và có nhiều người “tay ngang” vào nghề nhờ có duyên ăn nói và ngoại hình bắt mắt. Song, đối với Thanh Bạch, ngoài việc được học hành đến nơi đến chốn, ngay từ nhỏ, nghề này đã được anh “khởi nghiệp” một cách say mê!

Thuở vào đời của nghệ sĩ - MC Thanh Bạch: Trứng gà và trống cơm

Ăn trứng chữa tật!

Thanh Bạch có cha làm nghề sửa xe máy nhưng cũng là một nghệ sĩ nghiệp dư, có khả năng ca hát và diễn kịch, đặc biệt chơi đàn mandolin rất tuyệt. Ông thường nói vui với các con: “Ba… tán được má là nhờ tài đánh đàn và chỉ cho má đàn”. Nghe vậy, Thanh Bạch… phục ông sát đất.

Lúc mới lọt lòng, Thanh Bạch có nước da trắng như bông bưởi, ông nội thích quá bèn dành đặt tên cho anh là Thanh Bạch. Về “sắc” như vậy, ông nội tin đứa cháu mình sau lớn chắc sẽ có duyên với sân khấu đây, nhưng về “thanh” thì ông còn hơi lo lo vì Thanh Bạch bị tật… nói cà lăm!

Trước tuổi đến trường, sáng chiều Thanh Bạch quanh quẩn bên ba, hết nhìn ông sửa xe lại nhìn vào cái tủ đựng đồ nghề của ông. Ngăn dưới cùng của tủ là một ổ gà do nhà nuôi. Cứ nhìn vào ổ gà đó một chặp là Thanh Bạch cảm thấy… đói bụng, bèn chạy vào gặp má, nói: “Má… má, con… con muốn ăn… ăn…trứng… trứng”. Nhưng yêu cầu đó ít khi được đáp ứng ngay.

Thương con và với bản năng người mẹ, má anh thường nghiêm giọng bảo: “Con nói từ từ từng chữ một, khi nào không còn cà lăm như vậy nữa má mới làm trứng cho ăn”. Không biết có phải do quá… thèm ăn trứng hay vì biết nghe lời mẹ mà Thanh Bạch đã cố uốn chỉnh cách nói năng của mình để dần chữa được tật nói cà lăm lúc nào không hay.

Phát thanh viên nhí

Thời học TH và THCS, Thanh Bạch rất thích nghe radio. Không phải tin tức gì quan trọng mà chủ yếu - do ám thị tật nói cà lăm của mình, anh mê giọng phát âm trôi chảy của các phát thanh viên và muốn mình được như thế. Thế rồi, Thanh Bạch thường chơi trò cột một cái muỗng với sợi dây nối vào góc nhà, đứng cầm… muỗng nói hằng tiếng, đại để những câu: “Kính thưa quý vị khán giả, đây là chương trình phát thanh của… Thanh Bạch. Xin quý vị lắng nghe…”.

Một lần nọ, qua nhà Thanh Bạch chơi, thấy anh đang “hành nghề” say sưa, cậu Bảy của anh nói: “Cháu qua nhà cậu lấy cái dàn loa và micro về mà xài”. Đó là món quà rất có giá trị đối với Thanh Bạch. Có cái micro thứ thiệt thay cho cái muỗng, anh đã nhiều lần tự lắng nghe giọng nói của mình vang to trong sự thích thú và nói năng ngày càng trôi chảy, văn vẻ hơn.

Tiến lên một bước, Thanh Bạch nghĩ đến việc chọn ra các bài hát từ những băng cassette để “lồng” phần giới thiệu mở đầu của chính mình vào, thu âm lại. Với bài hát quen thì anh “xài lại” lời giới thiệu có sẵn của người khác, nhưng với bài hát lạ thì anh phải tự “đặt” lời, và vì thế anh càng phải ráng… trau dồi khả năng ngôn ngữ. Cứ thế, lâu ngày, anh đã có một bộ “nhạc tuyển” catssette có lời giới thiệu của mình, như một MC thực thụ.

Một lần, sau khi mở “đài” của mình, Thanh Bạch chạy qua bên kia cây cầu trước nhà để nghe thử. Anh thấy cô bé quen mặt ngồi trước sân nhà nó cũng đang chăm chú lắng nghe một cách hào hứng. Nhận thấy “chương trình” của mình đã có… khán giả, Thanh Bạch khoái quá càng quyết tâm sẽ “làm” tiếp những “chương trình” hay. Từ đó, thay vì những bài hát lung tung, “chương trình” ca nhạc của anh có chủ đề hẳn hoi, lúc thì nói về hoa, lúc thì nói về biển, về mẹ, v.v…, điều đó càng đòi hỏi anh phải cố sức “đặt” lời cho hay hơn, giàu ý nghĩa hơn. Có nghĩa là tiến đến gần nghề MC hơn.

Duyên dáng trống cơm

Lên THPT, ở lớp, cứ vào “5 phút văn nghệ đầu giờ”, Thanh Bạch luôn xung phong làm “ca sĩ”. Tốt nghiệp THPT, anh thi đậu cùng lúc 2 trường: Đại học Sư phạm Vĩnh Long và Trường Nghệ thuật sân khấu TPHCM (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh). Anh chọn trường nghệ thuật, Khoa Đạo diễn sân khấu.

Lên TPHCM, Thanh Bạch sống ở ký túc xá, ăn cơm tập thể, ngủ giường tầng. Thỉnh thoảng, đói quá, chạy về quê (Vĩnh Long) xin tiếp tế gạo mang lên và thường bị “kẻ cắp” xoi thủng bao lấy bớt gạo trên những chuyến xe đò cà rịch cà tang.

Vừa học hết năm thứ nhất, anh được chọn đi du học Liên Xô. Tại đây, trong một chuyến tham quan Biển Đen, nhà trường tổ chức buổi giao lưu giữa sinh viên các nước, mỗi người sẽ tự giới thiệu một tiết mục văn nghệ đặc trưng nhất của nước mình. Thanh Bạch tìm một cái cây trốc gốc, cưa thành khúc ngắn và tự tay vẽ vời lên đó các hoa văn trống đồng, chim lạc… giả làm cái trống cơm.

Khi lên sân khấu giao lưu, anh đeo cái trống cơm đó trước bụng, vừa vỗ vừa hát bài dân ca Trống cơm và nhảy theo nhịp. Tiết mục hấp dẫn và bạn bè quốc tế nhìn ra anh là một tay… tạp kỹ có tài. Quả thật, lúc ấy Thanh Bạch cũng nhận thấy mình thích hợp với “chất” tạp kỹ hơn. “Cái trống cơm” đã… hích anh một cú quyết định! Anh làm đơn xin chuyển từ Khoa Đạo diễn sân khấu sang Khoa Tạp kỹ.

Đơn được chấp nhận, nhưng anh phải thi lại như mới vào lần đầu. Vào thi, Thanh Bạch rất lo lắng, cố hết sức thể hiện đủ mọi “tiết mục”: hát, múa, diễn kịch câm, ngâm thơ và… nhảy nhót. Diễn đã đời xong, chẳng nghe ban giám khảo nhận xét gì, chỉ buông thõng một câu “anh đi về đi” khiến Thanh Bạch phát hoảng, tưởng về… Việt Nam luôn! Nhưng hai ngày sau thì anh biết tin mình đậu.

Gặp người tri ngộ

Qua 5 năm, Thanh Bạch tốt nghiệp Khoa Tạp kỹ. Anh về nước, sinh sống tại TPHCM, làm phụ giảng các môn kỹ thuật biểu diễn, luyện tập hình thể, tiếng nói sân khấu…, biểu diễn tiểu phẩm hài cho nhóm Tuổi Trẻ Cười Sống. Tuy vậy, thỉnh thoảng anh vẫn… đói, lại chạy về quê xin viện trợ gạo.

 Lâu ngày, nhận thấy khó sống được với nghề, Thanh Bạch ngẫm ngợi mãi và nhớ ra mình còn “vốn liếng” nói và hát tiếng Nga “dành dụm” được sau 5 năm ở Liên Xô! Anh bèn chuyển qua hành nghề… “ca sĩ” chuyên trị hát tiếng Nga để tránh đụng hàng, dễ tồn tại.

Thế nhưng anh cũng chỉ được hát lót, hát “câu giờ” những khi ca sĩ chính chưa tới. Một lần đang hát, nhìn xuống khán giả, anh thấy một người đàn ông ngồi nghe có vẻ chú ý đến mình. Tưởng người này chắc cũng ở Liên Xô về, anh càng cố tạo dáng, hát cho đúng giọng để kẻ “tri ngộ”… phục chơi.

Và đúng là người đó “phục” anh thiệt, nhưng không phải giọng hát mà là cái điệu bộ, phong cách rất “bắt mắt” của anh. Sau buổi đó, ông đến gặp anh và nói: “Về làm MC giúp tôi nhé. Phòng trà ca nhạc Cửu Long, khách sạn Majestic Saigon”. Nghe thế, Thanh Bạch ngẩn người ra nhưng rồi gật đầu cái rụp. Và từ đó anh theo nghề MC một hơi cho đến nay thành danh luôn. Kẻ tri ngộ anh hôm ấy, không ai khác, chính là nhạc sĩ Dương Thụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.