Thực thi quyền tác giả: Cần chế tài mạnh

GD&TĐ - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) mới đây đã ra thông báo tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn từ quý IV/2017, khiến hàng trăm khách sạn tại Đà Nẵng phản ứng gay gắt. 

Thực thi quyền tác giả: Cần chế tài mạnh

Câu chuyện này đang cho thấy nhận thức của xã hội đối với sở hữu trí tuệ còn hạn chế và việc thực thi bản quyền hiện nay còn nhiều bất cập.

Vấn nạn chung

Thống kê của Bộ VH-TT&DL về hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các sáng tạo của ngành văn hóa cho thấy, 5 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 34 doanh nghiệp, số tiền xử phạt là 900 triệu đồng.

Riêng lĩnh vực âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, đã phát hiện và xử phạt 8 doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, với số tiền xử phạt là 227 triệu đồng. Đó là chưa kể đến hàng trăm cá nhân, đơn vị tìm mọi cách để trốn tránh việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.

Thực tế câu chuyện vi phạm bản quyền đã trở thành vấn nạn chung trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật khi đạo nhái, sao chép ý tưởng, làm giả… vẫn đang nhức nhối dư luận xã hội. Trong khi đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc khó đạt hiệu quả mong muốn khi chưa có sự tuyên truyền thông tin đầy đủ.

Nội dung các điều khoản trong luật ra sao vẫn còn mơ hồ ngay cả với những người được hưởng quyền tác giả và quyền liên quan. Khi phát hiện sự vi phạm, đa phần họ không biết kêu ai, đệ đơn đến đâu, chọn cơ quan cấp nào cho đúng thẩm quyền, thành ra cứ mặc kệ cho qua còn hơn dính vào vụ việc khó lường hết thiệt hại về tài chính và thời gian, chưa kể đến tổn thất về sức lực và tinh thần. Sự thiếu hiểu biết luật chẳng những dễ dẫn đến hiện tượng vi phạm luật, mà còn làm người trong cuộc tranh cãi lan man không phân thắng bại.

Tôn trọng bản quyền tác giả

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng đã và đang trở thành những điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế. Thế nhưng, đã hơn 10 năm kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành, song tình trạng vi phạm bản quyền ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn học nghệ thuật dường như không giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Nhiều giải pháp nâng cao năng lực thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đã được đưa ra, nhưng chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Lâu nay, nhiều vụ việc ngay bản thân tác giả cũng không ý thức được giá trị tác phẩm của mình, không đăng ký bản quyền, để đến khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý. “Không phải cứ xử lý thật mạnh vi phạm là xong. Vấn đề còn nằm ở ý thức coi trọng bản quyền của tác giả, người sử dụng đối với những sản phẩm trí tuệ”.

Như vậy, ngoài quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, quan trọng nhất là phải tạo được nhận thức trong xã hội. Nếu chỉ có ý chí từ cơ quan quản lý Nhà nước mà công chúng không có cùng nhận thức thì khó tạo được tư duy mới trong bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan. Do đó, cần có chiến dịch tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ hơn nữa.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, từ lâu, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) khuyến nghị, mong ngóng các tác giả đến đăng ký bản quyền, bảo đảm tính hợp pháp cho “đứa con tinh thần” của họ, nhưng rất hiếm họa sĩ đến đăng ký. Khi xảy ra vấn đề tranh chấp, gây bức xúc, các họa sĩ cũng như công chúng lên tiếng, nhưng anh có đăng ký đâu mà đòi hỏi bảo hộ được?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ