Thợ đóng giày tự học thành họa sĩ nổi tiếng

GD&TĐ - Những tổn thương trong cuộc sống đã khiến Hom Nguyen tự học để trở thành họa sĩ nổi tiếng. Sự tổn thương còn giúp anh đặc biệt nhạy cảm để khơi gợi giá trị nhân văn, truyền tải cảm xúc.

Tên tuổi Hom Nguyen không còn xa lạ với giới nghệ thuật Việt Nam. Mặc dù sinh ra và hoạt động tại Pháp, nhưng tinh thần hội họa Á Đông của Hom Nguyen đã lan tỏa khắp thế giới, cũng như ảnh hưởng mạnh mẽ tới Việt Nam.

Cậu bé đánh giày ở Paris

Sinh ra ở Paris (Pháp) năm 1972 trong một gia đình lao động thuần túy, Hom Nguyen sống với mẹ tại một căn hộ chật hẹp. Mẹ anh – bà Lan là một phụ nữ Việt Nam khép kín và không biết tiếng Pháp, hằng ngày làm công việc phụ giúp ở một tiệm cắt tóc.

Khi cậu bé Hom Nguyen tròn 2 tuổi, tai họa ập xuống gia đình nhỏ. Bà Lan bị liệt sau một vụ tai nạn khi đi làm về. Tuổi thơ của Hom Nguyen buộc phải trưởng thành trước tuổi, vừa quấn quít bên mẹ vừa xoay sở với cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người.

Khi lên 8 tuổi, Hom Nguyen đã thích vẽ những nét nguệch ngoạc các khuôn mặt và phong cảnh bằng bút chì lên sổ tay, góc bàn, khăn giấy. Tuy nhiên, vì trách nhiệm cuộc sống, cậu bé đã mưu sinh bằng một nghề thực tế hơn - đánh giày.

“Vào thời điểm đó, cuộc sống không hề dễ dàng. Tôi đang làm công việc đánh giày trên đường ở Paris. Một ngày nọ, có anh chàng chỉ cho tôi rằng, bạn có thể nhuộm giày với nhiều màu sắc khác nhau. Và sau đó, tôi trở thành một nghệ sĩ patina”, họa sĩ Hom chia sẻ.

Mặc dù Hom Nguyen đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa từ nhỏ, nhưng mãi đến năm 2009, nghệ thuật mới bắt đầu chiếm trọn cuộc sống. Đó là thời điểm mẹ anh – bà Lan qua đời. Hom quyết định tạo sự nghiệp riêng với tư cách là nghệ nhân đồ da patina, đó cũng là trải nghiệm đầu tiên mang anh trở lại với thế giới sắc màu.

Tích cóp số tiền cần thiết, Hom Nguyen tới Tokyo (Nhật Bản) để học hỏi các bậc thầy về hình xăm, quan sát thế giới và phát triển kỹ thuật riêng bản thân. Khi quay về Pháp, Hom Nguyen vận dụng những kiến thức đó và tập trung vào kỹ thuật patina, màu sắc và chất liệu.

“Mọi việc bắt đầu suôn sẻ, tôi bắt đầu kiếm được một số tiền và làm những đôi giày được đặt thửa riêng. Nó đã trở thành một trào lưu”, họa sĩ Hom cho biết.

Sau khi một thợ đóng giày nổi tiếng ở Pháp nghe nói về công việc của Hom. Ông đã đến gặp gỡ và bị cuốn hút bởi sự tỉ mỉ và chi tiết trong các tác phẩm. Ông đã dành một tủ kính trong xưởng để trưng bày các tác phẩm của Hom Nguyen.

Nhiều tờ báo của giới thượng lưu tìm đến đưa tin về sáng tạo trên các trang nhất. Điện thoại của Hom bắt đầu đổ chuông, đó là những cuộc gọi từ các hãng thời trang hàng đầu thế giới. Kể từ đó, Hom Nguyen trở thành huyền thoại trong giới nghệ thuật patina.

Tự học thành họa sĩ

Họa sĩ Hom Nguyen sinh năm 1972 tại Pháp.

Họa sĩ Hom Nguyen sinh năm 1972 tại Pháp.

Sự ra đi của mẹ Hom Nguyen luôn nhắc nhở anh về giấc mơ nghệ thuật còn dang dở. Dòng chảy cảm xúc đó đã kích thích anh tập trung vẽ chân dung khổ lớn. Hom coi việc đứng trước tấm vải canvas là một cuộc chiến nội tâm.

Những gì nhận được sau cuộc đối đầu này chính là những đường nét khuôn mặt, chiều sâu của đôi mắt và sự lột tả thần thái đặc biệt chân thực.

Hom Nguyen bắt đầu vẽ rất nhiều bức chân dung của người nổi tiếng. Tự anh tìm tòi, tụ anh khám phá những bí mật của hội hoạ. Điều bất ngờ là dưới nét vẽ ấy, các chân dung vốn rất quen thuộc đều hé lộ cảm xúc, góc nhìn “rất đời” chưa từng được biết đến. Các nhân vật đột nhiên khám phá ra những điều bí ẩn còn ẩn sâu trong tâm hồn của chính mình.

Tác phẩm của Hom được thế giới biết đến thông qua nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế như Dark Side, Trajectoire… tại Paris, Singapore, Hong Kong. Trong triển lãm nghệ thuật Art Paris Art Fair tổ chức vào năm 2016, Tổng thống Pháp lúc đó là Francois Hollande đã đến tham dự và đánh giá rất cao những tác phẩm của Hom.

Dù không được đào tạo bài bản, Hom Nguyen từ chối mọi chủ nghĩa tuân thủ trong sáng tạo của mình. Người họa sĩ tự học khẳng định quan điểm rằng, anh không vẽ để làm hài lòng bất kỳ ai, mà là kết quả của sự phóng chiếu tinh thần.

Vào năm 2019, trong một triển lãm mang tên “Togeth’her”, Hom Nguyen đã vẽ một bức chân dung của phu nhân Obama gây ấn tượng mạnh mẽ. Nhà đấu giá Christie’s sau đó đã đấu giá thành công tác phẩm này nhằm gây quỹ hỗ trợ các chương trình bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Nhiều nhà phê bình nghệ thuật đánh giá, tác phẩm của Hom Nguyen cho thấy dấu ấn tuổi thơ sóng gió. Bởi thế, trong mỗi nét vẽ của anh có một trái tim và đôi tay cầm cọ giàu cảm xúc, cho phép tái hiện hồn cốt của nhân vật sống động trên những tấm toan.

Phải nói rằng, Hom Nguyen đặc biệt nhạy cảm với những giá trị nhân văn mà anh thể hiện và truyền tải. Vì vậy, cảm xúc khi ngắm tranh của anh là một thứ tình cảm xoa dịu, một sự kết nối nhẹ nhàng, sự cảm thông và lòng trắc ẩn.

Những giá trị đó luôn hiện hữu trong mọi sáng tác nghệ thuật của Hom. Anh đã tạo nên mối liên kết giữa con người và gắn kết tất cả chúng ta lại với nhau.

Hom Nguyen nói rằng, vài năm gần đây, anh có cơ hội đến nhiều nơi ở châu Á và bắt đầu hành trình tìm về nguồn cội. Dù ở Việt Nam hay bất kỳ nước Á Đông nào, anh đều gặp những người với khao khát nghệ thuật và văn hóa đáng kinh ngạc.

Đó là điều tuyệt vời để anh giới thiệu tác phẩm của mình tại châu Á cũng như quê hương Việt Nam.

“Chính con đường tự học đã biến tôi trở thành một con người có giá trị. Quá trình này cho phép tôi tiến sâu vào nội tại bản thân, để khám phá tài nguyên mà trước đó, tôi nghĩ mình không có” - Họa sĩ Hom Nguyen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.