Thị trường sách tương tác thông minh: Hướng đi mới thời CMCN 4.0

GD&TĐ - Trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành xuất bản cũng bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình giải trí. Nhiều nhà xuất bản (NXB) đã tìm hướng đi mới bằng việc kết nối với độc giả bằng tương tác trực tiếp mà không qua trung gian nhờ công nghệ.

Thị trường sách tương tác thông minh:  Hướng đi mới thời CMCN 4.0

Tìm hướng đi mới

Để nâng cao chất lượng hình thức lẫn nội dung, nâng cao thị hiếu của độc giả, ngành xuất bản Việt Nam đang nỗ lực thay đổi không ngừng, mở ra các hình thức kinh doanh mới thích ứng với thời đại mới.

Giờ đây, thay vì mua một cuốn sách và chỉ được đọc các thông tin trên sách, thì độc giả có thể nhận được nhiều hơn: Kết nối với cộng đồng độc giả đang đọc cùng cuốn sách đó, kết nối với tác giả, nhà sản xuất - đơn vị phát hành, nhận thêm những ưu đãi nội dung và các quà tặng khác từ phía nhà sản xuất.

Để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ bạn đọc, thời gian qua, NXB Trẻ đã áp dụng công nghệ tem thông minh. Mỗi cuốn sách đều có một mã số riêng và duy nhất. Bạn đọc đều có thể kiểm tra điều này ngay lập tức khi thực hiện theo cú pháp được hướng dẫn trên sách.

Được biết, nghiệp vụ tem thông minh sẽ giúp cho bạn đọc có nhiều sự lựa chọn: Mua sách thật giá cao hơn sách giả nhưng sẽ hưởng thêm được nhiều chính sách hậu mãi và chăm sóc khách hàng của nhà sản xuất, tăng cường sự tương tác và sự thân thiết với bạn đọc.

Mới đây, NXB Đinh Tỵ vừa phát hành bộ sách tương tác “Lift the flap - Lật mở khám phá” dành riêng cho trẻ dưới 6 tuổi cũng đã tạo nên dấu ấn trong làng sách thiếu nhi. Được minh họa bằng hình ảnh 2D chân thực, mới mẻ, cuốn sách giúp trẻ ghi nhớ từ mới nhanh chóng, đồng thời phát triển khả năng tưởng tượng qua các hình ảnh chân thực.

Nói về việc sử dụng công nghệ số, phải kể đến Anbooks. Là một doanh nghiệp non trẻ trong ngành, mới thành lập vào 2016, Anbooks có cơ hội mạnh dạn thử nghiệm những công cụ công nghệ mới. Với sự kết nối giữa tác giả và độc giả, công nghệ này làm rút ngắn khoảng cách địa lý - vật lý giữa tác giả - độc giả và nhà sản xuất.

Hiểu độc giả bằng công nghệ

Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks cho biết, công nghệ là một phần để cho sách giấy tồn tại và bền vững hơn. Sách tương tác thông minh là giải pháp công nghệ được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng mã QR (Quick Respond: Mã phản ứng nhanh). Tem QR dán trên những cuốn sách của Anbooks thuộc hệ thống tem biến đổi; mỗi cuốn sách chỉ có một tem QR duy nhất.

Để sử dụng ứng dụng này, người dùng sẽ phải tiến hành quét tem QR định vị dán trên từng sản phẩm của Anbooks. Sau đó, hệ thống sẽ tự động đưa ra đường dẫn giúp người dùng kết nối trực tiếp với trang cung cấp thông tin của Anbooks theo từng sản phẩm mà không yêu cầu cài đặt bất cứ phần mềm ứng dụng nào khác.

Thời gian qua, Anbooks đã ghi nhận lại các phản hồi và chia sẻ của rất nhiều bạn đọc. Những phản hồi này cho thấy nhu cầu muốn được trao đổi với tác giả, được phản hồi với nhà sản xuất, nhà phân phối là rất lớn.

Thành công đó có thể kể đến sự ra đời của các tác phẩm “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Dạy con trong hoang mang”, “Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi!”. Kết nối này không chỉ của người mua và bán mà trở thành kết nối của người thân, người bạn.

Chị Thi Anh Đào, tác giả của cuốn sách “Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi!” chia sẻ: “Sách tương tác thông minh giúp tôi có thể nghe được câu chuyện của những người đã từng mua sách của mình, chuyện đời, chuyện nghề, chuyện về những lựa chọn trong cuộc sống của họ, là một trải nghiệm thật sự thú vị”.

Theo bà Ngô Phương Thảo, việc tương tác thông qua công nghệ tạo điều kiện cho độc giả gặp được những tác giả giúp độc giả có cái nhìn rộng hơn, sâu hơn về đời sống xã hội. Về phía nhà sản xuất và tác giả, họ sẽ nhận được phản hồi của bạn đọc từ khắp mọi nơi (trong nước và nước ngoài) và xử lý vấn đề của bạn đọc, từ đó nhà sản xuất, tác giả đánh giá được thang đo hài lòng của độc giả và đem ra những cải thiện tốt hơn cho sản phẩm.

Có thể nói, trong thời đại số, nhiều phương tiện tỏ rõ tính năng ưu việt, sinh động, trực quan và tiện lợi hơn nhiều so với những cuốn sách truyền thống. Để thúc đẩy và đáp ứng thói quen đọc sách của người dân, đã đến lúc các nhà xuất bản cần phải biết đáp ứng, tiếp cận người đọc trên các nền tảng công nghệ mới bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành xuất bản sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ