Thị trường sách cần hòa nhịp với cuộc sống đương đại?

GD&TĐ - Một buổi sáng đẹp trời, bạn bắt gặp con em mình “cà phê sáng” bên một cuốn sách với thái độ cực kỳ nghiêm túc, bạn sẽ “lăn đùng ngã ngửa” bởi cảnh tượng này?  

Ưu điểm sách ảnh là không áp đặt độc giả vào điều mà tác giả muốn, nó luôn hàm chứa nội dung mở, để cho độc giả xem và tự cảm nhận theo cách riêng của họ.
Ưu điểm sách ảnh là không áp đặt độc giả vào điều mà tác giả muốn, nó luôn hàm chứa nội dung mở, để cho độc giả xem và tự cảm nhận theo cách riêng của họ.

Đây có lẽ là một hình ảnh mang tính giả dụ khá hài hước nhưng vô cùng thực tế, bởi lâu nay sách không còn là bạn đồng hành với người trẻ nữa, thế nên bất kỳ phụ huynh nào cũng sẽ tò mò về cuốn sách mà con em mình đang “say sưa”.

Lâu nay, nhắc đến sách, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thị trường hẩm hiu vì vắng khách và run rẩy trước sự cạnh tranh của sách ảo.

Thay vì suy nghĩ tiêu cực, tại sao chúng ta không chịu nhìn thoáng hơn? Hãy làm mới chính mình, hãy tiếp cận với độc giả trẻ - đối tượng đang tỏ ra “lạnh nhạt” với sách bằng cách lắng nghe suy nghĩ và quan điểm của họ.

Và nếu thực sự tò mò với cuốn sách con trẻ đang cầm trên tay, khi mở nó ra, bạn sẽ ngạc nhiên bởi đó chính là một cuốn sách mà nội dung chủ yếu là những tấm ảnh.

Sách ảnh cũng là sách, là một kênh văn hóa nhiều màu sắc, hình ảnh và giàu ý nghĩa nhân văn. Và điều ý nghĩa hơn cả là sản phẩm văn hóa này đang thực sự cuốn hút giới trẻ.

Không gian mới lạ

Vì là sách ảnh nên không gian của sách chỉ dành những góc nhỏ cho chữ, hình ảnh mới là ngôn ngữ của cuốn sách. Giới trẻ thích thú với sách ảnh có thể là vì lý do này, họ không phải đọc nhiều mà vẫn biết nhiều và ngấm lâu hơn.

Trên thị trường sách quốc tế, sách ảnh luôn sống khỏe, độc giả đón nhận nó với thái độ thích thú. Những cuốn sách ảnh không quá gồng mình để đạt tới giá trị nhân văn cao cả như những những cuốn sách in vẫn thường hô hào.

Sách ảnh chỉ đơn giản là kể về cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi của một người khuyết tật, cũng có thể kể về chuyến khám phá thế giới của một cậu bé tuổi teen, cậu đã được trải nghiệm tất cả những điều mới mẻ khi một mình đặt chân đến châu Âu, ngỡ ngàng trước khung cảnh làng mạc thanh bình của người bản xứ, thích thú ngắm những bông tuyết trắng muốt và còn muốn “nếm” vị lạ của chúng, cười khúc khích khi tự ngồi trên chiếc ván trượt tuyết để rồi ngã oành oạch như một đứa bé mới chập chững biết đi.

Chưa hết, độc giả trẻ chắc hẳn sẽ phải mỉm cười trước những điều mới lạ mà cậu bé tuổi teen trải nghiệm tại một nền văn hóa khác biệt. Cậu sử dụng phương tiện công cộng như thế nào, chào hỏi mọi người ra sao và sẽ phải làm những thủ tục gì trước khi “liều mình” với những môn thể thao mạo hiểm...

Rất đơn giản đúng không? Nhưng đó là văn hóa, là kiến thức, bất kỳ ai cũng sẽ trải qua những tình huống như vậy. Sách ảnh không chỉ để giải trí mà còn là cuốn cẩm nang giá trị và thiết thực đối với độc giả.

Đâu là sức hút của sách?

Hiện nay, sự hiện diện của sách ảnh trên thị trường Việt không đến nỗi “mò kim đáy bể”. Tại TP.HCM, bộ sách ảnh Tâm và tài - họ là ai? (NXB Trẻ) của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á từng gây ấn tượng với đông đảo đối tượng độc giả.

Dày 864 trang, nặng 5kg, bộ sách ảnh là tập hợp của hơn 400 gương mặt xuất sắc, nổi trội trong nhiều lĩnh vực, đi cùng với những bức ảnh đẹp là 365 câu chuyện thú vị được chính các nhân vật chia sẻ. Tiếc là những cuốn sách ảnh thú vị như thế này chưa thực sự xuất hiện nhiều để tạo nên “cơn sốt”.

Khách quan mà nói, độc giả không thể chối bỏ tầm quan trọng của hình ảnh. Khi nghiền ngẫm một cuốn sách dày cộp, khá mệt mỏi với những con chữ ríu rít, bỗng nhiên bạn bắt gặp một hình ảnh minh họa thú vị, cảm giác này cũng giống như việc bạn đang bị khát và có ai đó đưa cho bạn một cốc nước mát rượi.

Cái hay nữa của sách ảnh là không áp đặt độc giả vào điều mà tác giả muốn, nó luôn hàm chứa nội dung mở, để cho độc giả xem và tự cảm nhận theo cách riêng của họ.

Có lẽ, thay vì áp đặt độc giả, người làm sách hãy thử “chiều chuộng” họ hơn xem sao, hãy viết cái họ thích, hãy truyền đạt những cái họ cần, điều đó rất có thể sẽ tạo nên một hiệu ứng tốt.

Ngay cả nghệ thuật truyền thống còn nghĩ đến việc tự quảng bá chính mình bằng nhiều hình thức, kể cả việc phải chấp nhận “dựa hơi” dịch vụ du lịch để tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả, thì việc thị trường sách tự PR bằng nhiều “chiêu trò” đâu phải chuyện đáng xấu hổ.

Việc cấp bách lúc này là những người làm nghề cần phải sống, xa hơn nữa, thị trường sách cần hòa nhịp với cuộc sống đương đại, nói cách khác, chúng ta phải thực tế hơn.

Thường xuyên trách móc thế hệ trẻ: sao chúng lười biếng, chúng không chịu đọc sách... nhưng có khi nào chúng ta tự vấn rằng, sách của chúng ta đủ hấp dẫn độc giả trẻ hay chưa?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ