Thầy giáo dạy Văn & những câu lạc bộ học thuật cộng đồng

GD&TĐ - Trăn trở trước việc nhiều thanh niên, học sinh của vùng huyện xa trung tâm không có điều kiện đọc sách để mở mang tri thức, thầy giáo dạy Văn Huỳnh Văn Thế (sinh năm 1981), của Trường THPT huyện Mang Thít - Vĩnh Long đã “tự thân vận động” nguồn tài trợ, sách vở và thành lập nên không gian học tập cộng đồng gồm nhiều câu lạc bộ đọc sách cho các bạn trẻ.

Thầy Huỳnh Văn Thế tại một buổi sinh hoạt của CLB sách
Thầy Huỳnh Văn Thế tại một buổi sinh hoạt của CLB sách

Tâm huyết dẫn tới hành động

Hiện tại, thầy Huỳnh Văn Thế đang điều hành CLB Sách &Hành động Mang Thít, CLB Sử Việt và duy trì Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê như là một thư viện cộng đồng tại nhà mình. Tổng số đầu sách thầy chia sẻ công khai cho cộng đồng là hơn 2.000 quyển. Để xây dựng nên dự án “đồ sộ” như vậy là cả một hành trình dài “từ tâm huyết dẫn đến hành động”.

“Thời còn học sư phạm Văn tại Trường ĐH Cần Thơ, tôi mê đọc sách đến lạ kỳ nhưng còn là sinh viên nên không có nhiều tiền mua sách và cũng không có nhiều nhà sách như bây giờ. Lắm lúc, tôi với bạn học lén vô bệnh viện “rút máu”, một phần để trang trải chi phí, một phần để mua sách cũ bày bán ngoài lề đường”, thầy Thế xúc động kể lại.

Tốt nghiệp cử nhân sư phạm, đi dạy học và gắn bó hơn 15 năm với ngôi trường THPT huyện Mang Thít, chứng kiến học sinh của mình và nhiều bạn trẻ khác vì nhà ở xa trung tâm nên không có điều kiện tiếp cận với các thể loại sách khoa học đa dạng và phong phú để nâng cao hiểu biết và phát triển năng lực bản thân, thầy Thế không khỏi trăn trở về sứ mạng của một nhà giáo.

Thầy tâm sự rằng ngành giáo dục còn rất nhiều chuyện phải lo, công quỹ của cơ quan nhà nước có hạn, còn bao nhiêu địa phương khác trên cả nước giống như quê hương mình nên không thể lúc nào cũng đi phiền hà người khác được. Thêm vào đó, huyện Mang Thít quy mô kinh tế khá nhỏ, người dân chủ yếu làm nông, làm ăn buôn bán nhỏ lẻ, rất khó tìm được nhiều doanh nhân địa phương thành đạt, sẵn sàng gây quỹ tài trợ cho những dự án khá “mông lung” như phát triển văn hóa đọc cộng đồng.

Suy đi nghĩ lại, sau nhiều đêm thức trắng, thầy Huỳnh Văn Thế quyết định “tự thân vận động”, bắt đầu một hành trình dài tìm kiếm nguồn tài trợ, nguồn sách, liên hệ với nhiều đơn vị, nhiều học giả uy tín để thiết kế nên không gian học tập cộng đồng hiện tại.

Chuyên chở và kết nối tri thức

Nói về dự án, thầy Thế hay cười nhạo bản thân là “gan cùng mình”. Thời điểm đầu tiên, thầy không có bất kỳ mối quan hệ nào, không biết nguồn tài trợ nào và phải tự bỏ đồng lương giáo viên ra để duy trì hoạt động sơ khai của CLB. “Cái tôi có được là sự ủng hộ to lớn của nhà trường, học trò, phụ huynh và đồng nghiệp. Nhiều thầy cô cứ vài tháng là gửi ủng hộ tôi vài trăm ngàn. Nhiều người bên ngoài còn nói tôi nên từ bỏ mà tập trung vào công việc dạy học cho khỏe thân nữa”, thầy Thế tâm sự.

Không chịu bó tay trước cái khó, thầy Thế tích cực tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội để kết nối với nhiều hội thảo khoa học ở tận TPHCM. Tranh thủ ngày cuối tuần hay lúc trống tiết, thầy Thế khăn gói lên TPHCM, đem theo hàng chục bản tham luận tự soạn để trình bày trước cử tọa là các nhà báo, nhà nghiên cứu, chuyên gia, giáo sư đại học về các vấn đề liên quan đến đổi mới phương pháp dạy học, vai trò của việc xây dựng văn hóa đọc ở người trẻ, phương pháp học sử hiệu quả, xây dựng dự án học tập cộng đồng… Thầy Huỳnh Văn Thế lý giải rằng : “Tôi làm như vậy để người ta biết được dự án của mình, mục đích không phải là vì tiếng tăm, mà để tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có tầm vóc và năng lực. Có lần tôi đọc tham luận tại Viện Nghiên cứu Giáo dục rồi quen được nhiều chuyên gia, họ tư vấn cho tôi rất nhiều về cách làm”.

Một buổi giới thiệu sách do học sinh thực hiện
Một buổi giới thiệu sách do học sinh thực hiện

Nhưng người đã theo dõi các bài tham luận, các bài báo viết về thầy Huỳnh Văn Thế và quyết định bằng mọi cách tìm gặp người thầy đặc biệt này là anh Trần Thiện Tùng, một nhà hoạt động xã hội tự gây quỹ vận động thành lập hàng loạt các Không gian đọc trên khắp cả nước. “Khoảng năm 2015, hai anh em kết nối được với nhau. Tùng hứa sẽ quyên góp sách cho tôi và giới thiệu giúp tôi thêm nhiều mối quan hệ nữa.

Suốt 3 năm ròng rã, sách bắt đầu chuyển về Mang Thít theo từng đợt và hàng chục triệu đồng được ủng hộ để duy trì hoạt động của các CLB mỗi năm. Tất cả tôi đều ghi lại và công khai trên facebook hết”, thầy Thế hào hứng kể. Nhờ mối quan hệ với anh Trần Thiện Tùng, các nhà xuất bản, công ty sách lớn như Sách Khai Tâm, FirstNews Trí Việt, NXB Phụ Nữ, NXB Trẻ… lần lượt bảo trợ về nguồn sách cho dự án của thầy giáo làng.

Bên cạnh đó, thầy Thế cũng bắt liên lạc với nhiều CLB sách và đọc sách khác do các bạn trẻ tự thành lập ở Vĩnh Long và Cần Thơ, với mục đích cùng chia sẻ, giao lưu và tương trợ lẫn nhau. Ngoài nguồn tài trợ, thầy Thế còn tranh thủ thời gian rảnh phụ chị mình giao mối bánh tét lá cẩm. Tiền công giao bánh cộng với các khoản gom góp từ bán đồng nát của gia đình và các CLB do thầy điều hành được sử dụng với mục đích phát triển các hoạt động học thuật nội bộ.

Sau ba năm hoạt động, dự án ngoại khóa của thầy Thế đã đi quy củ, thu hút hàng trăm lượt học sinh, sinh viên, phụ huynh, giáo viên cùng tham gia. CLB Sách & Hành động Mang Thít vẫn là không gian hoạt động chính và mang tính đại chúng cao. Thầy Thế cho rằng với cách giáo dục một chiều, tầm chương trích cú, cộng thêm sự áp đảo về mặt tâm lý của người lớn đã khiến cho các bạn trẻ không dám thể hiện tư duy phản biện, nên họ chọn biện pháp im lặng cho an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ