Thấy gì từ vở cải lương “Cây gậy thần”?

GD&TĐ - “Cây gậy thần” là vở cải lương kết hợp nghệ thuật xiếc vừa được ra mắt công chúng. Kết quả từ sự kết hợp giữa hai loại hình nghệ thuật này để lại nhiều dư âm cùng những lời bình.

“Cây gậy thần” là vở diễn đầu tiên kết hợp xiếc và cải lương.
“Cây gậy thần” là vở diễn đầu tiên kết hợp xiếc và cải lương.

Từ ý tưởng làm mới sân khấu

“Cây gậy thần” được hai đạo diễn là NSND Triệu Trung Kiên (Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) và NSND Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) cùng bắt tay dàn dựng dựa trên huyền tích về mối thiên duyên giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung.

Theo NSND Trung Kiên, đây là câu chuyện tình yêu thể hiện ước vọng tự do và niềm khát khao hạnh phúc đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam cả nghìn năm qua. Đề tài này đã có khá nhiều kịch bản sân khấu khai thác, nhưng ê-kíp sáng tạo “Cây gậy thần” quyết định lựa chọn dựng từ kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện.

NSND Trung Kiên cho rằng, đây là kịch bản lột tả được nét mộc mạc, nguyên sơ, mang hơi hướng xa xưa - điều mà những sáng tác gần đây thiếu vắng. Ở vở diễn, bên cạnh những dấu ấn khắc họa chân dung Thánh Chử, một tấm gương sáng về trung - hiếu - tiết - nghĩa, người xem còn thấy được công lao to lớn của ngài trong việc tạo dựng nền tảng giao thương giữa bộ tộc Việt với cư dân bốn biển.

Kịch bản nguyên gốc có độ dài hơn ba tiếng đồng hồ đã được tác giả Lê Thế Song phối hợp các đạo diễn chỉnh lý theo cách chắt lọc phù hợp nhất để đáp ứng yêu cầu dàn dựng mới.

Sau gần 3 tháng tập luyện, vở diễn “Cây gậy thần” đã chính thức có buổi ra mắt tại Rạp xiếc Trung ương. Điều khán giả muốn biết về vở diễn này là nghệ sĩ cải lương mà diễn xiếc sẽ thế nào và ngược lại. Thế nhưng, tất cả những mường tượng trước đó đều không trúng đích. Qua vở diễn công chúng thấy rằng, sự kết hợp hai loại hình nghệ thuật thực ra vẫn theo lối“đèn nhà ai người nấy rạng”.

Cải lương giữ vai trò chính trong việc giữ mạch nội dung và tiết tấu vở. Trong khi đó, xiếc thực hiện vai trò khắc sâu, làm thăng hoa thêm những diễn biến nội tâm và xuất hiện như những lát cắt được lồng gắn hợp lý trong nhiều phân cảnh.

Phân cảnh Chử Đồng Tử trên thuyền trong khi thuỷ quái đang rình rập.
Phân cảnh Chử Đồng Tử trên thuyền trong khi thuỷ quái đang rình rập.

Đến thành công kín rạp

“Cây gậy thần” khiến người xem phải chú tâm bởi những phân cảnh đậm chất nghệ thuật. Đơn cử như cảnh Chử Đồng Tử và Tiên Dung cùng đu dây trên không khi thể hiện tình yêu đang nảy nở, đang chìm trong hạnh phúc; cảnh con thuyền của Chử Đồng Tử khi lướt trên sóng nước, khi bay trên bầu trời, cảnh các đạo sĩ đánh nhau với thủy quái.

Điều làm “Cây gậy thần” trở nên độc đáo, có duyên khi lồng ghép xiếc đu dây được nghệ thuật hóa trong một câu chuyện có nội dung cụ thể. Việc đu dây ấy lại được những nghệ sĩ cải lương thực hiện một cách tự nhiên, không gượng ép, không run sợ đã mang lại hiệu ứng tích cực cho toàn bộ vở phối diễn.

Cảnh đám cưới của Chử Đồng Tử - Tiên Dung cùng chi tiết dân làng mang lễ vật là trâu, lợn, dê đến làm quà đã trở thành cái cớ hợp lý để những màn xiếc thú có dịp trình diễn. Hay như cảnh thể hiện mối bang giao với cư dân bốn biển cũng là cảnh huống thần thoại dễ bề để nghệ thuật xiếc được dịp sắp đặt, làm gia tăng tính huyền bí lẫn kịch nghệ.

Nhiều khán giả cảm nhận sự cộng hưởng của xiếc với cải lương trong một sự tích huyền bí, khi được hỗ trợ bởi âm thanh và ánh sáng sẽ đem lại vẻ đẹp độc đáo cho sân khấu. Người ta không thấy những sự lố như trước đó đã mường tượng, cũng không thấy những kệch cỡm như nhiều lời phê bình. Trái lại, tính huyền tích của nội dung cải lương được minh họa rất thật bởi tính mạo hiểm trình diễn của nghệ thuật xiếc.

Giới nghệ thuật đã sớm khẳng định rằng, không còn nghi ngờ gì nhiều về thực tiễn có thể áp dụng xiếc và cải lương nếu nội dung vở diễn hợp lý. Đây chính là một trong những cách để tôn vẻ đẹp của cải lương, làm cho vở diễn sinh động và khiến sân khấu truyền thống sống động hơn rất nhiều.

Qua vở diễn kết hợp, “Cây gậy thần” còn ghi điểm khi sử dụng linh hoạt mặt bằng sân khấu theo tính quay vòng và trùng lớp. Khi những diễn biến chính tại sân khấu tròn đang thể hiện, thì nhiều cảnh diễn được mở ra ở ba mặt còn lại.

Những bài vọng cổ quen thuộc như: Phi vân điệp khúc, Đoản khúc Lam giang, Vọng Kim Lang, Lý chiều chiều… được được cách tân hòa âm trên nền nhạc jazz. Song song với cách tân đó là sự xuất hiện của một bản rap ở phân cảnh ma quỷ trỗi dậy đã làm giới trẻ thích thú.

Cổ mà kim, kim mà cổ hoà trộn làm cho sân khấu cải lương trở nên hiện đại về mặt hình thức, nhưng vẫn mang hơi hướng của truyền thống qua trang phục, lời kịch. Phải nói rất hiếm có vở diễn nào mà khán giả lại chăm chú xem như “Cây gậy thần”.

Nói đi cũng phải nói lại, vì sự kết hợp nghệ thuật xiếc vào cải lương nên sân khấu nhiều lúc trở nên rối mắt. Sự rối của sân khấu là bất khả kháng khi các phụ kiện xiếc phải có để hỗ trợ phân cảnh. Dây rợ buộc chằng con thuyền hay dây treo nhân vật quá lộ liễu làm giảm tính tự nhiên vốn phải có của một sự tích.

Nhưng dù sao, “Cây gậy thần” vẫn xứng đáng trở thành hình mẫu cách tân phối kết giữa hai loại hình nghệ thuật. “Làm mới sân khấu truyền thống” vốn là khẩu hiệu dễ nói khó làm, nhưng “Cây gậy thần” đã làm được và kéo khán giả bằng những đêm diễn “kín rạp 1.200 ghế”. Còn về lâu dài, cách phối kết cải lương – xiếc có giữ chân được công chúng hay không, thì còn phải chờ thời gian trả lời.

“Ấp ủ bao lâu với quyết tâm thực hiện cho bằng được ý tưởng, để rồi ước mong trở thành hiện thực khi được khán giả đón nhận. Chúng tôi vẫn đi tiếp trên con đường đã chọn để góp phần phục hưng sân khấu” - Nghệ sĩ Lê Thế Song.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ