Tháng ba - ngỡ ngàng mùa hoa thắp lửa

GD&TĐ - Tháng ba, hoa gạo thắp lửa hồng như có một điều gì đó thiết tha cất lên giữa bầu trời cao rộng khiến biết bao người không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên, bịn rịn, nhớ thương…

Tháng ba - ngỡ ngàng mùa hoa thắp lửa

Đã từ rất lâu rồi, hoa gạo luôn gắn liền với mái đình, cây đa, đồng ruộng, triền đê,… Cây gạo đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam với những nét cổ kính, rêu phong, yên bình, thân thuộc, bình dị.

Cây hoa gạo là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng. Cây hoa gạo đỏ có tên khoa học là Bombax ceiba và có nhiều tên gọi mỹ miều khác mà dân gian thường gọi: Cây hoa mộc miên, hồng miên, cây hoa pơ lang, ban chi hoa,… hay có tên gọi mạnh mẽ, kiên cường là anh hùng thụ (cây anh hùng).

Loài cây này có lẽ có nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng hiện nay nó được trồng rộng rãi ở các bang của Malaysia, Indonesia, miền nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam.

Vào mùa đông cành cây khẳng khiu, trơ trụi lá. Ra Xuân, trong lúc những chiếc lá non tơ của cây gạo vẫn còn ngái ngủ trong lớp vỏ cây xù xì, gai góc thì từng chùm nụ hoa gạo màu xanh lục đẹp như những búp sen ngọc bích đậm chụm đầu gần nhau đã bắt đầu nhú lên từng đốm lửa hồng.

Những nụ hoa ấy được ôm ấp trong cái rét ngọt của tháng ba, dần dần hứng lấy làn mưa bụi mỏng cùng với những giọt nắng vàng non tơ rồi choàng mở mắt bật tung năm cánh đỏ thắm rực rỡ giữa đất trời. Bao nhiêu sức sống của cây gạo tích trữ trong suốt mùa đông, đến mùa Xuân như ào ạt bung ra thành từng chuỗi nụ hoa vẫy gọi ánh nắng mùa hè dần dần thức giấc.

Hoa gạo không chỉ là một loài hoa đẹp với sắc đỏ thắm mà còn rất tốt cho sức khỏe. Nó được biết đến như một vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Hoa gạo có vị đắng chát, hơi ngọt, tính mát, tác dụng làm se, tiêu viêm, giải độc, sát khuẩn, thông huyết nên đã trở thành dược liệu sử dụng nhiều trong trị liệu. Hơn nữa, hoa gạo chứa nhiều acid amin, pectin tanin, đường và nhiều nguyên tố vi lượng.

Dân gian vẫn thường hái những bông hoa gạo lành lặn đem phơi trong dâm hoặc sấy khô bằng lửa nhỏ cất vào lọ sành, đậy kín để dùng dần. Theo Đông y, nhiều bộ phận của cây hoa gạo được sử dụng làm thuốc như hoa gạo, vỏ cây, rễ.

Từ lâu, hoa gạo đã đi vào tâm thức, vào đời sống tâm hồn, văn hoá của người dân Việt Nam. Thuở nhỏ, cứ nghe các bà các mẹ bảo: “Cây gạo nhiều ma nên buổi trưa vắng vẻ và buổi tối đừng bén mảng tới nghe chưa”, chúng tôi vừa sợ vừa lo. Nhưng nghe đâu bỏ đấy, chúng tôi cứ chơi rồng rồng, rắn rắn xung quanh cây gạo.

Đến mùa hoa gạo nở thì thi nhau nhặt hoa để xâu vòng tay, vòng cổ và đan thành vương miện đỏ rực để trao cho những bạn gái xinh nhất làm cô dâu. Hoá ra trước đây, cha ông quan niệm: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề" nhằm chỉ phép siêu nhiên gắn bó với ba loại cây này trong tâm thức văn hóa Việt.

Hoa gạo còn là tín hiệu gợi nhắc cha ông mình tiến hành một số hoạt động nhà nông nên thành ngữ có câu: "Bao giờ đom đóm bay ra/Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng".

Loài hoa này cũng được dùng để dự báo thời tiết theo kinh nghiệm dân gian: "Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn". Cây hoa gạo còn gắn với một chuyện tình đầy éo le, trắc trở nhưng hết sức nồng thắm, thuỷ chung trong dân gian.

Chuyện kể rằng: Ở một bản nọ có chàng trai nghèo khỏe mạnh, yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng. Dân bản trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình.

Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thuỷ chung. Gặp Ngọc Hoàng, chàng thưa: "Trần gian mưa nắng thất thường, cuộc sống con người rất cực khổ. Xin người xem xét lại". Ngọc Hoàng hỏi xem ai trông coi mưa nắng, một vị thần tâu: "Đó là thần Sấm, nhưng thần vốn ham vui nên có lúc xao nhãng".

Thần Sấm thưa: "Một mình thần không làm xuể. Xin người giữ chàng trai này lại giúp thần làm mưa". Ngọc Hoàng chuẩn tấu và truyền nâng bầu trời xa mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai đành ở lại làm thần Mưa.

Nhớ người yêu, nước mắt chàng trào ra. Nói về cô gái, ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một ngày tháng Ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết chuyện, ngài cho cô gái một điều ước. Nàng thưa: “Xin người biến cây nên thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần”.

Thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống và trở thành loài hoa Pơ lang hay còn gọi là hoa gạo. Nhìn những bông hoa đỏ nâng niu linh hồn người yêu, nước mắt thần Mưa rơi lã chã. Người ta gọi đó là hoa gạo, loài hoa đỏ rực như tình yêu nồng thắm.

Có không ít bài hát, áng thơ văn gắn liền với loài hoa giản dị, mộc mạc mà rực rỡ, kiêu sa này. Hoa gạo gợi nỗi niềm thương nhớ bâng khuâng:

Tháng ba về, em có biết không?

Hoa gạo nở, đỏ vùng trời thương nhớ

(…)Tháng ba về, những nỗi nhớ không tên

Mùa gạo đỏ, đường quanh co nắng sớm

(Em nghe không tháng ba về - Phạm Ngọc Giao)

Hoa gạo còn là hình ảnh khơi gợi cảm xúc để Đoàn Thị Tảo viết nên bài thơ “Cho một ngày sinh”, sau này trở thành những ca từ đầy da diết, ám ảnh trong bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trọng Đài:

Thế là chị ơi.

Rụng bông gạo đỏ.

Ô hay, trời không nín gió.

Cho ngày chị sinh.

Loài hoa ấy đẹp đến nao lòng ngay cả khi rụng xuống với sắc đỏ rực rỡ:

Ơi hoa gạo đẹp kiêu kỳ đến vậy

Rụng xuống rồi vẫn thắm đỏ như son,

(Nguyễn Khắc Hào- Mùa hoa gạo)

Và đầy sức gợi với dáng nằm gợi lặng lẽ, hoài cổ:

Và bến đò ngàn năm không phai màu áo

Nên dáng nằm cũng cổ kính rêu phong.

(Mỗi tháng ba về - Bình Nguyên Trang)

Tháng ba về, hoa gạo đỏ tung trời như muôn ngàn ngọn lửa lòng đang cháy! Phía xa kia những cánh chim đang dang rộng cánh giữa bầu trời trong xanh, nắng bắt đầu nhảy nhót trên từng khóm lúa xanh non! Mùa xuân đang dần dần chín đỏ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ