“Thả rông” bào mòn di sản

GD&TĐ - Thả rông, cổ áo khoét sâu hết cỡ, phơi lưng trần, xuyên thấu lộ phần nhạy cảm… là cách ăn mặc của một số người tại các điểm di sản văn hóa.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Thực trạng du khách ăn mặc phản cảm đi vào Khu di sản văn hóa thế giới, hay các di tích tín ngưỡng thờ tự trang nghiêm thời gian qua gây xôn xao dư luận. TP Hội An (Quảng Nam) đã có chủ trương triển khai may trang phục để du khách mặc khi vào di tích, nếu họ ăn mặc chưa đàng hoàng.

Lãnh đạo ngành văn hóa của Hội An nói rằng, không dễ gì tạo được hình ảnh một Hội An đậm đặc văn hóa đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Nhưng thời gian gần đây xuất hiện một vài trường hợp làm ảnh hưởng tới văn hóa Hội An.

Điển hình là trường hợp người phụ nữ mặc chiếc áo mỏng manh, hở hang, “thả rông” vòng một rồi vô tư chụp ảnh phản cảm ở di tích Chùa Cầu. Hay trước đó là cô gái quay clip với những hình ảnh khoe thân để hở các bộ phận cơ thể phản cảm trên một ngôi nhà trong khu phố cổ.

Để thực hiện chủ trương “khoác áo cho du khách ăn mặc chưa đàng hoàng”, TP Hội An giao cho các lực lượng chức năng, đặc biệt đội ngũ kiểm soát vé khi thấy du khách ăn mặc phản cảm thì phải nhắc nhở. Thậm chí du khách không hợp tác, thì có quyền không cho vào di tích, nhất là các di tích tín ngưỡng.

Cách làm của Hội An có lẽ hơi gay gắt. Nhưng nếu không làm như vậy thì cũng chẳng còn phương án nào khả thi hơn trước vấn nạn ăn mặc thô thiển của một số du khách như hiện nay.

Xã hội phát triển càng cao thì trang phục càng ngắn, văn hóa ăn mặc ngày càng nhố nhăng. Dù biện minh bằng cách nào, hay đổ lỗi cho văn hóa ngoại lai cũng cho thấy chiều hướng đi xuống của văn hóa. Dù biện luận tôn vinh cái đẹp, hay bình đẳng giới cũng không tránh được thực tế băng hoại đạo đức. 

Ngày trước, phụ nữ không bao giờ diện đồ ngủ hay quần đùi, áo ngắn ra đường. Bất kể là nam giới hay nữ giới đều có một chuẩn mực. Họ mặc sao cho phù hợp bối cảnh, không gian. Người đi đám ma thì ăn mặc kín đáo, màu sắc tối. Đi đám cưới, có thể mặc màu sắc sáng sủa hơn nhưng không lòe loẹt, hở hang quá lố. Khi đến chốn thờ tự thì quần áo trang trọng. 

Ngày nay, do tâm lý muốn khẳng định giá trị bản thân qua vật chất, muốn khoe body nóng bỏng, muốn mình trở thành “trung tâm thế giới”, một số phụ nữ cố tình diện trang phục hở hang. Váy ngắn lộ nội y là chuyện nhỏ, giờ lại thêm loại áo hở toàn bộ lưng, “thả rông” xuyên thấu vòng một.

Xưa các cụ dạy rằng, ăn cho mình nhưng mặc cho người, y phục xứng kỳ đức, để thấy việc mặc quan trọng thế nào trong đạo đức làm người và giao tiếp xã hội. “Quen nể bụng nể dạ, lạ nể áo nể quần”, lần đầu gặp gỡ giao thiệp, ăn mặc lịch sự sẽ dễ nhận được sự tôn trọng hơn là diện đồ hở hang thiếu vải.

Biết là vậy nhưng không phải ai cũng làm vậy. Trong khi đó, pháp luật không quy định mức độ trang phục thế nào là dày là mỏng, là hở là kín, không cụ thể khi người ta mặc trang phục nhưng không mặc nội y thì xử lý như thế nào? 

Có những việc, không phải chờ luật hoàn thiện rồi mới áp dụng. Vì từ thuở hồng hoang, khi Ađam và Eva ăn “trái cấm” đã biết xấu hổ, lấy lá che thân. Huống hồ, thời hiện đại con người lại không biết ý thức ăn mặc thế nào cho hợp văn hóa, xứng kỳ đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.