Sinh động những giờ học ở bảo tàng

GD&TĐ - Với Chương trình Cùng em khám phá, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) đã kết nối với các trường học trên địa bàn thiết kế những nội dung theo từng chủ đề phù hợp với chương trình học của từng cấp học, khối lớp; kết hợp với các hoạt động bổ trợ, vận động để những giờ học ngoài khuôn viên nhà trường thêm hấp dẫn và thú vị.

HS khám phá vẻ đẹp của điêu khắc Chăm qua các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng
HS khám phá vẻ đẹp của điêu khắc Chăm qua các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng

Đến bảo tàng không chỉ nhìn, ngắm

HS khối lớp 7 Trường THCS Trần Hưng Đạo (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) vừa có một buổi học Lịch sử địa phương tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm với nội dung tìm hiểu về Di tich Chăm ở Quảng Nam và Đà Nẵng và “Ba bảo vật quốc gia”. Các chuyên đề này sẽ giúp HS tìm hiểu thêm về vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng trong sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm; giúp HS tiếp cận những hiện vật là di sản nghệ thuật độc đáo, có giá trị đã từng gắn bó với vùng đất mà các em đang sinh sống.

Em Hoàng Lan Anh (lớp 7/6) vẫn háo hức khi kể lại buổi học tại bảo tàng: “Không chỉ nghe các cô chú hướng dẫn viên giới thiệu về các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, những nét đẹp văn hóa của dân tộc Chăm, chúng em còn được tổ chức chơi một số trò chơi tập thể. Các câu hỏi trong các trò chơi này đều có liên quan đến những hiện vật Chăm ngày xưa nên chúng em có cơ hội ôn lại kiến thức”.

Lan Anh chia sẻ, ngoài được ngắm những hiện vật và nghe những câu chuyện cổ xưa trong lịch sử thì buổi học tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm pa đã đem lại rất nhiều niềm vui cho bản thân em và các bạn. Những trò chơi được thiết kế nhằm củng cố kiến thức cho HS như hỏi đáp, con số may mắn, bức tranh bí ẩn, kể chuyện thần thoại qua phim hoạt hình… đã tăng thêm sự hào hứng cho HS, giúp các em tiếp thu và khắc sâu các kiến thức đã được giới thiệu, hướng dẫn trong quá trình tham quan. Một kỷ niệm đáng nhớ của Lan Anh và các bạn là có cơ hội nói bằng tiếng Anh với khách tham quan là người nước ngoài tại bảo tàng và chụp hình lưu niệm cùng họ.

Các em hào hứng tham gia trò chơi vận động Đội nước về nhà, mô phỏng động tác đội nước của người Chăm
  • Các em hào hứng tham gia trò chơi vận động Đội nước về nhà, mô phỏng động tác đội nước của người Chăm

Với khối tiểu học, Phòng GD – truyền thông của Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng thiết kế hai chủ đề Các con vật linh trong thần thoại Ấn Độ dành cho khối lớp 1, lớp 2 và Các vị thần trong Ấn Độ giáo dành cho các khối lớp còn lại. Các hoạt động bổ trợ, vận động thể chất cũng được xây dựng phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của từng nhóm tuổi. Với khối tiểu học, các em được tham gia các hoạt động với cường độ vừa phải như in tranh khắc gỗ trên giấy dó, ném bóng vào rổ. Với khối THCS, các em được tham gia các hoạt động đòi hỏi tính khéo léo, phối hợp đồng đội tốt hơn như: Vượt chướng ngại vật; Đội nước về nhà – trò chơi mô phỏng động tác đội nước của người Chăm.

Bảo tàng cần có thêm “độ mở”

Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ - nhận xét: Chính nhờ những trò chơi bổ trợ và vận động được thiết kế lồng ghép trong các buổi học đã giúp HS ghi nhớ được các kiến thức thay vì các em chỉ được nghe – nhìn khi đến bảo tàng như trước đây.

Ông Hồ Tấn Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm - cho biết: “Năm 2018, sau một thời gian hoàn tất khâu sửa chữa, cải tạo, không gian trưng bày rộng hơn và có thêm hội trường, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tiếp tục Chương trình Cùng em khám phá với nhiều nội dung đổi mới, tăng sự tương tác giữa nhân viên bảo tàng với HS chứ không chỉ giới thiệu một chiều như trước đây. Cùng với việc thuyết minh các nội dung liên quan thì việc xây dựng các trò chơi phù hợp với lứa tuổi cũng góp phần gieo vào ký ức tuổi thơ của các em HS những ấn tượng ban đầu về nghệ thuật điêu khắc Chăm cùng những nét đẹp văn hóa của dân tộc Chăm”. 

Bà Nguyễn Hữu Thị Tường Loan – Phòng GD - truyền thông của bảo tàng cũng thừa nhận, do Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc, vốn dĩ rất kén đối tượng cảm thụ nên đây là một thách thức khi xây dựng chương trình GD cho HS có độ tuổi từ 6 – 14 tuổi để các em cảm thấy hấp dẫn và lý thú.

Bà Tường Loan cho biết thêm, để hạn chế ảnh hưởng đến khách tham quan cũng như đảm bảo chất lượng chương trình, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã phải đưa ra yêu cầu số lượng HS tham gia mỗi buổi chỉ khoảng từ 50 – 80 HS nhưng trên thực tế có lúc đã phải làm chương trình lên đến 120 HS nên chất lượng chưa được tốt.

Về phía các nhà trường, thầy Võ Thanh Phước cho rằng, học ở bảo tàng là một hoạt động có nhiều trải nghiệm cho HS ở bên ngoài nhà trường, nhưng với một trường có quy mô 45 lớp như Trường THCS Nguyễn Huệ để bố trí cho HS học tập tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm chỉ trong tháng 10, tháng 11 thì rất khó để cho trường sắp xếp. Thầy Phước gợi ý, nên chăng thời gian đưa HS đến bảo tàng có thể rải đều trong cả năm học, thậm chí là có thể tổ chức trong 3 tháng hè để tránh quá tải cho bảo tàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.