Sân khấu kịch mùa Tết: Khó tìm được con đường riêng

GD&TĐ - Dịp cuối năm là thời điểm nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật trong cả nước lại nhộn nhịp ra mắt những chương trình và vở diễn đón Tết. Tuy nhiên, nhiều người tâm huyết với sân khấu vẫn lo lắng thị trường sân khấu kịch đìu hiu khi giai đoạn “chạy nước rút” cho sân khấu Tết 2017 đang đến gần.

Sân khấu kịch mùa Tết:  Khó tìm được con đường riêng

Thực đơn kịch Tết “trầm lắng”

Mùa tập kịch Tết thường bắt đầu trước Tết hơn 1 tháng nhưng năm nay không khí có phần trầm lắng hơn.

Tính đến thời điểm này, lịch diễn của các sân khấu dịp Giáng sinh và năm mới có 4 vở mới như: Phim trường đại chiến (tác giả, đạo diễn, NSƯT Trịnh Kim Chi), Chàng với thiếp (tác giả Uyên Nhi, đạo diễn Thanh Toàn) cùng của Sân khấu Trịnh Kim Chi; Ngộ nhận (tác giả Albert Camus, đạo diễn Tây Phong), I am đàn bà (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Y Ban - tác giả, đạo diễn NSƯT Hạnh Thúy) của Sân khấu kịch Hồng Hạc.

Vở kịch Nàng Xuân Đại Náo (tác giả: Vương Huyền Cơ) hứa hẹn sẽ là món ăn tinh thần cho khán giả vào dịp đầu năm mới 2017 tại Nhà hát kịch Thành phố - 30 Trần Hưng Đạo - quận 1 - TPHCM.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đang nhộn nhịp chuẩn bị vở diễn Hoa vương tình mộng (tác giả Trần Hữu Trang, đạo diễn Quỳnh Mai); Hiu hiu gió bấc do tác giả Hoàng Song Việt chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Quốc Kiệt dàn dựng. Đặc biệt vở cải lương phong cách kinh dị đầu tiên Hồn ma báo oán (tác giả Vương Huyền Cơ - chuyển thể Đăng Minh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), vở diễn như một phép thử trong nỗ lực mang lại thực đơn mới lạ cho khán giả.

Năm nay, sân khấu IDECAF và Thế giới Trẻ vẫn chưa có “tín hiệu” chính thức nào về các vở diễn mùa kịch Tết 2017. Sự ảnh hưởng trước cơn bão truyền hình thực tế, gameshow là vấn đề mà sân khấu phải chống chọi trong năm. Sân khấu đìu hiu tất nhiên không đủ sức hấp dẫn với diễn viên, trong khi ra ngoài họ có nhiều cơ hội kiếm tiền như phim ảnh, chương trình truyền hình. Năm nay, kịch Tết của sân khấu này vẫn còn là một ẩn số.

Thiếu vắng kịch thiếu nhi

Sân khấu kịch Tết vốn đã ảm đạm thì sân khấu thiếu nhi mùa Tết lại càng vắng bóng vở diễn dành cho các em. Thực tế đã chỉ ra từ các chương trình truyền hình đang có đất diễn rất lớn dành cho sân khấu thiếu nhi, nhu cầu về nghệ thuật giải trí của các em nhỏ là rất lớn. Tuy nhiên, sân khấu kịch không dễ chiến thắng với các chương trình truyền hình thực tế.

Hàng chục năm nay, sân khấu thiếu nhi vẫn chạy theo mùa vụ và thông thường chỉ có một mùa vào dịp hè. Mùa Tết Nguyên đán, sân khấu thiếu nhi khá đìu hiu.

Lý giải về điều này, đạo diễn, nhà biên kịch Huỳnh Tuấn Anh cho rằng, làm kịch cho thiếu nhi lỗ nhiều hơn lãi, hòa vốn đã là may. Kinh phí đầu tư một vở kịch thiếu nhi bao giờ cũng gấp đôi, gấp ba so với kịch người lớn.

Doanh thu thấp nên chi phí cho viết kịch bản, diễn viên cũng không cao. Không ít các nhà sản xuất đã “trắng tay” khi đầu tư kinh phí thực hiện kịch thiếu nhi. Và khó nhất vẫn là khâu kịch bản. Viết kịch bản cho thiếu nhi rất cực. Làm sao để thông qua nhân vật, người làm kịch có thể chuyển tải đến các em những thông điệp cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhất mà không giáo điều hay khô cứng… đó là những lý do khiến sân khấu thiếu nhi rơi vào tình trạng như hiện nay.

Mùa kịch Tết đang đến rất gần. Đáp ứng món ăn giải trí của người dân đặc biệt là đối tượng thiếu nhi là điều trăn trở, lo âu của nhiều nghệ sĩ gắn bó với sân khấu. Nếu không tìm ra lời giải thì sân khấu mùa Tết sẽ vẫn ở trong vòng luẩn quẩn, không tìm ra được con đường đi riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ