Sân khấu cải lương: Gian nan tìm “vàng”

GD&TĐ - Qua 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu cải lương từng có giai đoạn hưng thịnh, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Sân khấu cải lương: Gian nan tìm “vàng”

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình văn hóa khác, giữ được “ngọn lửa” cải lương trong bối cảnh bùng nổ các loại hình giải trí nghe nhìn là một thách thức lớn.

Nỗ lực đưa cải lương đến với khán giả trẻ

Hiện nay, để không bị chìm nghỉm giữa dòng giải trí ngày càng phong phú đa dạng, sân khấu cải lương cố gắng chuyển mình bằng chương trình gameshow truyền hình, nhiều sân chơi tìm kiếm gương mặt triển vọng cho nghệ thuật cải lương.

Vừa qua, hơn 120 thí sinh của 13 tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ đã bắt đầu vòng sơ tuyển cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2018 tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Nhiều nhân tố mới, trẻ, có chất giọng tốt tạo được dấu ấn với ban giám khảo cuộc thi. Cuộc thi sơ tuyển được tổ chức tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM vào ngày 6, 7 và 8/7. Có thể nói, qua 13 năm tổ chức, sân chơi thi tài ca hát đờn ca tài tử, cải lương này đã góp phần không nhỏ trong việc tôn vinh một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc.

Để tìm kiếm tài năng trẻ cho nghệ thuật cải lương, đầu tháng 7, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM khai mạc Chương trình Bông lúa vàng – cuộc thi dành cho tất cả những ai yêu thích cải lương (16 đến 50 tuổi). Có thể nói, cuộc thi sẽ là sự kết nối tổng thể giữa người mộ điệu với nghệ sĩ nổi tiếng, giữa thí sinh với sân khấu chuyên nghiệp nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng nghệ thuật cải lương đến với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.

Điểm lại những chương trình có thể thấy, sân khấu cải lương đã và đang tìm lại sức sống mạnh mẽ của mình với sự cố gắng giữ lửa của nhiều thế hệ. Trong lúc nghệ thuật truyền thống gặp không ít khó khăn nhưng có thể nhận số lượng thí sinh tham gia đông đảo ở cuộc thi năm nay cho thấy sự khát khao và yêu nghề của lớp diễn viên trẻ.

Con đường không ít chông gai

Trước sự phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại, những sân chơi cho người yêu cải lương không chỉ góp phần bảo tồn, duy trì và tôn vinh bài vọng cổ mà còn khuyến khích mạnh mẽ phong trào ca hát cải lương.

Tuy nhiên, hành trình chọn những gương mặt vàng cho cuộc thi tài năng trẻ luôn không dễ dàng. Thực tế, sau nhiều sân chơi dành cho những người yêu cải lương, một số gương mặt triển vọng đã được phát hiện. Thế nhưng những “mầm” hi vọng ấy vụt sáng rồi vụt tắt. Có gương mặt chỉ xuất hiện một vài lần rồi mất hút, không tiếp tục trụ lại và tỏa sáng trên sân khấu cải lương. Nhiều người trong nghề nuối tiếc cho những nỗ lực tìm kiếm tài năng trẻ cho môn nghệ thuật sân khấu này.

Hành trình tìm kiếm tài năng cho nghệ thuật sân khấu cải lương nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung luôn là hành trình dài.Việc đào tạo, rèn nghề, dưỡng nuôi nghề như thế nào luôn đòi hỏi các nghệ sĩ, diễn viên trẻ phải nỗ lực học hỏi.

Đội ngũ người trẻ hôm nay theo đuổi loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương ngày càng ít đi, thế hệ kế thừa nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương không có nhiều. Cùng với việc thiếu đội ngũ diễn viên kế thừa, cải lương còn đối mặt với thực trạng khủng hoảng kịch bản do lực lượng sáng tác ngày một thưa dần. Hiện nay có hơn 80% kịch bản cải lương phải vay mượn từ kịch bản kịch nói. Đội ngũ sáng tác cải lương chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nổi bật như: Hoàng Song Việt, Lê Duy Hạnh, Triệu Quang Vinh, Triệu Trung Kiên, Lê Chí Trung…

Thiết nghĩ, “có bột mới gột nên hồ”, đời sống diễn viên chưa đảm bảo thì làm sao họ có thể chuyên tâm với nghề. Bên cạnh đó, đội ngũ sáng tác cũng cần phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu nhằm tạo ra những tác phẩm hay, phục vụ thị hiếu khán giả đương đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ