Sách lậu - Vẫn tràn lan

GD&TĐ - Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục nghìn cuốn sách lậu của nhiều nhà xuất bản, trong đó, số lượng nhiều nhất thuộc về NXB Giáo dục đang gióng lên cảnh báo nạn in sách lậu ngày càng trở nên tinh vi, bất cứ sách nào cũng có thể bị in lậu, đặc biệt những sách dành cho đối tượng học sinh.

Sách lậu tràn lan dẫn đến tình trạng khó kiểm soát
Sách lậu tràn lan dẫn đến tình trạng khó kiểm soát

Thật giả lẫn lộn

Bước vào năm học mới, sách giả, sách lậu đang ngày càng phổ biến ở nước ta hiện nay mang lại nhiều lo ngại.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, Cục An ninh văn hóa, thông tin và truyền thông (A87 - Bộ Công an) đã phát hiện, kiểm tra xử lý nhiều cơ sở in, phát hành sách in lậu của NXB Giáo dục Việt Nam như: 

Công ty TNHH Sách - Văn phòng phẩm (Nhà sách Định Thịnh) ở Ngô Quyền (TP Bắc Giang) tổ chức phát hành 15.391 cuốn; Nhà sách Hương Liên ở đường Tô Hiệu (TP Sơn La) tổ chức phát hành 2.029 cuốn…

Mới đây, A87 phối hợp Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã phát hiện vụ việc in lậu sách lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. 

Điều đáng chú ý là 25 đầu sách với hơn 50.000 cuốn sách in lậu tại kho sách của Công ty Cổ phần đầu tư và Tư vấn giáo dục Văn Hiến (phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) đều được dán tem nhái, tem chống hàng giả của NXB Giáo dục Việt Nam.

Trước đó, Công an TP Hà Nội cũng đã phát hiện một cơ sở in lậu, làm giả hàng nghìn tấn sách, tem chống hàng giả mang tên NXB Giáo dục Việt Nam.

Điều đáng lo ngại là hiện nay những sách tham khảo của NXB Giáo dục Việt Nam lại bị các đối tượng in lậu nhiều nhất với quy mô và số lượng lớn gồm: Sách Tiếng Anh 3, 4, 5 (bao gồm sách học sinh và sách bài tập); sách và vở bài tập các môn học Làm văn, Vật lý của các lớp 6, 7 ,8, 9; Bài tập cuối tuần Toán 1, 2, 3, 4, 5; Tập bản đồ bài tập và bài tập thực hành Địa lý từ lớp 6 - 12.

Thực tế, người dân bình thường rất khó có thể phân biệt được đâu là sách thật, sách giả. Chỉ có các cơ quan chức năng, các nhà xuất bản có nghiệp vụ điều tra, phát hiện và có tem chống giả thì mới kiểm tra và phân biệt được. 

Nhiều người lo lắng rằng nội dung của các cuốn sách in lậu, sách giả có nhiều sai sót về mặt kiến thức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập của các em học sinh.

Cuộc chiến còn dài và gian nan

Nhìn chung, cuộc chiến với sách giả, sách lậu bao giờ cũng là cuộc chiến khó khăn, tinh vi, mất thời gian hơn và tốn kém hơn. Nếu chiếu khung xử hành chính đối với việc in sách lậu quy định tại Nghị định 02 (quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản) và Nghị định 47 (quy định về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan) thì mức xử phạt cao nhất chỉ là hơn 500 triệu đồng/vụ. 

Trong khi đó, với những cuốn sách bán chạy thì lợi nhuận từ việc in lậu có thể lên tới cả tỷ đồng. Do đó, nạn in sách lậu vẫn diễn ra phổ biến.

Đại tá Phạm Ngọc Hào - Trưởng phòng 4 (A87) - cảnh báo: “Vì lợi nhuận, thiếu tinh thần trách nhiệm, một số NXB đã vô tình tiếp tay cho đối tượng in lậu xuất bản lậu dưới hình thức liên doanh, liên kết… nhưng họ phó mặc cho các đơn vị làm sách tư nhân, không kiểm soát được số lượng in, chất lượng kém, sai sót nhiều do không có các biên tập viên được đào tạo bài bản”.

Bà Trần Hải Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Sách Đinh Tỵ - chia sẻ: “Để xuất bản được một cuốn sách, các đơn vị xuất bản phải rất dụng công từ khâu mua bản quyền, sản xuất, phát hành… 

Tuy nhiên, chỉ một hai ngày sau khi có mặt trên thị trường là sản phẩm đó đã được sao chép lậu và phát hành công khai song song với sách thật.

Để chặn tình trạng bán sách lậu, các cơ quan chức năng cần làm chặt chẽ từ cấp phép in ấn, đến kiểm tra, phát hành. Đồng thời, đưa ra nhiều hình thức xử phạt nghiêm minh. 

Bên cạnh đó, chính độc giả - những người mua sách cũng nên ý thức việc phải mua và đọc sách thật như là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, thì nạn sách lậu mới bị dẹp triệt để”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ