Phát huy giá trị di sản sau vinh danh

GD&TĐ - Mới đây, cùng với việc nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam đã có 20 di sản thế giới. Tự hào về di sản cha ông để lại, thiên nhiên ban tặng, tuy nhiên vấn đề đặt ra với chúng ta là phát huy giá trị di sản sau khi vinh danh.

Phát huy giá trị di sản sau vinh danh

Lo lắng trước nguy cơ mai một

Một trong những tồn tại được Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, định hướng năm 2018 là việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản đã được UNESCO công nhận tại một số địa phương chưa được thường xuyên chú trọng.

Với những di sản văn hóa phi vật thể, người ta cũng không khỏi cảm thấy lo lắng. Phố cổ Hội An là một ví dụ. Trong quá trình phát triển du lịch, người dân đã bán hoặc cho thuê nhà để sử dụng làm nơi kinh doanh. Không còn là nơi ở của dân cư gốc khiến tinh thần của phố cổ đang đứng trước nguy cơ mai một.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sau khi được công nhận là Di sản phi vật thể của thế giới, hiện nay ra sao khi mà rừng bị mất, những mái nhà rông, nhà dài đang trôi chìm vào dĩ vãng; những chiếc cồng, chiếc chiêng quý giá bị đem bán cho dân buôn đồ cổ. Rồi còn hát Xoan, hát Quan họ, Ví giặm... có được diễn ra trong cuộc sống cộng đồng hay là đã và đang tiếp tục bị sân khấu hóa?

Chúng ta còn nhớ, Vịnh Hạ Long từng bị cảnh báo tước danh hiệu do tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Cố đô Huế cũng từng bị khuyến nghị về việc quản lý và phát triển đô thị gây ảnh hưởng đến di sản.

Theo GS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng, Di sản quốc gia, UNESCO có quyền công nhận và cũng có quyền tước bỏ danh hiệu. Nếu trong quá trình thực hiện, họ kiểm tra thấy các di sản của chúng ta không còn đáp ứng được yêu cầu thì sẽ xem xét khả năng tước bỏ danh hiệu. Chúng ta cần phải làm tốt việc bảo tồn phát huy giá trị các di sản đã được công nhận, cũng như đưa vào bảo vệ khẩn cấp.

Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Để giữ di sản sống trong cộng đồng, GS Nguyễn Chí Bền cho rằng, điều đầu tiên, quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng để làm cộng đồng hiểu rõ và có những hành động thiết thực để giữ di sản xứng đáng với danh dự được trao. Những nhà nghiên cứu, nhà quản lý phải chia sẻ và nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng tri thức khoa học chứ không phải bằng biện pháp hành chính.

Việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản nên được làm tốt trước khi phấn đấu cho di sản những danh hiệu. Hiện, nhiều di sản phi vật thể ở các địa phương đang được trình, đã được phong tặng danh hiệu ở tầm quốc gia, có thể sẽ bước vào chặng đường hướng đến danh hiệu thế giới. Thế nhưng nên đợi đến khi di sản có “bằng” quốc gia, quốc tế thì mới thấy di sản cần bảo tồn. Bên cạnh việc tích cực, nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để vinh danh, việc cần làm trước, làm ngay và làm liên tục, chính là bảo vệ các giá trị di sản cũng như nhận rõ hơn vẻ đẹp của di sản đó trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó là sự trân quý những người trực tiếp nắm giữ, trao truyền, lan tỏa vẻ đẹp nghệ thuật và văn hóa của di sản.

Theo GS Nguyễn Chí Bền, cần xây dựng chính sách, chế độ đảm bảo cuộc sống cho nghệ nhân. Việc truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ sau hay đi hát, đi biểu diễn... cần phải có chế độ để kích thích, động viên người dân xứng đáng. Phải để người dân được hưởng lợi từ di sản thì họ mới có ý thức giữ gìn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ