Phát hiện xương người tiền sử tại hang động núi lửa Krông Nô (Đắk Lắk): Cần sớm được lập hồ sơ xếp hạng di tích

GD&TĐ - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa tổ chức Hội nghị thông báo kết quả khai quật đợt 1 trong hang động núi lửa ở Krông Nô (Đắk Nông). Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật: Đồ đá, đồ gốm, xương răng động vật, đặc biệt còn có di cốt người tiền sử có niên đại cách chúng ta khoảng 7.000 năm.

Di cốt người tiền sử tìm thấy trong hang núi lửa Krông Nô (Đắk Nông)
Di cốt người tiền sử tìm thấy trong hang núi lửa Krông Nô (Đắk Nông)

Tìm thấy di cốt người tiền sử

Năm 2015 về trước, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số di chỉ, di vật khảo cổ ở Tây Nguyên. Năm 2007, trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ đột xuất của Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Dự án “Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam” đã phát hiện được nhiều di tích và di vật khảo cổ với mật độ khá dày trong các hang động núi lửa ở Krông Nô.

Tiếp đó, việc phát hiện di chỉ khảo cổ trong hang động núi lửa Krông Nô dựa trên cơ sở những dấu hiệu khả quan về tiềm năng di chỉ khảo cổ đã được TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài “Điều tra tìm kiếm di chỉ khảo cổ trong Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông” khảo sát, tìm kiếm và phát hiện hàng loạt địa điểm chứa di tích khảo cổ tiền sử bao gồm suối Lồ Ồ với các hiện vật gồm rìu đá, cối đá, phác vật; thôn 5 khu vực thác Trịnh Nữ (huyện Cư Jut) có nhiều hiện vật phản ảnh nhiều giai đoạn tiền sử - sơ sử - lịch sử gồm mảnh gốm từ thô đến mịn, dày 1 - 5 mm, không còn men đến có men; rìu đá các loại, mảnh tước…; thôn Đắk Sơn (huyện Đắk Mil) có các hiện vật rìu đá, phát vật…; thôn Đức Lộc (huyện Krông Nô) có các hiện vật là rìu đá, phác vật… Loại hình công cụ này khá độc đáo, hiếm thấy trong các di tích tiền sử trên địa bàn Tây Nguyên.

Đồng thời, các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô. Đây là lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa.

TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Các nhà khoa học tiếp cận nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất 3 di cốt người và hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật bằng đá, gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, mũi tên đồng... Trong hang động núi lửa Krông Nô còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử. Các di vật được xác định thuộc sơ kỳ Đá mới, tiếp sau là cư dân trung kỳ Đá mới cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm và cuối cùng, con người rời hang vào hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, cách đây khoảng 3.000 năm.

Cần sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Di chỉ khảo cổ hang động núi lửa ở đây là độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Bởi vậy, cần có những hành lang pháp lý bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản. Trước mắt cần lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh, tiến tới cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt.

Những kết quả khai quật ở đây mới chỉ là bước đầu. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, phân tích ADN, giám định thành phần chủng tộc người, làm rõ chủ nhân của nền văn hóa cổ nơi đây. Cùng với đó, phân tích niên đại tuyệt đối, bảo tử phấn hoa, cổ tử cảm… phác dựng quá khứ xa xưa của cư dân tiền sử đất Đắk Nông.

Cùng quan điểm, TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiến nghị: “Cần sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích. Đợt khảo cổ trên mới chỉ là sơ bộ bước đầu, sau này cần mở rộng diện tích khai quật, làm rõ chủ nhân các nền văn hóa cổ nơi đây. Hiện vật khai quật cần được bảo quản, lưu giữ cẩn thận để sử dụng lâu dài; phải chế tác nhiều phiên bản đối với hiện vật quý hiếm, độc bản như di cốt người để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và trưng bày bảo tàng ngoài trời, bảo tàng tại chỗ. Hơn nữa, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo tồn, quản lý và khai thác giá trị của di sản, đặc biệt là di chỉ khảo cổ trong hang động núi lửa”.

Dự kiến, kết quả khai quật khảo cổ sẽ đóng góp nội dung quan trọng và có tính thuyết phục cao cho hồ sơ Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô, Đắk Nông để trình UNESCO vào tháng 11/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.